Trước những thông tin tích cực, cổ phiếu hai "ông lớn" ngành bia đã bứt phá trong nhiều phiên gần đây. Chốt phiên 5/6, cổ phiếu SAB củaTổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn và cổ phiếu BHN của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội cùng tăng kịch trần và trắng bên bán.
Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research kỳ vọng Sabeco sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số so với cùng kỳ (nền so sánh thấp) trong quý II vì cả giải vô địch bóng đá châu Âu (UEFA Euro) 2024 và Thế vận hội Mùa hè (Olympic) 2024 đều sắp diễn ra. "Điều này có thể đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu", SSI Research nêu quan điểm.
Đơn vị phân tích cũng điều chỉnh tăng dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Sabeco so trước đó lên lần lượt là 32.200 tỷ đồng và 4.600 tỷ đồng nhờ kết quả kinh doanh quý I tốt hơn dự kiến và giá bán trung bình cao hơn trong vài tháng đầu năm so với cùng kỳ.
Trong quý đầu năm nay, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.184 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.024 tỷ đồng tăng lần lượt 16%, 2% so với cùng kỳ. Kết quả này giúp công ty dứt chuỗi 5 quý liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận âm.
Năm 2024, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 34.397 tỷ đồng, lãi sau thuế 4.580 tỷ đồng.
Trong cuộc họp với nhà đầu tư quý I, lãnh đạo Sabeco cho rằng kết quả ba tháng đầu năm cho thấy tín hiệu phục hồi rất sớm trong năm 2024. Cùng với kết quả kinh doanh tích cực trong tháng 4, công ty kỳ vọng đà phục hồi sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn duy trì quan điểm lạc quan đối với mức tiêu thụ bia dài hạn của Việt Nam.
Sabeco dự kiến duy trì biên lợi nhuận gộp trong nửa cuối năm bằng với mức trong nửa đầu năm. Bất chấp những thách thức do chi phí nguyên liệu đầu vào được phòng hộ rủi ro quá mức trong năm 2024, công ty có kế hoạch giảm thiểu các tác động thông qua việc cải thiện tiêu chuẩn sản xuất và giảm thiểu lãng phí.
Đối với năm 2025, Sabeco kỳ vọng chi phí đầu vào sẽ trở về mức bình thường khi chi phí cao hơn từ năm 2024 đã được hấp thụ hoàn toàn. Việc chi phí đầu vào trở về mức bình thường được kỳ vọng sẽ bắt đầu tác động tích cực lên biên lợi nhuận gộp từ năm 2025, tạo ra môi trường chi phí thuận lợi hơn cho công ty.
Theo AC Nielsen, trong quý I ngành bia Việt Nam ghi nhận mức giảm 4 - 6% thì Sabeco lại đi ngược xu hướng với việc giành thêm được thị phần, nhưng ban lãnh đạo lưu ý rằng công ty vẫn phải mất một vài năm nữa mới đạt được mức doanh thu trước COVID-19.
SSI Research duy trì quan điểm thận trọng với triển vọng của Sabeco trong năm 2024 do: Mức tiêu thụ tiếp tục bị ảnh hưởng với lo ngại siết chặt quy định cấm nồng độ cồn khi lái xe; tốc độ thay đổi thói quen của người tiêu dùng chậm hơn; Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Tương tự, Chứng khoán Vietcap (VCSC) cũng cho rằng Sabeco có thể gặp nhiều thách thức trong thời gian tới khi sản lượng tiêu thụ bia yếu hơn dự kiến; chi phí cho hoạt động quảng cáo và khuyến mãi (A&P) cao hơn do cạnh tranh gay gắt; chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn; thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn.
Theo VCSC, tăng trưởng tiêu thụ bia có thể chậm lại trong giai đoạn 2026-2027 do thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn và theo sau là sự phục hồi vào năm 2028. Khả năng cao, Sabeco sẽ chuyển một phần thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn cho người tiêu dùng.
"Sabeco có thể hạ giá bán (giá trước áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt) trong năm 2026, điều này bị ảnh hưởng một phần bởi giả định của chúng tôi về việc tăng giá trong năm 2026 (sau khi duy trì giá bán ổn định trong giai đoạn 2024-2025)", Vietcap nêu quan điểm.
Trong sự kiện diễn ra vào sáng nay (5/6) ở Hà Nội, CEO Sabeco Lester Tan đã nêu quan điểm của doanh nghiệp về Nghị định 100 khi cho rằng: "Chúng tôi là công ty sản xuất về bia, nên điều đầu tiên và tiên quyết là làm thế nào để mọi người hiểu uống có trách nhiệm. Là công ty kinh doanh bia, chúng tôi ủng hộ 100% Nghị định".
Đồng thời, vị lãnh đạo này cũng khẳng định công ty cam kết đồng hành cùng Chính phủ và tuân thủ Nghị định 100.
Còn Habeco, ba tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty tăng hơn 10% đạt 1.308 tỷ đồng. Song, lợi nhuận sau thuế âm gần 21 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ gần 4 tỷ đồng.
Habeco cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp thua lỗ là do mặt bằng lãi suất huy động làm giảm doanh thu hoạt động tài chính so với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty còn gia tăng đầu tư cho công tác thị trường để hướng tới mục tiêu hoàn thành tổng thể các kế hoạch đã đề ra trong năm.