Tại Hội thảo thu hút đầu tư vào Fukuoka, tổ chức tại Hà Nội chiều 5/6, Thị trưởng Soichiro Takashima khẳng định doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi sang Fukuoka phát triển vì thành phố cách Hà Nội 4,5 giờ bay và có nhiều chính sách hỗ trợ.
Theo ông Takashima, từ năm 2012, Fukuoka đã tuyên bố là "thành phố khởi nghiệp", sau đó được chỉ định là đặc khu chiến lược của Nhật Bản, phát triển các chính sách đặc thù cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đến 2020, chính phủ Nhật Bản chọn nơi đây là thành phố cứ điểm toàn cầu. Từ năm 2014 đến nay, Fukuoka thu hút 988 công ty khởi nghiệp, huy động 42,2 tỷ yên đầu tư. Khu vực này cũng tập trung nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt sang mở công ty như FPT, Rikkei, VMO.
"Những nơi khác, visa cho kỹ sư có thể cần 3-6 tháng thẩm định, nhưng tại Fukuoka chỉ cần một tháng", Thị trưởng Takashima nói, cho biết đây là thành phố đầu tiên tại Nhật Bản áp dụng visa cho các kỹ sư.
Đóng vai trò kết nối nối doanh nghiệp Việt với Nhật Bản, ông Lê Quang Lương, đại diện Hiệp hội phần mềm và công nghệ thông tin Vinasa, cho biết trong hơn 600 hội viên, 20% đang giao dịch với khách hàng Nhật Bản. Theo ông, Fukuoka là thành phố lớn, có lợi thế về địa lý so với Tokyo hay Osaka khi thời gian di chuyển nhanh hơn. Ngoài ra, chính sách thuận lợi về visa cho kỹ sư có thể giúp doanh nghiệp đảm bảo được nguồn nhân lực.
Trong khi đó, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đánh giá những thế mạnh của Fukuoka "rất phù hợp với định hướng Go Global của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam".
Ông Tâm cho rằng việc thành phố Fukuoka sang Việt Nam kêu gọi đầu tư "là sự gặp nhau của hai tư duy, cách làm ngược", khi Nhật từng có lịch sử sang đầu tư tại Việt Nam, nhưng nay lại muốn thu hút doanh nghiệp Việt. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt thay vì lựa chọn các thị trường dễ tính, thì nay định hướng vào thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao, qua đó nâng cao năng lực chính mình và tiếp tục vươn ra thế giới.
Theo Thứ trưởng Tâm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khởi xướng chương trình hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi chinh phục thị trường nước ngoài từ năm 2023. Đến nay, Việt Nam có cộng đồng hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tổng doanh thu ước đạt 7,5 tỷ USD.