Chứng khoán

Vì sao VinaCapital tăng vị thế cổ phiếu logistics Việt Nam?

Việc phục hồi xuất khẩu đang có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng GDP 5,7% trong quý đầu năm 2024. Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh kéo theo khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển của Việt Nam tăng lần lượt 40% và 30% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital - kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục sau năm 2024, nhất là khi kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh để thúc đẩy xuất khẩu trên khắp châu Á.

Lượng đơn hàng cao nhất 2 năm

Chỉ số đơn đặt hàng mới PMI các thị trường mới nổi toàn cầu của S&P đạt mức cao nhất trong hơn 3 năm, trong đó số lượng đơn đặt hàng mới ở Việt Nam đạt mức cao nhất trong gần 2 năm. 

"Xuất khẩu phục hồi dẫn đến việc các cảng ở Việt Nam tăng công suất và chi phí xếp dỡ tại cảng  tăng khoảng 10% trong năm nay là những yếu tố chính thúc đẩy cổ phiếu ngành logistics tăng giá thời gian qua", chuyên gia VinaCapital nhận định. 

Các cổ phiếu logistics tăng tốt hơn VN-Index. Đồ thị: TradingView.

Thực tế, trong một năm gần nhất, các cổ phiếu ngành logistics tập trung vào thương mại quốc tế đã tăng giá khoảng 50%, vượt xa mức tăng chưa đến 17% của chỉ số VN-Index. 

Dẫn dầu là công ty tư nhân Gemadept (mã: GMD) khi giá nhảy vọt lên vùng đỉnh quanh 84.000 đồng/cp, cao hơn 60% so với một năm trước, chính thức bước vào "câu lạc bộ vốn hóa tỷ đô" với giá trị hơn 26.000 tỷ đồng. 

Hai mã chứng khoán khác cũng có đà tăng ấn tượng là SGP của Cảng Sài Gòn và SCS của Công ty  Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn, với mức tăng giá lần lượt 46% và 37%. 

Theo ông Michael Kokalari, cổ phiếu logistics tăng mạnh khi tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam tăng trưởng 15% quý đầu năm và doanh thu từ dịch vụ xếp dỡ hàng hóa đường hàng không/đường biển tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

Khoảng 1/3 doanh thu của các công ty logistics tập trung vào thương mại quốc tế (trái ngược với các doanh nghiệp tập trung vào vận chuyển nội địa) có nguồn gốc từ việc vận chuyển hàng hóa. Các hợp đồng được ký trong giai đoạn 2020-2021 sắp kết thúc, vì vậy VinaCapital kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu chung của các công ty đó gần như không đổi trong năm nay. 

Các nhà đầu tư còn quan tâm đến sự tăng giảm bất thường của giá cước vận chuyển hàng hóa, cũng như kỳ vọng vào câu chuyện tăng phí cảng và tăng công suất, đưa Việt Nam có thể trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế.

Kỳ vọng tăng công suất  

Các doanh nghiệp logistics còn thu hút nhà đầu tư bởi câu chuyện tăng công suất. Khu phức hợp cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải - bao gồm các bến do Gemadept, Cảng Sài gòn và các công ty logistics khác vận hành - dự kiến sẽ tăng hơn 10% vào năm tới, riêng Gemadept tăng gấp đôi số bến đang vận hành.

Công suất tại khu phức hợp cảng nước sâu Lạch Huyện gần Hải Phòng do một số doanh nghiệp nhà nước sở hữu và vận hành dự kiến sẽ gấp 1,5 lần vào năm tới, bao gồm việc dự kiến tăng công suất 80% vào cuối năm 2024.

Chính phủ cũng đang xem xét xây dựng một cảng trung chuyển chuyên dụng tại Cần Giờ, gần Cái Mép-Thị Vải. Điều này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh với Singapore và Hồng Kông về kinh doanh trung chuyển vì phí xử lý cảng của Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng một nửa so với Singapore, ngay cả sau khi tăng khoảng 10% phí xử lý cảng có hiệu lực vào đầu năm nay.

Việc xây dựng Sân bay Long Thành vẫn đang tiến triển với một nhà ga hàng hóa mới dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm. Chi tiêu cơ sở hạ tầng của Chính phủ đã tăng khoảng 33% lên 24 tỷ USD (hoặc 6% GDP) vào năm ngoái và chúng tôi kỳ vọng mức chi tiêu tương tự trong năm nay.

Vị chuyên gia kết luận việc phục hồi xuất khẩu đã giúp thúc đẩy giá cổ phiếu của các công ty logistics đầu ngành (và tập trung vào thương mại quốc tế). Khối lượng xuất khẩu trên khắp châu Á đang tăng tốc, cùng với việc tăng phí xử lý và tiến độ của các dự án mở rộng công suất tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong ngành.

Ông Michael Kokalari tiết lộ VinaCapital đã tăng tỷ trọng vào cổ phiếu ngành logistics trong danh mục của các quỹ mở trong năm ngoái, vì đã dự đoán được sự sụt giảm thương mại của Việt Nam trong năm 2023 và phục hồi vào năm 2024.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm