"Khoác áo mới" cho thương hiệu
Tuổi thơ của nhiều người tiêu dùng Việt Nam gắn với vị sữa Vinamilk cùng hình ảnh cánh đồng cỏ xanh, những chú bò vui nhộn. Tuy nhiên, những hình ảnh này giờ sẽ chỉ còn nằm trong ký ức bởi vào tháng 7/2023, hãng sữa lớn thứ 36 thế giới quyết định thay đổi bộ nhận diện.
Thay vì hình ảnh logo bầu dục có hình ảnh biểu tượng của bãi cỏ xanh lục, bầu trời xanh lam với dòng chữ Vinamilk ở giữa, hiện tại, logo hãng chỉ còn lại dòng chữ Vinamilk màu trắng bên dưới là ký hiệu "EST" và năm ra đời "1976".
Hai màu sắc chỉ đạo "xanh rực rỡ" và "kem sữa ngọt ngào" được đại diện hãng lý giải, vừa quen, vừa lạ, tạo điểm nhấn thị giác, hòa cùng bảng màu nhiệt đới lấy cảm hứng từ văn hóa ẩm thực Việt.
Đi cùng với thay đổi logo, hãng này cũng tái định vị ngành hàng sữa nước. Đến tháng 8/2023, tất cả các sản phẩm sữa nước của Vinamilk đều được "thay áo mới" với tinh thần "táo bạo, quyết tâm, luôn là chính mình".
Động thái ra mắt bộ nhận diện mới của Vinamilk khi đó gây nên không ít tranh luận trái chiều. Tuy nhiên, dù đồng tình hay phản đối, không thể phủ nhận, chiến dịch tái định vị đã tạo cú hích về mặt truyền thông cho Vinamilk, trong bối cảnh, nhiều doanh nghiệp ngành sữa có xu hướng cắt giảm chi phí quảng cáo để cải thiện biên lợi nhuận.
Nhận định về chiến dịch tái định vị của Vinamilk, CEO của một công ty truyền thông cho biết, đây là "mũi tên" trúng bốn đích của hãng sữa này.
Việc tái định vị giúp hãng phù hợp với thế hệ người tiêu dùng mới - người dùng trẻ nhưng không bỏ rơi những giá trị xưa cũ. Ngoài ra, động thái này của Vinamilk thể hiện tầm nhìn "go global" - vươn xa toàn cầu, tái định vị để trở nên nổi bật và khác biệt.
"Tái định vị là sự mạo hiểm cần thiết, vì sự thay đổi để tốt hơn", chuyên gia này nói.
Quả ngọt ban đầu
Nhờ đó, ngay sau quá trình tái định vị, Vinamilk đã có những quả ngọt ban đầu.
Theo báo cáo tài chính của Vinamilk trong quý III/2023 – quý đầu tiên sau tái định vị thương hiệu, doanh thu thuần của doanh nghiệp này tăng nhẹ 2,9% lên 15.637 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng biến động tỷ lệ thuận khi tăng 13,6% lên 2.533 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2023, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 60.479 tỷ đồng, tăng 404 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 9.019 tỷ đồng, tăng 472 tỷ đồng và vượt kế hoạch 5% nhờ tối ưu chi phí sản xuất và vận hành.
Trong đó, thị trường nội địa ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 50.617 tỷ đồng, ổn định so với cùng kỳ trong bối cảnh ngành sữa Việt Nam suy giảm, nhờ các sản phẩm chủ lực trong ngành hàng sữa đặc, sữa chua và sữa hạt. Còn tại nước ngoài, doanh thu thuần đạt 9.752 tỷ đồng, lợi nhuận gộp ghi nhận 3.651 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,4% và 9,3% so với cùng kỳ.
Tính đến hết 2023, Vinamilk đạt giá trị vốn hóa 6 tỷ USD, là doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống lớn nhất trên HoSE. Ngoài ra, thương hiệu Vinamilk cũng được định giá 3 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2022 bởi Brand Finance.
Còn theo AC Nielsen, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, Vinamilk duy trì top 1 thị phần ngành sữa VIệt Nam với 15 trang trại công nghệ cao, 140.000 đàn bò được quản lý, khai thác cùng 200.000 điểm bán trong hệ thống phân phối.
Sang quý I/2024, dù thị trường sữa Việt Nam tăng trưởng âm 2,8% - theo hãng nghiên cứu thị trường AC Nielsen, Vinamilk vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu quý I/2024 của công ty đạt 14.112 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,4% và 16% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo phân tích cổ phiếu của Vinamilk do Mirae Asset Việt Nam phát hành cũng ghi nhận các tín hiệu tích cực của Vinamilk sau khi tái định vị thương hiệu.
"Sau thời gian giảm thị phần, VNM đang tăng trưởng trở lại. Xuất khẩu dẫn dắt doanh thu trong quý I/2024", báo cáo của nhóm phân tích này viết.
Cụ thể, xuất khẩu chiếm hơn 18,5% tổng doanh thu ba tháng đầu năm, tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ là tác nhân chính giúp doanh thu của hãng sữa này bứt tốc. Nhóm thị trường chính và chủ lực như Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á… hứa hẹn sẽ ghi nhận kết quả tích cực trong tương lai khi Vinamilk thành công xây dựng thương hiệu sữa có vị thế hàng đầu trong khu vực.
Vinamilk được thành lập năm 1976 với tên gọi Công ty Sữa – Cà Phê Miền Nam trên cơ sở tiếp quản 3 nhà máy sữa Thống Nhất, Trường Thọ, và sữa bột Dielac. Năm 2003, Vinamilk cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty cổ phần Sữa Việt Nam. Sau 47 năm đồng hành cùng người tiêu dùng Việt Nam, còn phát triển sản phẩm tại 60 thị trường xuất khẩu theo lũy kế.
Trong năm 2024, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đều tăng. Doanh thu dự kiến là 63.163 tỷ đồng, tăng 4,4% so với thực hiện năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 11.516 tỷ đồng, tăng 5%.