Bắt trend "solo travel" kết hợp bán bánh mì, startup thu về hơn 9 tỷ đồng
Grandma Lu’s là mô hình kết hợp ẩm thực và lưu trú, hiện được xếp hạng 4,9/5 sao trên Google Maps. Mỗi điểm lưu trú là một khách sạn 22 – 37 phòng, giá phòng trung bình 350.000 đồng/người/đêm, chân tòa nhà bán thêm bánh mì.
Hương Lưu – Founder Grandma Lu’s – theo đuổi mô hình phòng nhỏ gọn dành cho một người khi nhận thấy xu hướng solo travel (du lịch một mình) đang gia tăng mạnh. Ở những vùng du lịch, giá phòng khách sạn rất cao, việc những khách du lịch đi một mình phải ở phòng giường double bed (giường đôi) khá phí.
Sản phẩm bán kèm là bánh mì Grandma Lu’s, điểm đặc biệt là nấm truffle, rau samphire (rau dền ngọc long biển) bên cạnh các nguyên liệu truyền thống, bán với giá 40.000 – 120.000 đồng/ổ bánh mì.
Shark Minh Beta chất vấn liệu Founder có hình dung rõ ràng về tương lai của mô hình này chưa, hay vẫn đang ở giai đoạn dò dẫm và tìm hiểu. Hương Lưu cho biết đã trải qua 4 năm với rất nhiều sóng gió từ thời Covid, và nhận thấy nhu cầu rất lớn từ thị trường.
“Các Shark lên Google gõ chữ Grandma Lu's Japan Town hay Grandma Lu's Signature sẽ thấy người nước ngoài đang nhìn nhận mô hình này như thế nào. Họ chính là đối tượng khách hàng mục tiêu mà em đang hướng tới. Hiện tại Grandma Lu's đang có một trung tâm để chuẩn hóa tất cả các quy trình, sắp tới sẽ hướng tới việc làm bánh mì cấp đông để cung cấp cho các chuỗi giải trí”, Hương nói thêm.
Shark nhượng quyền hoang mang, Shark Bình cho rằng startup định giá khá “khôn”
Về tình hình kinh doanh, năm 2023, Grandma Lu's có hai cửa hàng, doanh thu là 9,3 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận sau thuế là 12,5%, trong đó doanh thu giữa mảng thực phẩm và lưu trú tương đồng. Năm 2024, vào tháng 6 đã mở thêm hai cửa hàng, mục tiêu doanh thu 14,7 tỷ đồng.
Đến Shark Tank, Grandma Lu's kêu gọi số tiền đầu tư 3,3 tỷ đồng cho 10% cổ phần, tương đương định giá 33 tỷ đồng. Hương cho biết năm tới, Grandma Lu's sẽ mở thêm 4 cửa hàng dưới dạng nhượng quyền, tổng doanh thu dự kiến 2025 khoảng 25 tỷ đồng, với lợi nhuận khoảng từ 10-12%, tương ứng 2,5 tỷ đồng.
“Lại “đếm cua trong lỗ” rồi! Bạn dùng tiền của Shark để đi đầu tư trong tương lai và bán cho Shark cái tương lai đấy bằng tiền của Shark với một giá cao. Bạn khôn đấy!”, Shark Bình bình luận.
Mặc dù bày tỏ “siêu thích Founder”, Shark Phi Vân vẫn “hoang mang” về mô hình kinh doanh, dù là sự kết hợp tiện lợi nhưng đang chưa phân rõ vai trò chính – phụ. Ngoài ra, là một chuyên gia về nhượng quyền, Shark Phi Vân nhận định với tỷ lệ lợi nhuận 12,5% như startup đang có thì không thể nhượng quyền được.
“Bạn cũng tin là mô hình này có thể ra nước ngoài được à?”, Shark Minh Beta nghi hoặc. Hương Lưu cho biết đã có một deal ở Singapore và đang có một deal của Nhật Bản.
Shark Minh cho biết ông nhìn thấy hình ảnh của mình khi mới khởi nghiệp những năm trước, vị “cá mập” cho biết sẽ đầu tư 3 tỷ đồng cho 18% cổ phần, nhưng không bỏ tiền mặt mà sẽ trao đổi quyền lợi để cùng Founder phát triển, gần như sẽ là một Co-Founder đến muộn.
Hương Lưu đồng ý với số cổ phần Shark Minh Beta yêu cầu nhưng ra điều kiện KPI với Shark “nếu được sự hỗ trợ của Shark Minh Beta, để mà được con số 18% thì Shark phải giúp em cho năm sau mở được bốn cửa hàng nhượng quyền và tối ưu được lợi nhuận từ 12,5% lên 15%”.
“Bốn điểm nhượng quyền trong năm sau là khó vì tôi nghĩ chúng ta vẫn còn khá nhiều việc cần phải làm trước khi đạt được điều đó”, Shark Minh nói.
Trước sự kiên định của Shark Minh Beta, Founder Hương Lưu chốt nhận deal 3 tỷ đồng "in kind" cho 18% cổ phần của Shark Minh Beta, chốt lại thương vụ đầu tiên trên Shark Tank cá mập ra deal bằng quyền lợi chứ không cam kết rót tiền.