Tài chính

Nợ xấu ngân hàng tăng vọt trong quý đầu năm

Tóm tắt:
  • Nợ xấu tăng mạnh trong quý I, nhưng dự phòng rủi ro không tăng tương ứng, giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
  • Nợ xấu ngành ngân hàng là thách thức lớn, với 16/27 ngân hàng niêm yết ghi nhận tăng hai chữ số.
  • Số dư nợ xấu cao kỷ lục đạt 265.549 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cuối năm 2024.
  • Các ngân hàng lớn như BIDV và VietinBank có nợ xấu tăng đáng kể, trong khi một số ngân hàng giảm nợ xấu.
  • Dự báo năm 2025 nợ xấu có thể giảm nhờ quản lý tín dụng cẩn trọng, nhưng rủi ro toàn ngành vẫn gia tăng nhẹ.

Nợ xấu vẫn tiếp tục là cơn đau đầu và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong những tháng đầu năm 2025. Ngay trong quý đầu năm, số dư nợ xấu của phần lớn ngân hàng đều ghi nhận tăng và có tới 16/27 trong số ngân hàng niêm yết là tăng hai chữ số.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến tháng 2/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm 5 ngân hàng MBV, GPBank, VCBNeo, Vikki Bank và SCB) ở mức 1,88%.

Theo dữ liệu ngành của Wichart, trong quý đầu năm, số dư nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của ngành ngân hàng đã bất ngờ tăng thêm gần 17% so với cuối năm 2024, lên 265.549 tỷ đồng. Đây là mức nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025, số dư nợ xấu của 24/27 nhà băng đã tăng so với cuối năm 2024. 

Trong đó, nếu xét về giá trị tuyệt đối, BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu tăng nhiều nhất trong kỳ này (tăng thêm 10.873 tỷ đồng), tương ứng tỷ lệ tăng 37,45% so với cuối năm 2024 và VietinBank (tăng thêm 6.498 tỷ đồng) hay 30,26%. 

Nhìn chung trên số liệu toàn ngành, có thể thấy nợ xấu gia tăng chủ yếu ở các khoản nợ nhóm 3 và nợ nhóm 5. Trong khi đó, SeABank, VietABank và NCB là ba ngân hàng đi ngược chiều khi có số dư nợ xấu giảm sau ba tháng đầu năm.

 

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân nhận định nguyên nhân chính khiến nợ xấu gia tăng trong quý đầu năm là do những khó khăn kinh tế hiện tại, đồng thời Thông tư 02 đã chính thức hết hiệu lực vào cuối năm ngoái, khiến các khoản nợ không còn được cơ cấu hay giãn nợ, buộc phải ghi nhận vào nội bảng, từ đó đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng lên.

"Về mặt kinh tế, các doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do phải gồng gánh hậu quả từ COVID-19, xung đột, cũng như căng thẳng thuế quan. Có thể thấy doanh nghiệp đang vượt rất nhiều cơn sóng để tồn tại, khiến cho một số doanh nghiệp không trụ vững được, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng, đây là điều hiển nhiên trong thời đại bất định như hiện nay", TS Huân cho biết. 

Dự báo về triển vọng nợ xấu, TS Huân cho rằng tình hình sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố bên ngoài hơn là yếu tố nội địa. Tùy theo diễn biến địa chính trị và kết quả các cuộc đàm phán thương mại, nợ xấu có thể biến động theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.

“Nếu kết quả đàm phán mang lại lợi ích cho Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu sẽ có xu hướng giảm. Ngược lại, nếu bất lợi, tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, TS Huân cũng nhấn mạnh những lo ngại nguy cơ suy thoái toàn cầu đi kèm với lạm phát cao (tình trạng đình lạm) có thể tác động ít nhiều đến xuất khẩu – một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài, kéo theo rủi ro gia tăng trong hệ thống tín dụng.

 PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: Hạ An). 

Trong báo cáo xu hướng kinh doanh quý II/2025, về chất lượng tài sản, các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng tỷ nợ nợ xấu giảm mạnh hơn trong quý II/2025. Tuy nhiên, mặt bằng rủi ro tổng thể của nhóm khách hàng được các TCTD nhận định vẫn "tăng nhẹ" trong quý I và được dự báo tiếp tục tăng nhẹ trong quý II.

Các TCTD dự báo mặt bằng rủi ro vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong năm 2025, tuy nhiên tốc độ tăng chậm lại hơn nhiều so với năm 2024 và kỳ vọng xu hướng giảm dần rủi ro trong năm 2026.

Theo đánh giá của VIS Rating, tỷ lệ nợ có vấn đề toàn ngành có thể giảm xuống còn 2,2% trong năm 2025, nhờ vào sự thận trọng trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng quốc doanh (SOBs) và một số nhà băng lớn hạn chế cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn.

Bộ đệm dự phòng mỏng hơn

Một điểm đáng chú ý khác về các con số liên quan đến chất lượng tài sản là trong khi tỷ lệ nợ xấu gia tăng thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) tại phần lớn các ngân hàng đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái.

Theo dữ liệu từ Wichart, số dư dự phòng rủi ro vào cuối quý I/2025 của các ngân hàng niêm yết ở mức 212.460 tỷ đồng, tăng 2,33% so với cuối năm ngoái. Trong khi đó, số dư nợ xấu tăng tới gần 17%, lên gần 265.549 tỷ đồng. 

Điều đó dẫn đến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) của những ngân hàng trên đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái. Xét chung toàn ngành, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong quý đầu năm 2025 đã giảm hơn 11,4 điểm %, từ 91,4% xuống còn 80% trong kỳ này.Theo số liệu thống kê, có 21/27 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm so với cùng kỳ. 

Trong đó, các ngân hàng dẫn đầu về quy mô cho vay như BIDV, VietinBank hay MB thuộc nhóm có tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm sâu nhất. 

Tính đến cuối quý I, chỉ còn 4 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, là VietinBank, Vietcombank, Techcombank và VietABank, tương tự cuối năm 2024. Nhìn lại cuối năm 2023, từng có tới 10 ngân hàng trên mốc này, trong đó 4 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ vượt 200%. 

 

Nhóm ngân hàng Big4 phần lớn đều thực hiện trích lập khá đầy đủ, đảm bảo dự phòng rủi ro cho nợ xấu; tuy nhiên hai "ông lớn" VietinBank và BIDV có bộ đệm vốn khá là mỏng so với quy mô tổng tài sản của hai ngân hàng. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng tầm trung trở xuống có rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, nguyên nhân do bộ đệm vốn các ngân hàng khá là mỏng, trong khi đó nguồn huy động cũng khá kém, tỷ lệ CASA thấp. Trong đó, giới phân tích đánh giá các ngân hàng thương mại tư nhân quy mô nhỏ với bộ đệm vốn yếu hơn sẽ phải đối mặt với áp lực chi phí dự phòng cao trong năm nay.

Vì vậy, mọi ngân hàng đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình. 

Thực tế này đòi hỏi các ngân hàng phải có những biện pháp ứng phó kịp thời để kiểm soát nợ xấu và giảm thiểu rủi ro, đảm bảo sự an toàn cho toàn hệ thống tài chính trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức.

Các tin khác

Miền Bắc lại sắp đón mưa lớn

Dự báo trong chiều tối và đêm nay (16/6), khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục đón mưa vừa, mưa to đến rất to, khu vực đồng bằng có mưa rải rác. Miền Trung hôm nay tiếp tục nắng nóng gay gắt. Tây Nguyên, Nam Bộ mưa dông rải rác vào chiều tối.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (13/6), giá vàng trong nước tiếp tục tăng. Theo đó, vàng miếng SJC lên mốc 119 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao nhất lên tới 118 triệu đồng/lượng.

Miền Trung bước vào đợt mưa rất lớn

Hôm nay (11/6), do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ bước vào đợt mưa rất lớn. Trọng tâm của mưa lớn là khu vực Quảng Trị - Quảng Ngãi, đỉnh điểm của mưa lớn ở miền Trung bắt đầu từ đêm nay, kéo dài đến 13/6.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Trong sáng nay (10/6), mưa to còn tiếp tục ở một số tỉnh miền Bắc, từ trưa chiều nay, mưa giảm nhanh. Những ngày tới, miền Bắc có thể ít mưa. Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông kích thích gió mùa tây nam hoạt động mạnh khiến Tây Nguyên, Nam Bộ mưa to vào chiều tối các ngày 10-11/6.

Người mua vàng lỗ nặng

Sáng nay (9/6), giá vàng miếng SJC quanh mốc 117 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ sau 2 tháng, nhà đầu tư “đu" đỉnh vàng lỗ hơn 9 triệu đồng/lượng

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (7/6), giá vàng trong nước quay đầu giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về sát mốc 117 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao nhất 116,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đồng loạt tăng

Sáng nay (6/6), giá vàng trong nước đồng loạt tăng trở lại. Theo đó, vàng miếng SJC tiến sát mốc 118 triệu đồng/lượng và duy trì cao hơn giá vàng nhẫn 1,2 - 4 triệu đồng/lượng, tùy từng thương hiệu vàng.

Giá vàng giảm mạnh

Giá vàng giảm mạnh trong phiên giao dịch Mỹ ngày 30.5 sau khi nước này công bố chỉ số liên quan đến lạm phát.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Miền Bắc sẽ có 2 ngày ít mưa, nắng nhẹ (26-27/5), nền nhiệt thấp như mùa thu. Từ 28-29/5, khu vực này đón một đợt mưa dông lớn vào giữa tuần.

Giá vàng bật tăng

Sáng nay (24/5), giá vàng đồng loạt tăng. Hiện giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên 15 triệu đồng/lượng.

VN-Index vượt 1.300 điểm

3 phiên tăng liên tiếp giúp VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm sau khi đánh mất trong nhịp điều chỉnh mạnh vì biến động thuế quan cách đây một tháng.

Miền Bắc sắp đón mưa dông

Chiều tối và đêm nay (14/5), miền Bắc và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục mưa dông vào chiều tối nay. Các khu vực khác ngày nắng, ít mưa.

Miền Bắc, miền Trung mưa đến bao giờ?

Ngày hôm nay (11/5), khu vực miền Bắc và miền Trung tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, nhiều nơi xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to, kèm theo nguy cơ lốc sét và gió giật mạnh. Từ đêm nay mưa lớn giảm dần ở khu vực này. Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục có mưa dông vào chiều và tối nay.

Giá vàng SJC giảm mạnh

Sáng nay (9/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.