Cơ quan Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) cho biết một đợt nắng nóng lớn có thể lan rộng khắp các khu vực ở miền Bắc nước này, đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục tại một số khu vực.
Đợt nắng nóng, bắt đầu từ ngày 8-6, đã buộc nhà chức trách phải đưa ra các cảnh báo về khí hậu.
Ngày 10-6, Đài quan sát quốc gia Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo màu cam về nhiệt độ cao - mức cảnh báo nghiêm trọng thứ hai, trong bối cảnh nắng nóng oi bức bao trùm khu vực miền Bắc.
Trước đó 1 ngày, tại tỉnh duyên hải Sơn Đông (Shandong), 7 trạm khí tượng quốc gia đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất vào đầu tháng 6, trong khi nhiệt độ ở tỉnh Hà Bắc (Hebei) và khu vực Tân Cương (Xinjiang) cũng tăng vọt, trên 40 độ C.
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh hôm 8-6 cũng ban hành cảnh báo màu vàng đầu tiên về mức nhiệt cao trong mùa hè này, đồng thời khuyến cáo người dân tránh ra ngoài trời vào những thời điểm nóng nhất trong ngày.
Trung Quốc vừa trải qua một mùa xuân nóng kỷ lục trong năm nay. Theo Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc (NCC), nhiệt độ trung bình toàn quốc từ tháng 3 đến tháng 5 là 12,3 độ C - mức cao nhất kể từ năm 1961, với 12 trạm khí tượng quốc gia ghi nhận mức nhiệt bằng hoặc vượt kỷ lục.
Trong khi đó, nhiều khu vực ở miền Nam Trung Quốc đang phải hứng chịu những trận mưa như trút nước trong nhiều tuần qua. Tại tỉnh Quảng Đông (Guangdong), lượng mưa kỷ lục đã gây ra lũ lụt chết người trong tháng 4, trong khi một phần sông Châu Giang ghi nhận mùa lũ hàng năm đến sớm nhất, kể từ năm 1998.
Ấn Độ trải qua đợt nắng nóng dài nhất từ trước tới nay
Ngày 10-6, người đứng đầu Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), ông Mrutyunjay Mohapatra, cho biết nước này đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất từ trước đến nay, khi nắng nóng đã kéo dài khoảng 24 ngày ở các vùng khác nhau của đất nước.
Nhiều vùng phía Bắc Ấn Độ đã hứng chịu đợt nắng nóng bắt đầu từ giữa tháng 5, với nhiệt độ lên tới hơn 45 độ C. Trong khi đó nhiệt độ ở thủ đô New Delhi ngang với mức cao kỷ lục trước đó ở thành phố này là 49,2 độ C ghi nhận năm 2022.
Nghiên cứu khoa học cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Theo ông Mohapatra, các hoạt động của con người, sự gia tăng dân số, công nghiệp hóa và các cơ chế giao thông đang góp phần làm gia tăng nồng độ CO2, methane và chlorocarbons. Điều này gây nguy hiểm không chỉ đối với thế hệ hiện tại mà còn với cả thế hệ tương lai.