Khoa học

Lội bộ hàng trăm cây số, trèo đèo lội suối giữ rừng Chư Mom Ray

Cán bộ tổ cơ động và PCCC rừng cùng Trạm bảo vệ rừng Bar Gook phát hiện, tháo gỡ bẫy thú người dân đặt trong vườn quốc gia - Ảnh: TẤN LỰC

Cán bộ tổ cơ động và PCCC rừng cùng Trạm bảo vệ rừng Bar Gook phát hiện, tháo gỡ bẫy thú người dân đặt trong vườn quốc gia - Ảnh: TẤN LỰC

Dưới tán rừng giàu có này là những cán bộ ngày đêm trèo đèo lội suối gìn giữ sự bình yên cho từng gốc cây, con thú.

Trong chuyến thăm Chư Mom Ray mới đây, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đặc biệt ấn tượng và dành lời khen khi biết một cán bộ bảo vệ rừng đã đi bộ tuần tra 370km/tháng, đồng thời đề nghị có giải pháp khen thưởng, tăng lương để động viên, nhân rộng điển hình này.

Tuy nhiên, theo số liệu của vườn quốc gia này, hầu hết nhân viên kiểm lâm tại đây đều cuốc bộ hơn 300km mỗi tháng, có nhân viên lập kỷ lục với gần 600km/tháng.

Ngày đêm bảo vệ thú, rừng Chư Mom Ray

Và để khám phá khu rừng giàu này, chúng tôi đã theo chân nhóm cán bộ tổ cơ động và trạm bảo vệ rừng men lối mòn vào Chư Mom Ray, vừa dò bẫy thú rừng vừa khám phá vườn quốc gia này. Dọc đường mòn nhỏ, cây sa nhân mọc thành tán dày dưới gốc cổ thụ xòe bóng che mát lối đi. Càng đi vào sâu, rừng càng giàu có.

Những thân trắc, cẩm lai quý mọc xen cùng nhiều cổ thụ không biết hết tên như đan kín bên trên khu rừng. Dưới mặt đất, những loài thân leo, thân thảo cũng đua nhau giành giật chút nắng yếu ớt còn rọi xuống. Cảm giác đi giữa khu rừng ẩm thấp và mát lạnh rất lạ lùng, vừa thích thú vừa e sợ không gian tĩnh mịch và bóng tối.

Với diện tích hơn 60.000ha cùng hệ động thực vật được bảo tồn gần như nguyên vẹn, Chư Mom Ray được đánh giá là vườn quốc gia đa dạng sinh học cao của cả nước. Nơi đây tồn tại 12 kiểu rừng khác nhau, từ rừng kín nguyên sinh lá rộng thường xanh, rừng rêu thứ sinh, đồng cỏ... Là nơi phân bố của các loại gỗ lớn quý hiếm như kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai, gụ mật.

Trong lòng Chư Mom Ray ẩn chứa đồng cỏ rộng hơn 16.000ha là nơi sinh sống của nhiều loài thú móng guốc và thú ăn thịt như: mang Trường Sơn, trâu rừng, bò rừng, bò tót, gấu ngựa, hổ Đông Dương... cùng hàng trăm loài bò sát, lưỡng cư. Đây cũng là nhà của loài voọc chà vá chân nâu, chân xám, chân đen.

Các nhà khoa học đã thống kê được ở Chư Mom Ray có 950 loài động vật (176 loài quý hiếm) và 1.895 loài thực vật (131 loài quý hiếm). Năm 2004, Vườn quốc gia Chư Mom Ray được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận là Vườn di sản ASEAN.

Ngoài giá trị lớn về đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Chư Mon Ray đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước cho khu vực, chống xói mòn, rửa trôi và bảo vệ công trình thủy điện Ya Ly, Pleikrong, Sê San 3. Chính bởi vậy, việc bảo vệ nguyên vẹn đa dạng sinh học của "lá phổi xanh" này là chuyện sống còn đối với lực lượng giữ rừng nơi đây.

Lội bộ chừng một giờ, nhóm tuần tra phát hiện không xa lối nhỏ giữa rừng là một chiếc bẫy thú bằng khung thép và dây phanh xe vừa dựng còn rất mới. Bên trên, thân cây nhỏ được cắt ngọn kéo cong xuống nối vào thành đòn bẩy.

Anh Lê Văn Nghĩa - trưởng Trạm bảo vệ rừng Bar Gook - nhẹ nhàng ngồi xuống dùng tay gỡ bẫy rồi cho vào túi mang theo. Trong một buổi chiều, đoàn đã phát hiện gỡ vài chiếc bẫy tương tự. Những chiếc bẫy nhỏ được người dân địa phương xâm nhập vào rừng cài đặt để bắt động vật nhỏ như sóc, cu li mang về làm thực phẩm. Mỗi tháng, anh em bảo vệ rừng thu thập hàng trăm chiếc như vậy.

Lội bộ hàng trăm cây số để tuần tra

Lội bộ mấy tiếng đồng hồ nhưng Nguyễn Khắc Duy - tổ trưởng tổ cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng - bảo anh em đi rừng mãi thành quen, ngày nào cũng hơn chục cây số, như người đi bộ thể dục. Riêng Duy tháng vừa rồi đã đi bộ 330km. Những hôm tuần rừng cả ngày, nhóm gói ghém theo cơm nước để đi bộ 20 - 30 cây số.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Xuân Thủy - giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray - cho biết thêm nhiều cán bộ bảo vệ rừng còn đi bộ với quãng đường dài hơn nhiều so với con số 370km/tháng.

Mở cơ sở dữ liệu thu thập tháng 4-2024, ông Thủy cho hay hầu như cán bộ bảo vệ rừng nào cũng đi bộ hàng trăm cây số mỗi tháng. Trong đó người giữ vị trí "quán quân" đi bộ gần 600km, nhiều người khác dao động từ 300km.

Theo ông Thủy, số liệu được thu thập tự động bằng ứng dụng nên hoàn toàn chính xác. Mấy năm nay đơn vị đã mua ứng dụng theo dõi quản lý bảo vệ rừng cài đặt lên điện thoại nhân viên.

Qua ứng dụng, thông tin về cự ly, hành trình tuần tra và các phát hiện của nhân viên bảo vệ rừng đều được ghi nhận vào hệ thống. Máy chủ tự nhập dữ liệu, làm thống kê và vẽ bản đồ kết quả tuần tra.

Anh Nguyễn Bá Nam - trưởng Trạm bảo vệ rừng Ya Lân sát biên giới Campuchia, người giữ kỷ lục đi bộ tháng 4-2024 với 598km - cho biết sau gần hai tháng, khi trời bắt đầu có mưa, anh mới dám nghỉ hai ngày cuối tuần về với vợ con.

Trước đó, do thời tiết nắng nóng gay gắt, kim trên bảng cảnh báo cấp độ cháy rừng luôn chỉ cấp V - cực kỳ nguy hiểm nên Nam không dám bỏ trận địa mà đi tới đi lui các chốt trực, coi ngó anh em làm việc rồi tham gia đi tuần rừng. "Khu vực rừng mà trạm tui phụ trách rộng 8.000ha nhưng chỉ có 6 nhân sự, tháng vừa qua ai cũng lội bộ trên 300km", Nam cho biết.

Sau gần chục năm trèo đèo lội suối, Duy cho biết không ít người đã có dấu hiệu bệnh nghề nghiệp như đau khớp gối, thoái hóa đốt sống lưng. "Với cường độ làm việc này chắc khó ai trụ tới tuổi cầm sổ hưu. Công việc bảo vệ rừng vất vả, đa số anh em bám trụ chỉ vì yêu nghề, yêu rừng", Duy nói.

Dù công việc vất vả nhưng theo ông Thủy, hầu hết anh em đều có thu nhập khá thấp, chỉ từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, nên khó mà đảm bảo mức sống cho anh em, chưa nói tới chăm lo gia đình. Và do đó, dù ở tuổi 35, Nguyễn Khắc Duy bảo vẫn chưa dám lấy vợ vì sợ đồng lương không nuôi nổi vợ con.

Giữ rừng bằng công nghệ

Ngoài ứng dụng theo dõi hành trình tuần tra, Vườn quốc gia Chư Mom Ray cũng đã tiên phong áp dụng nhiều công nghệ mới để nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, đáng chú ý là tổ chức đội tuần tra đánh giá hiện trạng rừng bằng hình ảnh thu thập từ máy bay không người lái. Với sự kết hợp từ ứng dụng phân tích dữ liệu, những biến đổi hiện trạng rừng có thể được phát hiện dù ở quy mô rất nhỏ.

Đơn vị này cũng lắp đặt hơn 100 bẫy ảnh rải rác khắp nơi trong vườn quốc gia để theo dõi, ghi nhận sự xuất hiện của các loài động vật và con người. Nhờ đó, nhiều loài thú quý hiếm đã được phát hiện như voọc bạc, sơn dương, mang, gà tiền, gà lôi...

Ngoài ra, hệ thống bẫy ảnh còn phát hiện nhiều đối tượng xâm nhập rừng trái phép để săn bắn động vật, hồ sơ được lập và chuyển cho cơ quan chức năng xử lý.

Với 14 trạm kiểm lâm được bố trí đều khắp địa bàn và 1 tổ kiểm lâm cơ động, kiểm soát tốt tình trạng phá rừng, độ che phủ rừng nhờ vậy đã tăng từ 86,4% năm 1996 lên mức 93,7%.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm