Cây rata phương bắc cao hơn 30m, có tuổi đời hàng thế kỷ và đứng trơ trọi giữa đồng vì là cái cây duy nhất sống sót trong một khu rừng đã bị chặt phá khoảng 150 năm trước, theo trang LiveScience.
Có tên khoa học Metrosideros bobusta, cây này được gọi là cây "biết đi" vì trông giống như đang sải bước trên cánh đồng.
Cây rata là loài cây có hoa cao nhất New Zealand, có thể sống tới 1.000 năm. Rễ và những nhánh cây trông như cánh tay dài khiến rata giống với những sinh vật hư cấu thuộc chủng tộc Ent trong bộ phim Chúa tể những chiếc nhẫn.
Theo giới chức New Zealand, cây rata này cao 32m, tương đương chiều cao của một tòa nhà 7 tầng. Cây rata có hình dáng đặc biệt thu hút này đã giành 42% phiếu bầu, vượt qua 4 cây khác để giành giải Cây của năm 2024 do Hiệp hội Trồng trọt New Zealand tổ chức.
Loài cây này là thực vật biểu sinh - một dạng cây phát triển không ký sinh trên bề mặt một cây chủ trước khi mọc rễ trên không và cuối cùng là chạm tới mặt đất. Cây rata sẽ lấy hơi ẩm, chất dinh dưỡng từ không khí và mưa thay vì từ cây chủ mà nó bám chặt vào.
Cây "biết đi" có thể đã bắt đầu cuộc sống "chân không chạm đất" trên một nhánh cao của cây chủ. Cách bố trí rễ bất thường của cây có thể là do cách nó phát triển xung quanh cây chủ, vốn có lẽ đã chết từ nhiều thế kỷ trước. Chính cách bố trí này khiến rễ của cây rata tách ra khi gần mặt đất và trông giống dáng vẻ đang bước đi.
Cây rata phương bắc là loài đặc hữu của New Zealand, từng là một trong những loài phổ biến nhất trong các khu rừng của nước này. Tuy nhiên, cây bị thu hẹp quy mô trong vài thập kỷ qua và hiện nằm trong danh sách dễ bị tổn thương trên toàn quốc.
Ngoài nạn phá rừng, một trong những mối đe dọa chính đối với cây rata phương bắc là loài thú đuôi cọ. Chúng ăn lá và gặm rễ cây rata khiến chúng chết dần mòn.