Sáng 8.5, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 4.2025. Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, kinh tế TP.HCM tiếp tục tăng trưởng, tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm là 202.193 tỉ đồng, đạt 38,9% dự toán, tăng 3,76% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 160.976 tỉ đồng, thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu 41.214 tỉ đồng.
Về đầu tư công, TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 85.517 tỉ đồng. Đến hết ngày 29.4, số liệu Kho bạc Nhà nước khu vực II cung cấp cho thấy thành phố đã giải ngân 6.068 tỉ đồng, đạt 7,2%.
Bà Mai cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, chỉ số toàn ngành công nghiệp ước tăng 7,9% so cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 7,7%, 3 ngành công nghiệp truyền thống tăng 13,6%.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2025 hơn 200.000 tỉ đồng
ẢNH: TTBC TP.HCM
Giám đốc Sở Tài chính đánh giá sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 4.2025, cho thấy sự phục hồi và phát triển tích cực của ngành công nghiệp thành phố trước những biến động kinh tế toàn cầu.
Các ngành công nghiệp trọng điểm và truyền thống đều ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể thể hiện hiệu quả của các chính sách hỗ trợ và chiến lược phát triển công nghiệp của thành phố.
Về lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 ước đạt 128.886 tỉ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu lũy kế 4 tháng ước đạt 16,1 tỉ USD, tăng 9,07% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 20,41 tỉ USD, tăng 12,6%.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 của TP.HCM vươn lên vị trí 21, tăng 12 bậc so với năm trước. Thứ hạng này cho thấy nỗ lực cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của địa phương.
Họat động xuất khẩu chịu sức ép lớn về tỷ giá
Về nhận định công nghiệp và xuất nhập khẩu hồi phục, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng cần thận trọng trong đánh giá, bởi lẽ sự tăng trưởng trong tháng 4 có tính tạm thời vì có 90 ngày đàm phán thuế đối ứng của Mỹ, doanh nghiệp và các nhà đầu tư tranh thủ xuất khẩu nhiều nhất qua Mỹ.
"Chúng ta không thể sử dụng kết quả tháng 4 tăng xuất khẩu như một dấu hiệu để nói rằng công nghiệp phục hồi tốt", ông Vũ nói.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết doanh nghiệp đang tranh thủ xuất khẩu nhiều nhất qua Mỹ
ẢNH: TTBC TP.HCM
Ngược lại, mảng nhập khẩu cho thấy nhiều thị trường có xu hướng giảm, đặc biệt là Trung Quốc do đơn hàng mới không mở rộng và tái cấu trúc thị trường xuất nhập khẩu. Chưa kể, hoạt động xuất nhập khẩu còn chịu sức ép rất lớn về tỷ giá của đồng USD và nhân dân tệ trong bối cảnh cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Về điểm tích cực, ông Vũ cho biết lĩnh vực dịch vụ tăng đột biến, đặc biệt là du lịch với bệ đỡ rất quan trọng 2 đại lễ và việc tổ chức thành công, an toàn, có tính toán, gắn với các hoạt động du lịch, thương mại, kích cầu văn hóa vào đại lễ, tạo sức bật rất lớn cho dịch vụ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nêu 2 điểm có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Đầu tiên là từ sự tăng trưởng đột biến tạo thành một vệt tăng trưởng dịch vụ kéo dài 6 tháng đến 1 năm, nếu làm tốt các hoạt động về quảng bá, xây dựng hình ảnh, xúc tiến và các hoạt động tiếp nối, hoặc chỉ là một cơn sóng ngắn khi sự kiện đã đi qua.
Từ thực tiễn hoạt động đại lễ, ông Vũ nhận định hạ tầng dịch vụ, du lịch, văn hóa của thành phố cần tiếp tục nâng cấp nhanh để đáp ứng nhu cầu về sức chứa, sức người với khối lượng lớn du khách tập trung.