Đây là lần thứ tư đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Việt Nam và cũng là dịp kỷ niệm 20 năm Vesak được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ quốc tế.
Khẳng định vai trò Phật giáo trong đối thoại và hòa bình toàn cầu
Đại lễ năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam đang hướng tới lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và 50 năm đất nước thống nhất.
Theo báo cáo tổng kết, Vesak 2025 không chỉ là một đại lễ tôn giáo quốc tế mà còn trở thành dịp để khẳng định các giá trị nhân văn, hòa bình và hội nhập quốc tế mà dân tộc Việt Nam đang theo đuổi.
Phần trọng tâm đầu tiên của sự kiện là phương diện tâm linh. Sự kiện mở đầu bằng lễ cung thỉnh và tôn trí xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bảo vật quốc gia của Ấn Độ. Lễ cung nghinh chính thức diễn ra ngày 2.5, khởi đầu cho hành trình thiêng liêng kéo dài đến ngày 21.5, thu hút hàng triệu lượt phật tử và người dân cả nước tham gia chiêm bái.

Đại lễ Vesak 2025 thành công tốt đẹp
ẢNH: NHẬT THỊNH
Song song với đó là việc cung thỉnh xá lợi trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức, quốc bảo của Việt Nam, biểu tượng sống động của lòng vị tha và tinh thần từ bi, được thực hiện vào ngày 5.5 và chính thức an vị để công chúng chiêm bái từ ngày 6.5.
Ở phương diện văn hóa, đại lễ Vesak 2025 được tổ chức với nhiều hoạt động quy mô lớn và giàu ý nghĩa với các hoạt động như thượng đại kỳ Phật giáo rộng 500m² cùng 108 quốc kỳ các nước; lễ hoa đăng với 37.000 đóa sen rực sáng, thể hiện khát vọng hòa bình, cầu nguyện cho thế giới an lành và tưởng niệm hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh cho độc lập và thống nhất đất nước; triển lãm và trưng bày 87 bảo vật quốc gia, cùng các tác phẩm nghệ thuật kiến trúc Phật giáo; các đêm giao lưu nghệ thuật quốc tế…
Ở phương diện học thuật, hội thảo quốc tế Vesak 2025 quy tụ hơn 1.200 đại biểu, học giả, trí thức Phật giáo đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, hội thảo được tổ chức thành 5 tiểu ban chuyên đề tiếng Anh và 5 chuyên đề tiếng Việt, xoay quanh các nội dung: hòa bình bền vững, đạo đức toàn cầu, giáo dục từ bi, trị liệu bằng chánh niệm, bình đẳng giới, hợp tác và hành động Phật giáo vì nhân loại.
Phương diện cầu nguyện hòa bình thế giới được thể hiện thông qua hai buổi lễ trọng thể và xúc động. Buổi lễ đầu tiên tổ chức tối 6.5 tại chùa Thanh Tâm (H.Bình Chánh, TP.HCM) với sự tham dự của hơn 1.300 đại biểu quốc tế, 1.000 tăng ni Việt Nam, 4.000 sinh viên và 10.000 phật tử. Buổi lễ thứ hai tổ chức chiều ngày 8.5 tại Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) mang thông điệp gửi gắm ước nguyện về một thế giới hòa hợp, bao dung, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.
Khép lại đại lễ Vesak 2025 không chỉ là sự kiện tôn giáo lớn mà còn là thông điệp toàn cầu về hòa bình đích thực, không đến từ vũ lực mà từ sự chuyển hóa tâm thức con người qua đời sống đạo đức, từ bi và trí tuệ. Sự thành công của đại lễ là kết quả của sự phối hợp hiệu quả giữa Ủy ban Tổ chức Quốc tế Ngày Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Đại lễ Vesak 2025 tôn vinh thông điệp hòa bình
Tại lễ bế mạc, bà Inlavanh Keobounphanh, Phó chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, đánh giá cao và hoàn toàn tin tưởng vào công tác tổ chức đại lễ Vesak 2025 của Việt Nam, một trong những sự kiện tôn giáo và văn hóa trọng đại nhất của Phật giáo.

Bà Inlavanh Keobounphanh, Phó chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, phát biểu tại lễ bế mạc đại lễ Vesak 2025
ẢNH: NHẬT THỊNH
Theo đại diện quốc gia Lào, đây là dịp quan trọng để các nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tu tập, thực hành giáo pháp, trao đổi tri thức và sáng kiến về cách vận dụng những giá trị đạo đức Phật giáo vào đời sống xã hội. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức đa chiều, từ xung đột, bất ổn đến khủng hoảng đạo đức và môi trường.
"Chủ đề của đại lễ Vesak năm nay mang tính thời sự sâu sắc, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, tinh thần trách nhiệm tập thể, hướng tới sự chuyển hóa tích cực để kiến tạo một thế giới nhân văn hơn. Vesak cũng là dịp thể hiện vai trò to lớn của tôn giáo trong việc kết nối các chính phủ, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân, qua đó củng cố tình đoàn kết, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Tôi tin tưởng rằng, Đại lễ Vesak lần này sẽ là nơi hội tụ trí tuệ, tâm linh và thiện chí của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, phát triển bền vững và vì lợi ích chung của toàn nhân loại", bà Inlavanh Keobounphanh nhận định.
Còn ông Chhat Chhet, Quốc vụ khanh Bộ Nghi lễ và Tôn giáo Vương quốc Campuchia cho rằng, một trong những giá trị cốt lõi mà Phật giáo mang lại cho nhân loại là sự hiểu biết, lòng bao dung và tinh thần từ bi. Đại lễ Vesak năm nay là cơ hội quý báu để lan tỏa những giá trị đó, đồng thời tạo nên một nguồn năng lượng tích cực trong cộng đồng quốc tế, góp phần nuôi dưỡng đời sống tinh thần và phát huy vai trò của Phật giáo trong xã hội hiện đại.

Ông Chhat Chhet, Quốc vụ khanh Bộ Nghi lễ và Tôn giáo Vương quốc Campuchia, phát biểu tại lễ bế mạc đại lễ Vesak 2025
ẢNH: NHẬT THỊNH
"Trong bối cảnh hiện tại, Campuchia tiếp tục giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân được sống trong môi trường hòa bình, tự do và thịnh vượng. Năm 2025 đánh dấu 58 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Campuchia và Việt Nam (24.6.1967 - 24.6.2025). Tôi tin tưởng rằng, các hoạt động trong khuôn khổ đại lễ Vesak lần này sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác bền vững giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực Phật giáo và ngoại giao", ông Chhat Chhet cho biết.