Xã hội

Đề xuất bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong trường hợp đặc biệt

Tóm tắt:
  • Người làm thẩm phán TAND và có 5 năm làm vụ trưởng TANDTC có thể được bổ nhiệm thẩm phán TANDTC.
  • Dự án Luật sửa đổi sẽ kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và cấp huyện, thành lập TAND khu vực.
  • TANDTC dự kiến tăng số lượng thẩm phán từ 13-17 lên 23-27 để đáp ứng công việc.
  • Cơ quan thẩm tra ủng hộ bổ sung tiêu chí bổ nhiệm thẩm phán TANDTC trong trường hợp đặc biệt.
  • Cần thiết thành lập các tòa chuyên trách về kinh tế, sở hữu trí tuệ và phá sản tại TAND khu vực.

Tiêu chí bổ nhiệm trong trường hợp đặc biệt

Sáng 8/5, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Lê Minh Trí trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND .

Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và TAND cấp huyện; thành lập TAND khu vực; chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các tòa chuyên trách trong TAND khu vực.

Qua đó, mô hình tổ chức hệ thống tòa án gồm: TAND tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và TAND khu vực.

Ông Lê Minh Trí cho biết, với khối lượng công việc lớn, đòi hỏi phải tăng số lượng thẩm phán mới đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Đề xuất bổ nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân tối cao trong trường hợp đặc biệt - Ảnh 1.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí.

Luật hiện hành quy định, tại TANDTC hiện chỉ có từ 13 đến 17 thẩm phán, không có các thẩm phán khác nên hơn 10 năm qua (từ năm 2014 đến nay), không thể bổ nhiệm hay điều động các thẩm phán khác về TANDTC.

Chánh án cho hay, nhiều vụ trưởng các vụ chuyên môn nghiệp vụ là những chuyên gia giỏi về chuyên môn và pháp luật trong công tác xét xử nhưng do quy định của luật nêu trên nên không được bổ nhiệm làm thẩm phán TANDTC.

Trên cơ sở đó, cơ quan này đề nghị bổ sung điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TANDTC trong trường hợp đặc biệt theo hướng: Bổ sung trường hợp người đang là thẩm phán TAND và có từ đủ 5 năm trở lên làm vụ trưởng vụ chuyên môn nghiệp vụ tại TANDTC thì được xem xét bổ nhiệm làm thẩm phán TANDTC sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, nhưng số lượng không quá 10% tổng số thẩm phán TANDTC.

Đề xuất bổ nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân tối cao trong trường hợp đặc biệt - Ảnh 2.

Dự kiến tăng thẩm phán lên tối đa 27 người

Thẩm tra , Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí với đề nghị tăng số lượng thẩm phán TANDTC từ 13 đến 17 người (theo quy định luật hiện hành) lên 23 đến 27 người để có đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm mới tiếp nhận từ TAND cấp cao, bảo đảm chất lượng và thời hạn xét xử.

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành đề nghị bổ sung điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TANDTC trong trường hợp đặc biệt. “Quy định này là cần thiết nhằm xây dựng đội ngũ thẩm phán TANDTC giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, công tâm, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, ông Tùng cho hay.

Cơ quan thẩm tra tán thành việc thành lập các tòa phúc thẩm TANDTC để thực hiện nhiệm vụ mới được giao về xét xử phúc thẩm bản án, quyết định hình sự của TAND cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Cũng theo ông Tùng, cơ quan thẩm tra thống nhất với đề xuất về việc thành lập tòa kinh tế tại TAND khu vực; tòa sở hữu trí tuệ , tòa phá sản tại một số TAND khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn là trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước.

Lý do được nêu ra là, tranh chấp về kinh doanh, thương mại, sở hữu trí tuệ và giải quyết phá sản ngày càng phổ biến và đều là loại việc khó, có tính chất phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, thẩm phán phải có kiến thức chuyên sâu.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí, điều kiện thành lập tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực; có ý kiến tán thành nhưng băn khoăn về việc đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu bố trí tại các tòa chuyên trách này.

Các tin khác

Đại lễ Vesak 2025: Thành công trên mọi phương diện

Sau nhiều ngày diễn ra trong không khí trang nghiêm và trọng thể, đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 đã thành công toàn diện trên các phương diện tâm linh, văn hóa, học thuật và cầu nguyện hòa bình.