Kỹ năng sống

Hành trình rèn ý chí của các vận động viên Việt Nam

Nguyễn Huy Hoàng là kình ngư trẻ đã gặt hái nhiều thành tích: từ tấm huy chương vàng năm 11 tuổi tại giải bơi lội Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Bình đến bảng thành tích trên đấu trường quốc tế như SEA Games 2017, 2019; ASIAD 2018 và cú đúp "vàng" tại SEA Games 32 mới đây.

Tuổi thơ của nhà vô địch gắn liền với dòng sông Gianh trước nhà, vốn hiền hòa nhưng lại là nỗi lo của người dân mỗi khi mùa lũ về. Hoàng sớm bơi thành thục không chỉ để sinh tồn qua mùa lũ, mà còn để lặn lấy rong rêu phụ giúp gia đình kiếm sống. Với khả năng bơi lội vượt trội, anh đã lọt vào "mắt xanh" của các huấn luyện viên trong một đợt tuyển quân. Xa gia đình chính là thách thức đầu tiên khi anh bắt đầu hành trình mới.

Với thể hình thấp bé và sải tay hạn chế, Hoàng phải nỗ lực tập luyện nhiều hơn để theo kịp các bạn. "Tập luyện thể thao để đạt thành tích cao là một quá trình dài hạn nhưng người nào có ý chí kiên định và vượt khó sẽ chạm đến đỉnh vinh quang", hotboy bơi lội chia sẻ. Hoàng cho rằng nghiêm khắc và kỷ luật là điều cần có đối với vận động viên chuyên nghiệp. "Tôi luôn nghe theo sự hướng dẫn của huấn luyện viên và nỗ lực trong mỗi bài tập. Và phải tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, ngủ đúng giờ để bắt đầu tập luyện vào lúc 6h sáng".

Bền chí vượt nghịch cảnh để vươn đến thành tích xa hơn là bài học quý giá anh rút ra từ thể thao. Nhiều giờ trên đường đua xanh không chỉ giúp chàng kình ngư rèn luyện thể lực mà tính kiên trì vươn đến mục tiêu cũng dần hình thành giúp anh từng bước thăng hạng trong sự nghiệp, trở thành tuyển thủ quốc gia sở hữu nhiều huy chương.

Nguyễn Huy Hoàng (trái) và tấm huy chương vàng SEA Games 32. Ảnh: Hiếu Lương

Nguyễn Huy Hoàng (trái) và tấm huy chương vàng SEA Games 32. Ảnh: Hiếu Lương

Châu Tuyết Vân - nhà vô địch taekwondo thế giới cũng là một tấm gương bền bỉ đến vinh quang. Do thể trạng yếu nên cô gái sinh năm 1990 được gia đình cho học võ từ năm 7 tuổi để cải thiện sức khỏe. Qua những buổi tập và các giải đấu thành phố, cô dần cảm thấy yêu thích và mong muốn gắn bó lâu dài với bộ môn này.

Nữ vận động viên vẫn nhớ khoảng thời gian nhiều áp lực khi vừa phải hoàn thành việc học trên trường, vừa phải đảm bảo thời gian tập luyện ở đội tuyển. Niềm đam mê võ thôi thúc cô tập luyện cũng như hun đắp ý chí để vượt qua những chấn thương trong sự nghiệp. Vân từng bị lật cổ chân khi tập huấn ở Hàn Quốc trước Giải Vô địch Taekwondo châu Á năm 2012. Bác sĩ ban đầu nhận định cô phải mất hơn hai tháng để phục hồi. Vượt qua khó khăn là điều duy nhất Vân có thể làm trong giai đoạn đó. Cô quyết định quấn băng cố định cổ chân để tiếp tục tập luyện và thi đấu. Và trái ngọt đã dành cho người "có chí thì nên", cô đã nhận huy chương vàng của đại hội.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Châu Tuyết Vân nhiều lần vô địch thế giới, châu Á và gần đây nhất cô đã bảo vệ thành công huy chương vàng thứ 6 liên tiếp tại SEA Games. Bên cạnh những tấm huy chương, võ thuật đã mang lại cho cô sự điềm tĩnh và kiên định, nhất là những thời điểm nhiều thách thức khiến cô muốn bỏ cuộc.

Châu Tuyết Vân trên sàn võ. Ảnh: NVCC

Châu Tuyết Vân và niềm vui chiến thắng tại SEA Games 32. Ảnh: NVCC

Tương tự, Trần Thị Thanh Thúy cũng là một tấm gương thành công nhờ tinh thần tập luyện bền bỉ. Ở tuổi 12, Thúy đã cao 1m78, cô được giới tuyển trạch đánh giá là có tố chất đặc biệt. Tuy nhiên, Thúy vẫn phải mài giũa để thành "viên ngọc sáng", trở thành thủ quân, dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đạt huy chương bạc tại SEA Games 32 và lần đầu lên ngôi vô địch tại giải bóng chuyền các CLB nữ châu Á 2023.

Để đạt được những thành công với bóng chuyền, Thúy cũng phải đánh đổi nhiều điều trong cuộc sống. Việc các giải đấu diễn ra liên tục đồng nghĩa khoảng thời gian cô dành cho cá nhân và gia đình là gần như không có, các sở thích cũng phải tạm gác lại. Cô cũng thường xuyên gặp chấn thương trong môi trường thể thao chuyên nghiệp. "Những điều này khiến mình suy nghĩ liệu bản thân có nên tiếp tục theo đuổi bóng chuyền hay không", Thúy chia sẻ.

Những phút yếu lòng như vậy, Thúy nghĩ về sự ủng hộ từ gia đình, người hâm mộ, làm động lực tiếp tục tập luyện. Thúy cho rằng môi trường tập luyện quan trọng, song chính sự bền bỉ, ý chí rèn giũa từng ngày mới quyết định thành công. "Bóng chuyền đem lại cho mình ý chí kiên cường trong thi đấu lẫn con đường thể thao chuyên nghiệp, một ý chí không bỏ cuộc, lòng quyết tâm vượt qua thời điểm khó khăn để hướng đến mục tiêu đã đặt ra", Thúy chia sẻ và thừa nhận, thể thao mang đến cho cô những trải nghiệm thắng, thua nhưng cũng từ đó, cô tích lũy nhiều kỹ năng và giá trị trong cuộc sống.

Thanh Thúy (áo số 3) trong một trận đấu tại SEA Games 32. Ảnh: Đức Đồng

Thanh Thúy (áo số 3) trong một trận đấu tại SEA Games 32. Ảnh: Đức Đồng

Đằng sau thành công của Nguyễn Huy Hoàng, Châu Tuyết Vân, Trần Thị Thanh Thúy nói riêng và các vận động viên tại SEA Games 32 nói chung là một hành trình "có chí thì nên". Đây là tố chất không thể hình thành ngày một ngày hai mà cần được nuôi dưỡng theo thời gian.

Xem thêm hình ảnh thi đấu của các vận động viên:

Cùng chuyên mục

Đọc thêm