Mới đây, người đứng đầu tổ chức Great Place to Work ASEAN & ANZ, cơ quan toàn cầu về văn hóa nơi làm việc, bà Evelyn Kwek có buổi chia sẻ với gần 200 hội viên của Hiệp hội Nhân sự (HRA) tại Hà Nội. Nữ CEO nói về cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và mở rộng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đồng thời khẳng định đầu tư vào lực lượng lao động chính là chìa khóa để tăng trưởng bền vững.
- Bà đánh giá như thế nào về thị trường lao động Việt Nam hiện nay?
- Lực lượng lao động của Việt Nam có ưu thế lớn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, đó là kỹ năng công nghệ thông tin. Thực tế, Việt Nam đã có các công ty công nghệ nổi tiếng trong khu vực. Ngay tại Singapore, nhiều công ty cũng đang sử dụng dịch vụ do các công ty công nghệ Việt Nam cung cấp.
Trong bảng xếp hạng 25 nơi làm việc hàng đầu 2023 "Vietnam Best Workplaces" do Great Place to Work công bố mới đây cũng có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.
Bên cạnh đó, Việt Nam lại có ưu thế về lực lượng lao động trẻ, đây là cơ hội để ngành công nghệ thông tin phát triển và sẽ là trái ngọt của Việt Nam trong những năm tới.
- Với lợi thế đó, bà đánh giá thế nào về tiềm năng mở rộng thị trường lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam?
- Theo một báo cáo mới công bố, dự kiến đến năm 2026, khoảng 25% dân số Singapore sẽ trên 60 tuổi, tức là nhóm dân số già và thiếu kỹ năng số. Nhưng Việt Nam thì ngược lại, Việt Nam có điều kiện thuận lợi là nhóm dân số trẻ, thế hệ Gen Z, cũng là nhóm bắt đầu gia nhập lực lượng lao động rất đông đảo.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, Việt Nam sở hữu tới gần 5,1 triệu người lao động trong độ tuổi 15-24, tương đương hơn 10% tổng lực lượng lao động toàn nền kinh tế.
Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức của doanh nghiệp Việt, đó là làm sao để thu hút được lực lượng lao động trẻ này.
- Đâu là yếu tố quan trọng trong môi trường làm việc để các nhân sự muốn gắn bó, thưa bà?
- Con người ở thời đại nào nào cũng muốn được đối xử công bằng và tôn trọng. Nhưng cách thức thể hiện sự công bằng, tôn trọng đó lại thay đổi theo thời gian.
Ví dụ với thế hệ trước, người lao động quen với việc đi làm mỗi ngày từ sáng tới chiều, một tuần 5-6 ngày. Tuy nhiên, áp dụng cách quản lý này sẽ không phù hợp với đa số người lao động Gen Z. Dù vẫn cần sự tôn trọng, công bằng nhưng nhóm lao động này lại muốn được tự chủ và linh hoạt trong công việc, thời gian, địa điểm làm việc và được đánh giá bằng hiệu quả tạo ra.
- Theo bà, khi nào một doanh nghiệp cần cải thiện môi trường làm việc cho người lao động? Yếu tố nào sẽ quyết định vấn đề này?
- Ngay từ ngày đầu các công ty đã nên coi trọng văn hóa nơi làm việc cho người lao động. Và khi nói về vấn đề này, cần nhìn nhận thực tế, tư duy của người lãnh đạo là quan trọng nhất.
Kết quả phân tích khảo sát Great Place To Work của người lao động tại Việt Nam trong năm 2022 và quý I năm nay cũng thể hiện rõ vai trò người lãnh đạo tác động lớn nhất tới trải nghiệm của nhân viên.
Do đó, người lãnh đạo cần có tư duy về việc xây dựng văn hoá nơi làm việc để tối đa hoá tiềm năng của người lao động
- Cải thiện môi trường làm việc sẽ có tác động như thế nào tới lao động?
- Tương tự những thay đổi ghi nhận từ phía doanh nghiệp, trải nghiệm môi trường làm việc từ người lao động cũng tăng lên khi doanh nghiệp áp dụng các phương pháp cải thiện môi trường làm việc.
Như trong bảng xếp hạng nơi làm việc hàng đầu 2023 Vietnam Best Workplaces, để có mức đánh giá trải nghiệm của người lao động lên tới 92%-94%, nhiều doanh nghiệp đã dành khoảng 4 năm nỗ lực cải thiện văn hóa làm việc.
Việc cải thiện môi trường làm việc cho người lao động sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, từ đó tạo ra sự bền vững cho nền kinh tế. Đồng thời, nó cũng cải thiện trình độ, mức độ hạnh phúc, trải nghiệm của người lao động. Nếu nói các doanh nghiệp phải cải thiện môi trường làm việc cho người lao động thì nền kinh tế mới phát triển thì không chính xác, nhưng xu hướng này sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn.
Mục tiêu của chúng tôi khi mang tới Việt Nam phương pháp luận của Great Place to Work là giúp doanh nghiệp tiếp cận với chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Điều này giúp các doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài. Khi người lao động cảm nhận được môi trường làm việc ở Việt Nam không khác biệt với thế giới, họ sẽ không có lý do để quay lưng với thị trường lao động trong nước.