Kỹ năng sống

Chàng trai dựng lều sống lang bạt vì không muốn đi làm

Lý Thọ, 29 tuổi, người Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên mua một chiếc lều cũ giá 400 tệ (1,5 triệu đồng) để sống tại một bãi xe bỏ hoang gần một năm nay.

Xung quanh lều là gạch đá ngổn ngang với cây cối um tùm vì là nơi chứa phế thải xây dựng. Bên ngoài lều, Lý treo tấm biển nhắc nhở mọi người đây là nơi ở của mình, vui lòng không động vào bởi không có đồ đạc giá trị bên trong.

"Đây là nhà tôi chứ không phải đồ bỏ đi. Nếu muốn tôi chuyển đến nơi khác, vui lòng gọi điện thông báo. Nếu việc tôi ở đây làm phiền người khác, tôi sẽ lập tức rời đi", Lý viết.

Câu chuyện của Lý Thọ sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã gây tranh luận gay gắt về trào lưu "tangping" (nằm yên không làm gì) của một bộ phận giới trẻ Trung Quốc. Từ này có nghĩa là chỉ làm những gì tối thiểu để sống qua ngày và không phấn đấu vì điều gì khác ngoài những gì cần thiết để tồn tại. Nhiều người coi đó là cách để họ phản ứng, chống đối lại văn hóa làm việc ngày càng độc hại và cạnh tranh quá mức của Trung Quốc, đặc biệt gây khó khăn đối với những người trẻ tuổi. Lý Thọ cũng nằm trong số đó.

Căn lều của Lý Thọ với tấm biển cảnh báo cũng như bữa ăn được nấu trong ngày của anh. Ảnh: baidu

Căn lều của Lý Thọ với tấm biển cảnh báo cũng như bữa ăn được nấu trong ngày của anh. Ảnh: baidu

Lý sinh ra trong gia đình có bố mẹ là công nhân, cả tuổi thơ gắn liền với ông bà ngoại. Từ nhỏ cậu đã sống nội tâm, không có bạn bè.

Năm 18 tuổi, Lý thi trượt đại học. Do gia đình quá nghèo nên cậu xin học tại một trường cao đẳng dạy nghề gần nhà. Tốt nghiệp, Lý làm nhiều công việc khác nhau như thợ sửa xe, viết bài quảng cáo, tiếp thị xe hơi nhưng không được bao lâu.

Khi làm tiếp thị xe hơi, công việc đòi hỏi phải tiếp khách thường xuyên. Lý vốn không biết uống rượu, cũng không muốn bị ép uống nên nhiều lần từ chối lời mời của khách hàng cũng như bỏ qua những cuộc điện thoại của cấp trên. Vì lý do này mà anh xung đột với lãnh đạo rồi bị cho nghỉ việc.

Thất nghiệp, Lý nghĩ đến việc phải thay đổi tính cách để hòa nhập tốt hơn với đám đông. Nhưng rồi chàng trai này nhận ra, càng cố gắng lại càng thấy đau khổ bởi anh vốn thuộc người hướng nội và không có tài ăn nói. Sau đó Lý chuyển sang nghề sửa chữa ô tô để không phải tiếp xúc nhiều nhưng bị lừa tiền.

Thời điểm căng thẳng nhất, Lý dành thời gian chơi game và lướt điện thoại. Vì không chú tâm vào công việc nên anh tiếp tục bị cho nghỉ việc.

Năm 2020, với 40.000 tệ tiền tiết kiệm, Lý thuê căn phòng rộng 15 m2 ở vùng ngoại thành và quyết định sống "nằm yên không làm gì". Để giảm thiểu chi phí, anh hiếm khi ra ngoài. Hầu hết thời gian trong ngày chỉ nằm trên giường xem tivi hoặc điện thoại. Ba năm dịch bệnh, Lý đã sống như vậy trong nhà thuê, thậm chí không cảm nhận được sự thay đổi của thời gian.

"Nhưng đây là khoảng thời gian tôi thấy hạnh phúc nhất", Lý nói. Anh không còn bị ám ảnh bởi những thất bại trong quá khứ cũng như lo lắng về công việc trong tương lai. Chàng trai ngày càng đắm chìm trong sự rảnh rỗi, cảm thấy cả thân thể và tinh thần đều đạt tự do tuyệt đối.

Tháng 10/2022, tiền tiết kiệm của Lý Thọ hết. Anh bán chiếc máy tính và máy ảnh, hai thứ giá trị nhất, để lấy hơn 4.500 tệ, sau đó mua một chiếc lều giá 400 tệ để bắt đầu cuộc sống lang bạt.

"Ưu điểm lớn nhất của việc sống trong lều là có thể tiết kiệm tiền thuê nhà", Lý nói. Tuy nhiên cuộc sống của anh cũng trở nên bất tiện hơn.

Chàng trai này tiết kiệm hết mức có thể. Anh không dùng gas, nhiên liệu duy nhất sử dụng là củi khô. Lý lấy một chiếc thùng sắt hỏng làm thành bếp lò, thớt là viên ngói vỡ nhặt được ngoài đường.

Lý cũng quy định chỉ ăn một bữa và chi tiêu không vượt quá 10 tệ mỗi ngày. May mắn có một siêu thị giảm giá gần nơi anh sống, buổi tối nhiều đồ gần hết hạn như thịt hay rau xanh được ưu đãi. Hàng ngày, chàng trai này loay hoay nấu ăn, xoay quanh vài món cơ bản gồm bánh trứng khoai tây, mì, bánh bao và lẩu bò.

Thay vì nhận sự giúp đỡ từ người khác cũng như duy trì cuộc sống, Lý Thọ chia sẻ cuộc sống của mình lên kênh cá nhân. Từ kênh này, anh đã kiếm được 1.800 tệ bởi có hàng chục nghìn người theo dõi. Dù bạn bè cho rằng cuộc sống của Lý khổ sở, nhưng với anh tiêu tiền ít nhất giúp bản thân có được hạnh phúc và tự do nhiều nhất.

"Nhiều người cho rằng tiền có thể làm tất cả mọi thứ nhưng với tôi hạnh phúc là sử dụng ít nhất những thứ liên quan tới tiền", Lý nói.

Chàng trai này chia sẻ sau khi trở thành "đồ phế thải" theo như đánh giá của nhiều người, anh có thời gian cảm nhận từng cơn gió mơn man qua mặt, ngắm nhìn sự thay đổi của những bông hoa dại bên đường. Anh còn ghi chép thực đơn đầy đủ bữa ăn nấu trong ngày hay chụp cảnh tuyết rơi hàng chục năm mới có một lần ở Thành Đô vào mùa đông năm ngoái.

Lý Thọ nằm trong căn lều của mình. Để tiết kiệm chi phí, anh chi tiêu hạn chế nhất có thể. Ảnh: baidu

Lý Thọ nằm trong căn lều của mình. Để tiết kiệm chi phí, anh chi tiêu hạn chế nhất có thể. Ảnh: baidu

Sau khi chia sẻ câu chuyện về cuộc sống trên mạng xã hội, nhiều dân mạng bày tỏ sự quan ngại với Lý. Một số người cho rằng: "Sống như vậy chả phải là quá khổ sao, đi tu có khi còn tốt hơn". Thậm chí, có người đặt câu hỏi, liệu đầu óc chàng trai này bình thường?

Tuy nhiên, nam thanh niên khẳng định đây là lựa chọn tự mình đưa ra và hài lòng với cuộc sống hiện tại, bất chấp chỗ ăn ở tạm bợ. Lý cho hay, khi dám từ bỏ những mục tiêu xa vời, con người sẽ cảm nhận được sự bình yên và thích nghi được với việc thay đổi hoàn cảnh. "Tôi thấy rất ổn với cuộc sống này", anh khẳng định.

Dù được nhiều bạn trẻ ủng hộ, nhưng cách sống giống như Lý Thọ đang bị truyền thông Trung Quốc lên án dữ dội. Nhật báo Quang Minh - một trong những tờ báo hàng đầu - đã có bài viết khẳng định, cộng đồng "tang ping" không tốt cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước tỷ dân.

Bài báo nhấn mạnh: "Bất luận thế nào, người trẻ phải có niềm tin vào tương lai. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, nguồn lao động dồi dào và lợi thế thị trường khổng lồ. Cuộc sống chỉ hạnh phúc khi chúng ta làm việc chăm chỉ".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm