Thức dậy lúc 6h, Giàng A Phớn mở điện thoại kiểm tra các đầu việc, lượng tour du lịch khách đặt trong ngày. Công ty của anh được thành lập năm 2016, mang tên Hà Giang Trẻ với khát vọng thay đổi diện mạo du lịch nơi cực Bắc của Tổ quốc bằng những người trẻ.
Yêu Hà Giang, chọn nơi đây để khởi nghiệp và hài lòng với những gì làm được sau 7 năm, Giàng A Phớn cảm thấy đây không chỉ là công cuộc mưu sinh, mà còn là tình yêu, duyên nợ với mảnh đất này.
Hành trình vạn dặm từ một bước chân
Duyên nợ với Hà Giang của chàng trai Quảng Bình bắt đầu từ chuyến từ thiện thời sinh viên. Anh Trãi bị "mê hoặc" bởi thiên nhiên hùng vĩ, những ngôi nhà trình tường độc đáo và nét ban sơ của con người, nếp sống nơi đây.
Ra trường, cầm số vốn 100 triệu đồng, chàng trai 8x quyết định một thân một mình lên Hà Giang khởi nghiệp với nghề du lịch. Anh bắt đầu từ con số 0, trong tay chỉ có kiến thức và tình yêu vùng cao. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ vì làm du lịch bản địa cần có vốn liếng văn hóa sâu rộng, thậm chí bản thân anh phải trở thành một người Hà Giang thực thụ.
Đối với anh Trãi, ngôn ngữ và văn hóa là điều khó khăn nhất. Mọi thứ ban đầu chỉ là lý thuyết cho đến khi anh dành những buổi tối để học tiếng H’Mông với cô giáo bản. "Thời điểm tôi đến đây vào năm 2014, mọi thứ còn hoang sơ, bà con còn chưa hiểu du lịch là gì. Vì vậy, tôi bắt tay vào học ngôn ngữ người H’Mông, hòa vào nếp sinh hoạt của người dân địa phương để dần mở mang văn hóa cho họ", anh tâm sự.
Thời gian đầu, Giàng A Phớn còn trải nghiệm làm một hướng dẫn viên du lịch trên cao nguyên đá Đồng Văn. Một phần để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, một phần để tạo dựng các mối quan hệ từ nhà xe, khách sạn đến nhà hàng... Làm mới tour du lịch Hà Giang là giấc mơ anh luôn ấp ủ. Địa phương là điểm đến được nhiều khách du lịch lựa chọn nhưng họ thường chỉ đến một lần. Do vậy, để níu du khách quay lại Hà Giang, Giàng A Phớn liên tục triển khai các tour du lịch trong tỉnh, từ Hà Giang đi Tây Bắc, Đông Bắc, rồi xây dựng nhà nghỉ, dịch vụ lữ hành... Ngoài ra, anh cùng các thành viên trong công ty xây dựng homestay Núi Hoa ở xã Cao Mã, huyện Quản Bạ.
Anh Phớn cũng quyết định kinh doanh thêm mảng đặc sản như: mật ong bạc hà, trà shan tuyết cổ thụ, nấm hương rừng, óc chó, củ cải khô, giảo cổ lam... vừa hỗ trợ địa phương quảng bá sản phẩm, vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản.
Tình yêu với Hà Giang từ đó như thấm đẫm vào con người anh. Tự đặt cho mình cái tên Giàng A Phớn để dễ dàng kết nối với bà con nơi đây. Anh được xem như một người Hà Giang và được biết đến với cái tên Giàng A Phớn còn nhiều hơn tên thật
Sau 2 năm tích lũy văn hóa, kinh nghiệm và vốn liếng, Giàng A Phớn quyết định thành lập công ty du lịch Hà Giang Trẻ - một trong những đơn vị tiên phong trong làm du lịch ở Hà Giang thời kỳ đầu. Từ việc đào tạo, tuyển dụng nhân sự là con em địa phương, đến việc hướng du khách tới các chương trình du lịch, địa điểm tham quan mới, công ty cũng chú trọng tìm hiểu chuyên sâu về văn hóa và con người Hà Giang, mở quỹ từ thiện và xây dựng nhiều hoạt động ý nghĩa...
Hồi sinh vùng đất "khát"
Xuất phát điểm là dịch vụ lữ hành rồi du lịch, anh Phớn mong muốn tạo dựng một hệ sinh thái văn hóa làm thay đổi bộ mặt vùng cao. Đến năm 2019, anh thành lập quỹ phúc lợi xã hội từ Hà Giang Trẻ nhằm tổ chức các chương trình thiện nguyện, trao học bổng và tặng bồn nước cho bà con khó khăn.
Trong những chuyến ngược lên với đồng bào, nhận thấy nguồn nước ít ỏi và mùa khô thường hay kéo dài, Giàng A Phớn hiểu nước là nguồn sống quý giá của người dân nơi đây và bắt đầu trăn trở, hun đúc ý định mang nước về bản. Ban đầu, anh tự bỏ tiền túi rồi vận động anh em, bạn bè, các nhà hảo tâm thực hiện dự án tặng bồn nước cho đồng bào.
Gần 4 năm nay, anh đã trao tặng hơn 9.000 bồn nước cho người dân nghèo tại Hà Giang với chi phí gần 17 tỷ đồng. Giàng A Phớn mong muốn thông qua hoạt động này, anh cùng cộng sự và các nhà hảo tâm hiểu hơn được giá trị kết nối tấm lòng giữa con người với con người.
Với những bồn nước 1.200 lít, người dân này từ nay đã có nước tích trữ ở nhà để sinh hoạt, không còn lo thiếu nước trong mùa khô. "Từ khi có nước tích trữ ở nhà, bà con hàng ngày không phải xuống các hốc đá địu nước lên dùng. Nhờ đó, họ có thể yên tâm làm ăn, nuôi thêm con lợn, con gà để cải thiện kinh tế trong gia đình", ông Nông Văn Ngay, Chủ tịch UBND xã Giàng Chu Phìn nhìn nhận kết quả hoạt động.
Ngoài tặng bồn nước, anh Phớn cùng Hà Giang Trẻ cũng thường xuyên trao những bao gạo, túi thực phẩm thiết yếu đến bà con. Dù giá trị không nhiều nhưng đây là tấm lòng sẻ chia, đùm bọc đồng bào và đóng góp cho cộng đồng các dân tộc thiểu số của anh.
"Sứ giả văn hóa" nơi địa đầu Tổ quốc
Mong mỏi của Giàng A Phớn là góp phần phát huy được hết giá trị văn hóa của người Hà Giang. Anh luôn quan niệm, hơn ai hết, mỗi người chính là một sứ giả văn hóa quảng bá hiệu quả nhất cho cộng đồng dân tộc mình.
Hàng năm, Hà Giang Trẻ luôn tổ chức các khóa đào tạo miễn phí và tạo việc làm ổn định cho thanh niên đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Việc làm này nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra nhiều năm qua, vận động người dân học hết chương trình phổ thông và có công ăn việc làm ổn định.
Vị giám đốc định hướng cho mỗi bạn trẻ nơi đây có thể làm du lịch trên chính ngôi nhà của mình. "Khát vọng lớn nhất của tôi là mỗi người Hà Giang sẽ quảng bá văn hóa địa phương theo chất riêng của họ", anh Phớn tâm sự.
Như mục tiêu đặt ra từ ngày đầu khởi nghiệp, Giàng A Phớn luôn chú tâm xây dựng Hà Giang Trẻ trở thành đơn vị tiên phong trong các hoạt động cộng đồng, mang lại nhiều phúc lợi xã hội cho bà con vùng cao. Trong thời gian tới, anh sẽ chú trọng phát triển du lịch mảng điểm đến, dựa trên những tài nguyên sẵn có. Với bản thân, anh tâm sự sẽ dành cho mình nhiều chuyến đi hơn để trải nghiệm, học hỏi và liên tục hoàn thiện bản thân cũng như phát triển công việc.