Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3/2023, du lịch Việt Nam đã đón được 895.400 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, tăng 21,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong quý I/2023, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,7 triệu lượt, tăng gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022.
Nhờ lượng khách du lịch khá khả quan, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý 1 ước đạt 161.100 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương đã có doanh thu từ dịch vụ ăn uống tăng mạnh như Đà Nẵng tăng 73,5%, Quảng Ninh tăng 43,1%, Cần Thơ tăng 42,4%, TP Hồ Chí Minh tăng 37,2%, Hà Nội tăng 12,5%... Với các doanh nghiệp lữ hành, nhờ các hoạt động văn hóa, du lịch đã được tổ chức trở lại nên doanh thu từ du lịch đạt 6.800 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê, năm 2023 có nhiều tín hiệu vui mừng cho ngành du lịch
Đánh giá về đón khách quốc tế quý 1 năm 2023, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ: Năm 2023 có nhiều tín hiệu vui mừng cho ngành du lịch. Dù mục tiêu đặt ra rất khiêm tốn chỉ có 8 triệu lượt khách quốc tế, nhưng nếu tính bình quân 3 tháng của năm thì chắc chắn toàn ngành du lịch sẽ đạt và vượt mốc chỉ tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Tuấn Linh, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành, là một công ty du lịch chuyên thị trường khách nước ngoài nên phải chịu ảnh hưởng khá nhiều từ đại dịch Covid-19, công ty đã có một thời gian dài gián đoạn. Tuy nhiên, ngay khi thị trường mở cửa trở lại, vị giám đốc trẻ đã lên kế hoạch khôi phục bộ máy nhân sự và tập trung phát triển thị trường tiềm năng.
“Đầu tiên chúng tôi tập trung khôi phục bộ máy nhân sự bằng cách tuyển dụng mới và liên tục đào tạo thêm nhiều nhân sự, đặc biệt là nguồn nhân sự trẻ mới ra trường. Doanh nghiệp đồng thời chú trọng tăng cường xúc tiến và phát triển các thị trường có phân khúc khách hàng là những người có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh Marketing các sản phẩm thế mạnh của công ty, các sản phẩm đặc sắc thiên về tính trải nghiệm adventures và đáp ứng được các yếu tố của du lịch bền vững,...” ông Nguyễn Tuấn Linh thông tin.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, sự chú ý đến du lịch Việt Nam của khách quốc tế ngày càng tăng
Đặc biệt, các sản phẩm du lịch độc đáo như leo núi trekking, thám hiểm hang động, trải nghiệm văn hóa các dân tộc thiểu số,… được nhiều khách hàng từng trải nghiệm đã tin tưởng và quay trở lại ngay khi các hoạt động được bình thường hóa trở lại.
Vị giám đốc trẻ này thông tin, tính từ đầu năm 2023, lượng khách quốc tế vào Việt Nam đã có những tín hiệu đáng mừng so với thời điểm năm 2022. Trong đó, số khách đoàn đặt các tour trải nghiệm do bên anh cung cấp tăng lên đáng kể. “Tại công ty tôi, riêng trong quý 3 đã có trên 10 đoàn khách Âu đặt kế hoạch đi du lịch Việt Nam. Điều này cho thấy sự chú ý đến du lịch Việt Nam của khách quốc tế ngày càng tăng” – ông Linh nói thêm.
Để thu hút và giữ chân du khách lưu trú dài ngày, nhiều công ty lữ hành khác cũng tập trung cung cấp các tour trải nghiệm đặc sắc.
Theo các công ty lữ hành, Việt Nam chúng ta có rất nhiều cảnh đẹp đặc trưng mà không phải nơi nào trên thế giới cũng có được, như bờ biển dài, nền văn hóa phong phú đa dạng của các nhóm dân tộc thiểu sống rải dọc khắp các vùng miền, cũng như bề dày lịch sử đáng tự hào. Trong đó, phải kể đến những di sản về văn hóa - thiên nhiên, những di tích lịch sử như Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cung đình Huế, Mỹ Sơn, thác Bản Giốc, Vườn quốc gia Ba Bể,… Do đó, chúng ta cần cần thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến để phát huy thế mạnh để hiểu hơn thị trường và du khách quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, lượng khách quốc tế đến Việt nam có thể bùng nổ hơn nếu như chính sách visa thông thoáng hơn. Hiện nay, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ được miễn thị thực trong vòng 15 ngày, việc này khiến khách phải cắt ngắn hành trình lưu trú ở Việt Nam. Hoặc khách đang ở Đông Nam Á muốn sang Việt Nam chơi nhưng ngần ngại về visa nên họ chuyển sang nước khác để giảm bớt thủ tục.
Thị thực – visa hiện nay vẫn đang là vấn đề trăn trở của nhiều doanh nghiệp lữ hành
Nói thêm về điều này, ông Linh góp ý: “Thị thực – visa hiện nay vẫn đang là vấn đề trăn trở của nhiều doanh nghiệp lữ hành. Nếu như chúng ta không nhanh chân, không mở cửa cho du khách quốc tế vào Việt Nam thì chúng ta lại lỡ mất cơ hội để xúc tiến du lịch một lần nữa. Hơn nữa đây còn đang là thời điểm vàng để chúng ta mở cửa xúc tiến, nếu vẫn cứ mãi ngồi bàn với nhau về visa thì không thể mở cửa ngay và luôn được. Chúng tôi rất mong có sự quyết liệt của các bộ ngành, để sớm thu hút được tối đa lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam” - ông Linh bày tỏ.
Được biết, trước đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã kiến nghị Chính phủ xem xét, áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả thị trường khách; tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động này. Đặc biệt cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 lên 30 ngày.