Doanh nghiệp

Chủ tịch VNDirect: Đầu tư vào Trung Nam là "một nhân duyên"

Chiều 20/6, CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (Mã: IPA) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, tại Hà Nội.

Căn cứ theo đánh giá về tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh năm 2023, HĐQT công ty đặt ra kế hoạch tổng doanh thu là khoảng 1.080 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 425 tỷ đồng; tăng lần lượt 210% và 24% so với thực hiện năm ngoái. Nếu đạt được thì đây sẽ là con số lợi nhuận cao nhất kể từ khi công bố số liệu tài chính của IPA.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất và kế hoạch 2024.

Doanh nghiệp cho biết các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận nêu trên được HĐQT đưa ra một cách thận trọng trên cơ sở ước tính các khoản doanh thu và lợi nhuận dự kiến thu được từ các hoạt động đầu tư kinh doanh hiện hữu và chưa tính đến trường hợp phát sinh các khoản doanh thu/lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng vốn/tài sản (nếu có) của công ty.

  • TIN LIÊN QUAN
  • IPA rót 850 tỷ đồng vào công ty năng lượng của Trung Nam

Nói về khoản đầu tư vào Trung Nam, bà Phạm Minh Hương - thành viên HĐQT và cũng là Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán VNDirect chia sẻ: "Ngay từ đầu 2010 IPA đã quan tâm tới ngành năng lượng. Tập đoàn có hai dự án thuỷ điện với tổng công suất 40 MW. Tuy nhiên, sau này IPA nhận thấy cần tập trung kiện toàn các công ty thành viên và xây dựng năng lực cho từng công ty. Vì vậy, IPA cũng không đầu tư. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, VNDirect cũng tìm kiếm những ngành có khả năng tạo ra những dòng tiền như trái phiếu. Đó là lý do vì sao chúng tôi lựa chọn Trung Nam.

Trong những năm vừa qua, trái phiếu là một sản phẩm rất tốt với thị trường vốn. Tuy nhiên đã có những khó khăn sau vụ việc vạn thịnh phát.

Thứ hai, Trung Nam cùng công ty 21 dự án cũng làm năng lượng tái tạo nằm trong diện sẽ phải kiểm tra, xem xét. Đây là những rủi ro mang tính chính sách của nhà nước. Với VNDirect bất cứ việc phát hành trái phiếu nào cũng phải có tài sản đảm bảo. Riêng với IPA, đây là cơ hội để chúng tôi xem xét trong việc mở rộng khâu đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. 

 

Khoản đầu tư vào Trung Nam là một nhân duyên và chúng tôi tin rằng năng lượng tái tạo sẽ là tương lai của ngành điện. Rủi ro của Trung Nam là rủi ro chính sách chứ không liên quan tới tài sản.

Hiện nay quy mô năng lượng của Trung Nam khoảng 1,6 GW, vốn điều lệ khoảng 2.000 tỷ, doanh thu bán điện năm 2023 khoảng 5.100 tỷ. Đây là công ty có quy mô lớn.

Các tin đồn trên thị trường thì luôn có, chúng tôi tin rằng khi lựa chọn chúng tôi đã có tất cả những điều kiện, chuẩn mực về đầu tư. Tin đồn trên thị trường cũng không nằm trong phạm vi kiểm soát của chúng tôi.

Bà Phạm Minh Hương - Thành viên HĐQT đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán VNDirect

 Ban chủ toạ của buổi họp thường niên ngày 20/6. (Ảnh: HK). 

 Định hướng phát triển của IPA

Nói về định hướng phát triển của IPA, bà Phạm Minh Hương cho biết ngay từ khi thành lập, IPA đã lựa chọn 4 ngành để phát triển. Ở mảng năng lượng, IPA sở hữu thuỷ điện nhưng sau này IPA không đầu tư nữa mà tìm cách đầu tư gián tiếp chứ không phải phát triển dự án. 

Thứ hai là lĩnh vực dịch vụ tài chính. Thứ ba làm về các sản phẩm liên quan đến đời sống thuận tự nhiên. 

"Đứng theo góc độ công ty thì nguồn lực và năng lực triển khai cũng chỉ tập trung cho lĩnh vực tài chính. Những năm vừa qua, chúng tôi luôn cố kiện toàn để mở rộng mảng hoạt động trong lĩnh vực F&B. IPAM Life đương có khoảng 7 dự án đã có quỹ đất cũng như để xây dựng hệ sinh thái về sản xuất cho đến dịch vụ. Đây là mảng mà chúng tôi chưa có điều kiện phát triển. 

Trong phương án phát hành vốn cũng tận dụng một phần dùng để đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp tự nhiên và sản phẩm thuận tự nhiên. 

Mảng năng lượng vốn dĩ mang lại dòng tiền ổn định để chúng tôi yên tâm đầu tư mở rộng. VNDirect là đơn vị lớn nhất, mang lại dòng tiền cho công ty trả cổ tức đồng thời giúp công ty có thể mở rộng những lĩnh vực đã đặt nền móng. 

Một mảng khác là mảng giải pháp cho các doanh nghiệp, từ 2008 VNDirect đã đầu tư vào công ty công nghệ và hiện nay đã cung cấp toàn bộ giải pháp lõi cho ngành chứng khoán, ngân hàng, dịch vụ tài chính.

Hiện chúng tôi sở hữu khoảng 700 kỹ sư song mới chỉ phục vụ cho công nghệ mảng dịch vụ tài chính. Trong thời gian tới, chúng tôi muốn kiện toàn lại để phục vụ, cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.  Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn tìm kiếm những doanh nghiệp tốt để phục vụ cho mảng dịch vụ tài chính. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn đầu tư thêm vào ngành bảo hiểm. Hiện nay, VNDirect đang sở hữu cổ phần ở Bảo hiểm Bưu điện. Chúng tôi nghĩ đây là mảng tiềm năng trong chiến lược phát triển dịch vụ tài chính. 

Với công ty quản lý quỹ dù có giấy phép từ đầu năm nhưng chúng tôi vẫn chưa kiện toàn nguồn lực cũng như điều kiện thời gian", bà Hương thông tin. 

Không chia cổ tức 2023

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, IPA đề xuất không chia cổ tức và không trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi.

Nói thêm về việc không chia cổ tức, bà Phạm Minh Hương - thành viên HĐQT cho hay: "Năm 2022, khoản đầu tư vào CEN bị lỗ nên lợi nhuận để lại cho công ty mẹ không còn nên không thể chia cổ tức. Còn tới 2023, hồ sơ tăng vốn bị chậm chạp và mới được phê duyệt phương án tăng vốn trả cổ tức. Chúng tôi kỳ vọng năm nay sẽ có dòng tiền.

Bản chất IPA là một công ty đầu tư, nên giá trị doanh nghiệp nằm ở giá trị tài sản, định giá tài sản. Trong giai đoạn này, chúng tôi phải dồn lực để kiện toàn mảng F&B, dịch vụ tài chính nên công ty cần tăng vốn".

Tiếp tục triển khai ESOP

Ngày 28/06/2023, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của công ty đã thông qua việc chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Theo đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã thông qua thời gian thực hiện là từ năm 2023 đến hết năm 2024, sau khi được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tuy nhiên, công ty chưa triển khai thực hiện được phương án chào bán cổ phiếu như nêu trên theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ĐHĐCĐ đã thông qua việc tiếp tục triển khai phương án chào bán cổ phiếu ESOP với nội dung như đã được Thông qua theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2023 (chỉ điều chỉnh về thời gian thực hiện). 

Cụ thể, IPA dự kiến phát hành hơn 4,27 triệu cổ phiếu, tương đương 2% tổng số cổ phần đang lưu hành. Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, thấp hơn 31% so với giá cổ phiếu IPA chốt phiên 4/6 (14.400 đồng/cp).

Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Ủy quyền cho HĐQT quyết định cụ thể về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu trên nguyên tắc chỉ được chuyển nhượng tối đa là 50% số cổ phiếu đã nộp tiền mua sau 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, và số còn lại được chuyển nhượng sau 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến hết năm 2026. Nguồn vốn (gần 43 tỷ) thu được từ phát hành cổ phiếu dự kiến sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của IPA.

Muốn huy động hơn 2.000 tỷ từ cổ đông

Tại đại hội, cổ đông cũng thông qua phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng. IPA dự kiến phát hành hơn 213,8 triệu cổ phiếu, tương đương 100% cổ phiếu đang lưu hành. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ có1 quyền mua, 01 quyền mua được mua 1 cổ phiếu phát hành thêm).

Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, thấp hơn 28% giá cổ phiếu IPA chốt phiên 20/6 (13.900 đồng/cp).

Thời gian thực hiện trong các năm 2024 và/hoặc năm 2025, sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, dự kiến tối đa là 2.138 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho các mục đích, các hoạt động đầu tư/kinh doanh của công ty.

Cụ thể, IPA dự kiến dành 1.800 tỷ đồng đầu tư góp vốn, thanh toán tiền mua cổ phần/phần vốn góp tại các công ty con, công ty liên kết, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, công nghệ tài chính, năng lượng để kiện toàn chiến lược phát triển IPA thành một định chế đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, công nghệ tài chính và năng lượng.

Các doanh nghiệp mà Công ty dự kiến đầu tư góp vốn, mua cổ phần/phần vốn góp là các doanh nghiệp sau đây: Tổng CTCP Bảo Hiểm Bưu Điện, Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán I.P.A, CTCP Giải pháp công nghệ IPA, CTCP Năng lượng Bắc Hà.

Đối với việc đầu tư mua cổ phần của Bảo hiểm Bưu điện (để trực tiếp và/hoặc gián tiếp sở hữu từ 30% vốn điều lệ trở lên) thì công ty sẽ thực hiện đầu tư trực tiếp mua/nhận chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần và/hoặc góp vốn vào công ty con để công ty con mua/nhận chuyển nhượng cổ phần tại doanh nghiệp này.

200 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào các sản phẩm đầu tư/sản phẩm tài chính an toàn, có lãi suất cố định trên thị trường vốn/thị trường tiền tệ để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn của Tập đoàn IPA.

138 tỷ còn lại dự kiến để tái cơ cấu tài chính đối với các khoản vay/nợ, thanh toán các khoản vay/nợ và các khoản phải trả của công ty (bao gồm thanh toán các khoản nợ vay, các khoản trả nợ lãi trái phiếu và trả nợ gốc trái phiếu/mua lại trái phiếu).

Sau phát hành, vốn điều lệ của IPA sẽ tăng gấp đôi lên 4.276 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc VNDirect tham gia HĐQT

Về vấn đề nhân sự, hiện nay một thành viên HĐQT của công ty là bà Vũ Nam Hương vì lý do cá nhân nên đã có đơn xin từ nhiệm. Bởi vậy, ĐHĐCĐ đã biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với bà Hương và bầu bổ sung một thành viên HĐQT (nhiệm kỳ 2022 - 2027) là ông Nguyễn Vũ Long (sinh năm 1987).

Ông Long hiện là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Chứng khoán VNDirect. Ông Long bắt đầu công tác ở VNDirect từ năm 2015 và từng kinh qua các vị tríTrưởng phòng kinh doanh tiền tệ, Giám đốc Nguồn vốn, Giám đốc Khối Thị trường vốn. 

Sau đó, ông đã từng ngồi ghế Chủ tịch HĐQT của công ty chứng khoán này thay bà Hương từ tháng 4 - 8/2023 và lại trở về ghế Tổng Giám đốc từ tháng 9/2023 tới nay. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm