Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội là chương trình do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện huy động vốn tham gia và lãi suất giảm từ 1,5-2% so với thị trường. Từ tháng 4/2023, gói tín dụng được giải ngân kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội đến 2030.
Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất. Theo đó, doanh nghiệp được ưu đãi 8%/năm và với người mua nhà 7,5%/năm.
Tuy nhiên, sau một năm triển khai, kết quả giải ngân thấp. Gói này mới giải ngân được chưa tới 1%, tức khoảng 1.144 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.100 tỷ cho chủ đầu tư tại 11 dự án, còn lại là người mua nhà. Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện có thêm TP Bank, VPBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân giải ngân chậm bởi quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp, khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi. Tại hội nghị tín dụng ngày 19/6, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sửa gói tín dụng này theo hướng ưu đãi hơn trong thời gian tới.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 20/6, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, việc sửa gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã có chủ trương. Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu sửa và sẽ công bố sớm lộ trình.
Bộ Xây dựng cũng đánh giá lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng , trên địa bàn cả nước có hơn 500 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô gần 420.000 căn (báo cáo ngày 15/3/2024). Trong đó, số lượng dự án hoàn thành 75 dự án với quy mô 40.000 căn. Số lượng dự án đã khởi công xây dựng 128 dự án với quy mô gần 115.400 căn, số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 300 dự án với quy mô gần 263.000 căn.
Trước đó, nhiều lần Bộ Xây dựng kiến nghị, ngoài 4 ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại khác tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và mở các room tín dụng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn này phù hợp tình hình thực tiễn.
Ông Vũ Quốc Đạt - Phó Tổng Giám đốc Công ty Him Lam Thủ đô - cho biết, tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, các dự án nhà ở xã hội rất ít, quá trình thực hiện lại quá dài. Do đó, để có thể giải ngân nhanh nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, các địa phương cần giao đất sạch cho dự án thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội để doanh nghiệp thực hiện đầu tư.
“Hiện, thủ tục vay vốn rất lâu vì phải trải qua quá trình thẩm định hiệu quả của dự án. Do đó, nên bỏ qua quá trình này, bởi đã phát triển nhà ở xã hội thì dự án có hiệu quả, quy định rất rõ chủ đầu tư được 10% lợi nhuận trên tổng chi phí của dự án”, ông Đạt đề xuất.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho biết, nguyên nhân cốt yếu là gói tín dụng này "chưa phù hợp với người dân". Dù Ngân hàng Nhà Nước đã hai lần điều chỉnh hạ lãi suất, hiện còn 8%/năm với doanh nghiệp và 7,5%/năm với người mua nhà vẫn khá cao. Mức lãi này còn được điều chỉnh 6 tháng một lần, sau đó thả nổi khiến người mua nhà xã hội "ngại vay".
Ông Châu đề nghị Bộ Xây dựng khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (từng được Bộ Xây dựng đề xuất trước đó) để đạt mục tiêu xây tối thiểu 1 triệu căn nhà xã hội đến năm 2030. Ở gói này, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8 -5%/năm, thời hạn vay tối đa 25 năm, tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng áp dụng hơn 10 năm trước.
Để tăng sức hút với doanh nghiệp, ông Châu đề nghị dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tăng thêm lợi nhuận định mức lên 15%, thay vì 10% như trước, áp dụng cho doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất.