"Chúng tôi đã có mặt tại Foxconn Trịnh Châu để xem xét tình hình và hợp tác chặt chẽ với đối tác nhằm giải quyết các vấn đề của công nhân", SCMP dẫn lời phát ngôn viên của Apple. Đây là lần đầu tiên hãng lên tiếng liên quan đến biểu tình trong nhà máy.
Sự hỗn loạn tại nhà máy iPhone diễn ra từ cuối tháng 10 khi Covid-19 bùng phát và nhiều công nhân tìm cách bỏ trốn về quê. Sau đó, Foxconn và chính quyền địa phương đã kêu gọi lao động quay lại bằng những đãi ngộ và lương thưởng. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn tiếp diễn đầu tuần này khi các cuộc đụng độ giữa công nhân và bảo vệ, cảnh sát xảy ra. Nguyên nhân được cho là Foxconn không đáp ứng đúng những yêu cầu về phòng chống dịch cho lao động và chậm quyết toán khoản trợ cấp như đã hứa.
Một số công nhân sau đó nói họ được Foxconn hứa trả 10.000 nhân dân tệ (34,5 triệu đồng) nếu đồng ý rời nhà máy để giảm bớt tình trạng căng thẳng. Reuters dẫn các nguồn tin nội bộ rằng có hơn 20.000 công nhân mới được tuyển đã nhận tiền và rời đi. Các video đăng trên mạng xã hội Trung Quốc hôm qua cho thấy đám đông xếp hàng dài chờ xếp hành lý lên xe khách để về quê.
Apple không mô tả chi tiết về mức độ nghiêm trọng của các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, họ xác nhận bất ổn ở nhà máy Foxconn Trịnh Châu sẽ khiến các lô hàng iPhone 14 Pro và 14 Pro Max bị trễ hẹn trong mùa mua sắm cuối năm. Trong khi đó, Reuters cho hay sản lượng iPhone tại nhà máy đã giảm 30% kể từ khi sự cố xảy ra.
Nhà phân tích Christine Wang của KGI Securities cho biết nếu bất ổn kéo dài đến tháng 12, Apple sẽ thiếu 10 triệu chiếc iPhone trong quý cuối cùng của năm, tương đương 12% sản lượng máy xuất xưởng.
Trong tháng 10, nhà máy Foxconn Trịnh Châu đã xuất xưởng 8,4 triệu smartphone, giảm 16,9% so với tháng trước. Trong khi đó, sản lượng từ tỉnh Giang Tô, nơi đặt các nhà máy khác của Foxconn, tăng 31% khi đối tác của Apple tìm cách chuyển năng lực sản xuất sang các cơ sở này.
Theo các chuyên gia, với tình hình hiện tại, nhà máy Foxconn Trịnh Châu khó đạt mục tiêu ổn định dây chuyền sản xuất vào cuối tháng này. Thời gian giao iPhone 14 ở Mỹ đã kéo dài đến 34 ngày. Wedbush Securities ước tính nhiều cửa hàng Apple có ít hơn 25-30% số iPhone 14 Pro so với giai đoạn tháng 10.
Bất ổn trong nhà máy iPhone lớn nhất thế giới cũng khiến cổ phiếu Apple đã giảm 1,9% vào cuối phiên giao dịch sáng 25/11. Victoria Scholar, đứng đầu bộ phận đầu tư tại Interactive Investor, cho biết: "Trong lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu của Apple thường đứng đầu về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, nếu không sớm giải quyết vấn đề trong nhà máy ở Trung Quốc, tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều".
Theo SCMP, đây không phải lần đầu Foxconn và Apple gặp rắc rối liên quan đến lao động trong dây chuyền sản xuất iPhone. Từ lâu họ đã vướng nhiều chỉ trích liên quan đến chất lượng đời sống, lao động của công nhân. Foxconn thường bị lên án vì vi phạm luật lao động địa phương, cố tình thuê thêm công nhân thời vụ để tăng ca sản xuất. Họ cũng bỏ qua nhiều khâu đào tạo về an toàn lao động và nhiều vấn đề khác. Năm 2019, Apple từng phủ nhận các cáo buộc nhưng thừa nhận đã sử dụng quá số lượng lao động hợp đồng cho phép.
(theo Reuters, SCMP)