Doanh nghiệp

Thị trường logistics Việt Nam xếp hạng 11/50 thị trường mới nổi toàn cầu

Thị trường logistics Việt Nam xếp hạng 11/50 thị trường mới nổi toàn cầu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng - Ảnh: BCT

Ngày 26-11, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 với chủ đề “Logistics xanh”

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh cho hay sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất nhập khẩu những năm qua mang đến tiềm năng lớn cũng như những thách thức cho ngành logistics Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Theo đó, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.

Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỉ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021. 

Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức mức cao trong giai đoạn từ 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỉ tấn (2015) lên 1,64 tỉ tấn (2021), đóng góp của lĩnh vực logistics vào GDP hàng năm ở mức 4 - 5%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước.

Chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thiếu tính kết nối về hạ tầng là những "điểm nghẽn" lớn kìm hãm sự phát triển ngành.

Trước thực trạng trên, ông Đào Trọng Khoa, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) kiến nghị Chính phủ cần chú trọng quy hoạch tổng thể phát triển ngành, tạo nên nền tảng phát triển dài hạn, trong đó Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam cho thời gian 2025-2030.

Có chính sách hỗ trợ cụ thể như vận tải hàng không, vận tải biển là đội tàu mang thương hiệu Việt Nam. Địa phương thu xếp quỹ đất phát triển hạ tầng logistics, trung tâm logistics và kho bãi, thực hiện chuyển đổi số.

"Ngành dịch vụ logistics mong muốn có hỗ trợ về thay đổi công nghệ và chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp tham gia tích cực chủ động trong thị trường thế giới. Đi kèm với đó là đào tạo nguồn nhân lực" - ông Hiệp bày tỏ.

Đồng thời, cần kiện toàn bộ máy quản lý về logistics, thiết lập bộ phận chuyên trách tại Bộ Công Thương để phối hợp với bộ ngành địa phương triển khai hiệu quả nhất kế hoạch hành động, nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics Việt Nam

Trưởng ban Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, tham mưu chính sách trong đó có chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam. Chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...

Đặc biệt, cần tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics. Làm rõ nội hàm "logistics xanh" để thực hiện logistics xanh trong bối cảnh mới trên cơ sở ứng dụng Công nghệ 4.0 nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng; ban hành bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm