Công nghệ

Rộ cuộc gọi lừa đảo về bảo hành điều hòa

Nhiều người dùng có nhu cầu bảo dưỡng điều hòa trước mùa nóng.

Nhiều người dùng có nhu cầu bảo dưỡng điều hòa trước mùa nóng.

"Đầu tuần, tôi nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là bên hãng Casper - thương hiệu điều hòa nhà tôi đang sử dụng. Họ nói sản phẩm sắp hết hạn bảo hành, đang có chương trình gia hạn ba năm và chỉ mất 250.000 đồng, tặng thêm 6 lần vệ sinh miễn phí", anh Lê Văn Chung (Trung Văn, Hà Nội) kể.

Do thấy số điện thoại không đẹp, không giống số tổng đài nên anh nghi ngờ và từ chối vì không thực sự có nhu cầu. Trong khi đó, anh Bách Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nhận cuộc gọi tương tự và đồng ý vì đúng lúc cần bảo dưỡng thiết bị trước đợt nắng nóng. "Họ đọc chính xác tên model của hãng Daikin tôi đang dùng, chuẩn địa điểm lắp máy và thời gian bảo hành nên tôi tin tưởng", anh nói.

Một ngày sau, anh Tùng được giao gói hàng ghi nội dung thẻ bảo hành, quà tặng từ công ty, đồng thời cần thanh toán phí gia hạn 250.000 đồng trước khi nhận.

"Bên trong chỉ có một điều khiển Daikin nhưng chất lượng gia công kém và một thẻ bảo hành in nham nhở, không có giá trị sử dụng. Gọi lại số kia nhưng không liên lạc được, tôi liên lạc theo số tổng đài của hãng mới biết nhà sản xuất không có bất kỳ chương trình nào như vậy, đặc biệt là không bao giờ tự ý thu thêm tiền của khách hàng", anh Tùng nói.

Theo anh Lê Tuấn, phụ trách ngành hàng máy lạnh tại một siêu thị điện máy, chiêu lừa gọi điện mời chào gia hạn bảo hành thiết bị gia dụng không mới, đã xuất hiện từ cách đây hai năm.

"Sau đại dịch, lại vào tháng cao điểm cần vệ sinh điều hòa trước mùa hè, cách thức lừa đảo này lại nở rộ trở lại khiến nhiều người mất cảnh giác", anh nói và khẳng định hiện không có thương hiệu điều hòa nào triển khai chương trình như vậy. "Quà tặng điều khiển như anh Tùng nhận được thực tế là hàng nhái, giá chỉ 20.000-30.000 đồng ở các cửa hàng điện tử".

Theo anh Minh Tiến, chuyên gia về thiết bị điện gia dụng, cho biết sở dĩ chiêu lừa này phát huy tác dụng bởi thông tin cung cấp khá chính xác. "Họ có đầy đủ số điện thoại, địa chỉ, tên thương hiệu, model người dùng đã mua để tư vấn nên một số người dễ dàng sập bẫy", anh Tiến nhận định và cho biết tình trạng mua bán thông tin khách hàng vốn diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam.

Các hãng điện máy đưa ra cảnh báo về cuộc gọi lừa đảo.

Các hãng điện máy đưa ra cảnh báo về cuộc gọi lừa đảo.

Hầu hết các nhà sản xuất điều hòa hiện nay đều phân phối sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng, đại lý do cần thợ thi công lắp đặt. Anh Tiến cho biết dữ liệu bán hàng như tên, số điện thoại, địa chỉ... được cửa hàng lưu đầy đủ, còn hãng, nếu có, thường chỉ yêu cầu dữ liệu số điện thoại để gửi tin nhắn kích hoạt bảo hành sản phẩm.

Trước việc nở rộ cuộc gọi lừa đảo gia hạn bảo hành, một số thương hiệu đã phải đăng cảnh báo. Đầu tuần này, Casper Việt Nam khuyến cáo người dùng chỉ nghe cuộc gọi từ số tổng đài chính thức, đọc thông tin trên trang web của hãng. Trước đó, Daikin và Panasonic cũng có bài viết về tình trạng này trên website và trang fanpage.

Ngoài điều hòa, các chuyên gia cho biết chiêu thức tương tự còn được áp dụng với nhiều thiết bị gia dụng khác như tủ lạnh, máy giặt, máy nước nóng... "Tùy giai đoạn, kẻ lừa đảo sẽ lựa chọn sản phẩm phù hợp, như vệ sinh điều hòa vào mùa hè, để dễ lừa đảo hơn", anh Tiến nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm