Mới đây, Câu Lạc Bộ Nhà Đầu Tư Vốn Tư Nhân (Vietnam Private Capital Agency - VPCA) vừa chính thức ra mắt thị trường, mở ra một chương mới trong thị trường đầu tư tại Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nguồn vốn đầu tư mạo hiểm (VC) và vốn cổ phần tư nhân (PE). Đến năm 2035, VPCA đặt mục tiêu kêu gọi 35 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân dành cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, qua đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững.
" Việt Nam đang chứng kiến một thời điểm bản lề khi các quỹ đầu tư nước ngoài ngày càng chú trọng cơ hội đầu tư tại đất nước chúng ta, đồng thời Chính phủ Việt Nam cũng liên tục đưa ra các chính sách nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh phát triển mạnh mẽ.
VPCA cam kết tận dụng tối đa tiềm năng này, đảm bảo rằng dòng vốn sẽ được phân bổ hiệu quả nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế bền vững ", bà Lê Hoàng Uyên Vy - Chủ tịch VPCA , cho biết.
Ông Bình Trần – Phó Chủ tịch VPCA và hiện đang là Co-Founder AVV bổ sung: " Dù cơ hội đầu tư tại Việt Nam rất phong phú, nhưng chúng ta vẫn ở vị trí phía sau so với các khu vực phát triển hơn như Bắc Mỹ, nơi chiếm gần một nửa tổng số vốn tư nhân huy động trong năm 2023. Có một khoảng trống rõ ràng trong dòng chảy vốn chỉ có thể được thu hẹp thông qua các sáng kiến chiến lược và sự hỗ trợ toàn diện hơn cho nguồn vốn tư nhân”.
VPCA được sáng lập bởi các nhà đầu tư có uy tín lâu năm bao gồm bà Lê Hoàng Uyên Vy (Giám đốc điều hành tại Do Ventures), ông Bình Trần (Đồng sáng lập của AVV), ông Vinnie Lauria (Sáng lập của Golden Gate Ventures), ông Max-F. Scheichenost (Giám đốc điều hành tại Mekong Capital) và ông Justin Nguyễn (Giám đốc điều hành tại Monk’s Hill Ventures). VPCA ra mắt với sự tham gia của hơn 40 thành viên thuộc các quỹ VC và PE trong nước lẫn quốc tế.
Khả năng thu hút vốn từ VC và PE của Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ khu vực?
Theo một báo cáo gần đây được thực hiện bởi sự hợp tác giữa Do Ventures và NIC, trong giai đoạn từ 2014 - 2023, hơn 4,6 tỷ USD đổ vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam, thông qua 835 thương vụ.
2021 là năm đỉnh cao của giới khởi nghiệp Việt, khi nhận tới 1,442 tỷ USD tiền đầu tư từ các quỹ qua 165 deal. Hầu hết thương vụ đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam đều ở giai đoạn sớm như tiền hạt giống, hạt giống và Series A/B, còn giai đoạn C/D là cực hiếm. Trong năm 2022 - 2023 chỉ có 8 startup nhận vốn từ Series C trở lên và mỗi năm chỉ có 2 deal đầu tư trên 50 triệu USD.
Trong năm 2023, các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam nhận được 529 triệu USD từ 122 thương vụ đầu tư từ các quỹ, giảm 17% về quy mô và 9% về số lượng so với 2022. Trong đó, các quỹ đầu tư đến từ Singapore hoạt động tích cực nhất với 22 thương vụ, quỹ nội đứng thứ nhì với 21, tiếp theo là Bắc Mỹ với 16. Trong năm 2023, có khoảng 100 nhà đầu tư trong vào ngoài nước quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Về M&A, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản – Hàn Quốc – Thái Lan.
Thường các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến các lĩnh vực Ngân hàng, ví dụ SMBC đầu tư vào VPBank, MUFG vào VietinBank, Mizuho – Vietcombank.
Nhà đầu tư Hàn Quốc thích chứng khoán. Các công ty chứng khoán Hàn Quốc đã thâm nhập đáng kể vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua M&A chiến lược, với khoảng 8 công ty được Hàn Quốc hậu thuẫn hiện đang hoạt động tại Việt Nam, chiếm hơn một nửa tổng số công ty chứng khoán FDI đang hoạt động.
Nhà đầu tư Thái Lan lại ưa chuộng ngành bán lẻ và tiêu dùng, với những thương vụ tiêu biểu như ThaiBev mua lại Sabeco, Central Group thâu tóm BigC Việt Nam, Shingha đầu tư vào Masan.
Trong 2023, các nhà đầu tư trong nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên thị trường M&A (40 deal), tiếp theo là nhà đầu tư Singapore (17 deal) – Nhật Bản (11). Minh chứng: KIDO mua lại Pakson Hùng Vương, Masan mua đứt Phúc Long, THACO – Emart Việt Nam…. Các deal M&A trong giới công nghệ cũng rất đáng quan tâm: MoMo mua lại PiqueAI, Base sáp nhập vào FPT, Tiki – TicketBox…
Tuy nhiên, lĩnh vực M&A đang thể hiện sự tụt dốc đáng lo ngại, với 186 thương vụ năm 2023 so với 303 năm 2021 hay 338 năm 2018.
Hiện Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 3 ở khả năng thu hút vốn đầu tư khởi nghiệp ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng nếu xét đúng bản chất, thì chúng ta phải cố gắng thật nhiều thì mới tiệm cận được 2 vị trí dẫn đầu – đặc biệt là Singapore.
Theo một báo cáo gần đây của Chính phủ Singapore do DealstreetAsia thực hiện, trong năm 2023, các startup ở Singapore đã nhận được 6,1 tỷ USD từ các mạnh thường quân. Còn từ năm 2020 đến 2023, họ nhận tổng cộng 32,59 tỷ USD tiền đầu tư từ các quỹ trong và ngoài nước. Đỉnh điểm, họ đã nhận được trên 11 tỷ USD tiền đầu tư trong 2 năm liên tiếp – 2021 và 2022.
Cụ thể hơn, năm 2023, trong 6 nước có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nhất ASEAN, thì Singapore nhận 6,1 tỷ USD - thông qua 522 deal, Indonesia là 1,28 tỷ USD/130 deal, Việt Nam 0,51 tỷ USD/54 deal, Malaysia 0,11 tỷ USD – 52 deal… Theo đó, về tổng giá trị giao dịch, Singapore chiếm 73,3%; tức cả 5 nước còn lại là Việt Nam – Indonesia – Malaysia – Philippines – Thái Lan cộng lại, không bằng ½ của Singapore.
Trong năm 2023, các startup ở Singapore nhận 464 deal đầu tư giai đoạn sớm và 29 là giai đoạn sau; với tỷ lệ giá trị khá cân bằng 3,04 tỷ USD – 3,06 tỷ USD. Singapore đang sở hữu nhiều ‘kỳ lân’ và tiệm cận ‘kỳ lân’ tính từ vòng gọi vốn cuối cùng, tiêu biểu như ShopBack, Thunes, Esco Lifesciences, Fazz…
Họ cũng là đất nước sở hữu 2/3 DN trong Top 20 thương vụ huy động vốn cổ phần nhiều nhất ở 6 nước ASEAN, với những cái tên đình đám như Lazada Group, Bolttech, Insider, Trusting Social, Aspire…Việt Nam – Indonesia đều có 3.
Vì sao thị trường Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư VC/PE bằng Singapore hoặc Indonesia?
“ Sở dĩ thị trường Việt Nam chưa hấp dẫn với các VC và PE, là vì chúng ta mới chỉ đầu tư 0,4% GDP vào R&D trong khi trung bình thế giới là 2,6%. Việt Nam cũng chỉ có 60 vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp; trong khi Singapore có 305.
Về VC: chúng ta có ít VC quốc nội đầu tư ở giai đoạn sau, khả năng exit thấp và rào cản pháp lý lớn. Về PE: hệ sinh thái PE ở Việt Nam còn quá non trẻ, chất lượng giao dịch không nhất quán, khả năng exit có giới hạn. Về thị trường đại chúng: số lượng DN lên sàn thấp, không có sự xuất hiện của các công ty công nghệ, sự hiện diện hạn chế của các tổ chức đầu tư… ”, bà Uyên Vy nhận định.
Trong năm 2023: Việt Nam chỉ có 3 thương vụ IPO – huy động được 7 triệu USD, trong khi Singapore có 6 – 35 triệu USD, Indonesia có 79 – 3,607 tỷ USD, Malaysia có 32 – 790 triệu USD, Thái Lan có 40 – 1,297 tỷ USD. Kể từ năm 2019 đến 2023, hằng năm Indonesia đều có hơn 50 thương vụ IPO thành công; Malaysia là trên dưới 30, còn đỉnh của Việt Nam là 27 vụ năm 2019.
Trong khi thị trường chứng khoán của Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan đều có những điều khoản cũng như luật lệ riêng biệt nhằm cho phép các SMEs hoặc startup công nghệ có thể IPO thì Việt Nam vẫn chưa có. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư cá nhân trong nước - chiếm tỷ lệ đáng chú ý là 87,0% (2023). Trong khi các tổ chức – cá nhân đầu tư từ nước ngoài chỉ gần 7%.
Như đã nói ở trên, 2 phương án được xem là lý tưởng nhất để các VC hoặc PE thoái vốn thành công là mua bán ở sàn chứng khoán hoặc M&A tại Việt Nam đều đang gặp rất nhiều trắc trở nếu so với những năm trước Covid-19 và các nước khác trong khu vực.
Vậy 35 tỷ USD đến 2035 là căn cứ vào đâu?
Đầu tiên, theo đại diện Do Ventures, dòng vốn FDI mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại thuận lợi, sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho các hoạt động IPO và M&A tại Việt Nam trong tương lai. Nó tăng cường sức hấp dẫn của thị trường, khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy đổi mới sáng tạo - hợp tác chiến lược, thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở cả ở lĩnh vực IPO và M&A.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại nước ta ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Phân tích chung về bức tranh nền kinh tế Việt Nam nửa đầu năm, ông Jack Nguyễn - Tổng Giám đốc InCorp Việt Nam cho biết dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất, bất động sản và năng lượng. Trong đó, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất.
“ Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, với nhiều khu công nghiệp mới đang được phát triển. Chúng tôi nhận được yêu cầu tư vấn từ các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tại thị trường khu vực phía Bắc.
Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang chuyển đến Việt Nam để thiết lập chuỗi cung ứng của họ. Xu hướng xây dựng một khu công nghiệp quy mô lớn ngay ngoại ô thành phố hứa hẹn sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới ”, ông Jack nói.
Thêm vào đó, vị này nhấn mạnh so sánh với các nước ASEAN khác, Việt Nam đứng thứ ba về dòng FDI trong nửa đầu năm 2024, sau Indonesia và Singapore đồng thời vượt trước Thái Lan và Malaysia.
Tiếp theo, thị trường chứng khoán ở Việt Nam ngày càng tốt hơn và đang có những dự thảo để có nhiều hơn các DN công nghệ như VNG trên sàn HOSE hoặc HNX.
Chứng khoán Việt Nam vẫn đang cố gắng trong tiến trình thuyết phục FTSE nâng hạn lên ‘thị trường mới nổi’ trong vài năm tới (dự kiến là vào năm 2025). Sàn giao dịch chứng khoán sơ cấp tại Việt Nam - HOSE, có tỷ lệ P/E trung bình là 12,4, tương đối thấp nếu so với các thị trường chứng khoán khác trong khu vực. Điều này có nghĩa thị trường Việt Nam vẫn có mức giá hợp lý và hấp dẫn nhà đầu tư.
Trên hết, Việt Nam chúng ta đang tính thử nghiệm dự án ‘IPO thông qua giới thiệu’ để tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế đặc biệt như startup công nghệ có thể lên sàn. Vào đầu năm 2023, VNG đã chính thức lên sàn UpCOM và trong tương lai, Việt Nam có thể sẽ có nhiều ‘kỳ lân’ hoặc tiệm cận 'kỳ lân' có thể trở thành công ty đại chúng.
“ Thứ ba, các sáng kiến của VPCA được thiết kế nhằm thực hiện hóa mục tiêu nói trên sẽ phục vụ 4 chủ thể chính sau đây: nhà đầu tư, chuyên gia đầu ngành, nhà hoặc định chính sách và doanh nhân.
Chúng tôi sẽ kết nối các nhà đầu tư với những cơ hội giúp họ đóng góp và hưởng lợi từ một hệ sinh thái VC/PE năng động và phát triển; hỗ trợ các doanh nhân trong nước tiếp cận nguồn vốn, chuyên mônvà cơ hội kết nối, qua đó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Hơn nữa, chúng tôi sẽ hợp tác với Chính phủ để vận động cho các chính sách giúp cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, VPCA hợp tác với các chuyên gia đầu ngành để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh doanh và đầu tư hiệu quả ”, ông Bình Trần cho hay.
Cuối cùng, nếu 35 tỷ USD cho cả VC và PE trong 10 năm tới và nhìn vào khả năng thu hút vốn mà giới khởi nghiệp Singapore đã làm được trong 4 năm qua, mục tiêu của VPCA hay CEO Do Ventures đề ra cho thị trường Việt Nam trong 10 năm tới có thể chưa đến nỗi quá viển vông.
Dù sao vẫn là quá sớm để dự đoán kết quả cho 10 năm tới. Muốn biết sự việc diễn biến thế nào, cùng chờ xem "hồi sau" sẽ rõ.