Các nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội đã tồn tại ở Việt Nam nhiều năm qua, dẫn đến cung không đủ cầu và giá thực tế đôi khi đánh đố công nhân. Bằng chứng là trong giai đoạn 2011- 2020, cả nước chỉ thực hiện được 41,4% kế hoạch đề ra với phân khúc nhà ở này. Bộ Xây dựng cũng xác nhận kết quả triển khai nhà ở xã hội thời gian qua chưa đạt kỳ vọng.
Trong khi đó, giai đoạn phục hồi kinh tế hậu đại dịch càng làm nổi bật vai trò của phân khúc nhà ở xã hội, vì đây là một trong những cách để thu hút và giữ chân người lao động sau khi các thành phố lớn chứng kiến dòng người rời đi hồi tháng 10/2021.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers tại Việt Nam, đánh giá dù chính quyền trung ương và địa phương đã nỗ lực đề ra nhiều chính sách, trợ cấp, ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, nguồn cung chưa bao giờ đuổi kịp nhu cầu thực tế.
Kết quả là phần lớn lao động nhập cư vẫn phải thuê nhà trọ chủ yếu do các hộ dân xung quanh khu công nghiệp đầu tư xây dựng, nên vấn đề an ninh, vệ sinh và chất lượng hạn chế. Một số người thậm chí không thể thuê gần nơi làm việc và phải di chuyển xa để đi làm hàng ngày, ảnh hưởng đến an sinh và năng suất lao động.
"Điều này đồng nghĩa với một cách tiếp cận tổng thể và dài hạn để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở xã hội tại Việt Nam, và ví dụ điển hình là thành công về nhà ở xã hội của Singapore", ông David Jackson nêu ví dụ. Colliers Việt Nam là thành viên của Colliers Group (Mỹ), một công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu với khoảng 17.000 chuyên viên làm việc tại 62 quốc gia.
Vị chuyên gia xác nhận, tuy mô hình phát triển nhà ở xã hội của Singapore không hoàn toàn phù hợp với Việt Nam, vẫn có những kinh nghiệm có thể học hỏi được.
Thứ nhất, nhà ở xã hội tại nước này được xem là tài sản xã hội, mục tiêu là đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng về nhà ở và hạn chế sự méo mó về kinh tế và xã hội liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Do đó, Cơ quan Phát triển Nhà ở xã hội (HDB) được thành lập và có nhiệm vụ cung cấp nhà ở giá cả phải chăng cho người dân của đảo quốc này.
Các căn hộ HDB được nhà nước cung cấp theo hợp đồng thuê 99 năm, nghĩa là chủ sở hữu căn hộ HDB có quyền sử dụng trong 99 năm và khi hết thời hạn thuê, căn hộ sẽ được trả lại cho HDB để tái phát triển.
Người mua căn hộ HDB có thể tận dụng nguồn vay từ ngân hàng, vay từ HDB, trả bằng tiền mặt hoặc bằng nguồn vốn rút từ Quỹ Tiết kiệm Trung ương (CPF) - một hệ thống an sinh xã hội cho phép công dân Singapore và thường trú nhân tiết kiệm để nghỉ hưu.
Kể từ khi thành lập năm 1960, HDB vừa là nhà cung cấp chính về nhà ở giá rẻ vừa đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng và quản lý hầu hết nhà ở xã hội tại nước này. Người Singapore cũng không được sở hữu hai căn hộ HDB cùng lúc.
Thứ hai, vì được xem là tài sản xã hội, các cụm nhà ở HDB được phát triển chủ yếu dựa trên cách tiếp cận tạo ra nơi ăn chốn ở, nghĩa là xây dựng cộng đồng và môi trường sống chứ không chỉ tập trung vào số lượng căn hộ và giá bán.
Trên cơ sở này, việc phát triển nhà ở xã hội luôn gắn liền với cơ sở hạ tầng đô thị hiện hữu (đường sá, giao thông, trường học, dịch vụ y tế...) và các tiện ích thể thao, giải trí, công viên, khu ăn uống cùng nhiều dịch vụ bán lẻ khác.
Không khó để tìm thấy một khu ăn uống xung quanh cụm nhà ở HDB, hoặc từ đó đi bộ một chút là đến siêu thị, trường học, xe buýt và ga tàu điện. Ngoài ra còn có các sân chơi ba thế hệ với các tiện ích cho trẻ em, thiết bị tập thể dục cho người lớn, khu vực ghế ngồi công cộng dành cho cư dân và các bậc cha mẹ hoặc ông bà có thể trông chừng con cháu.
Qua nhiều năm, khi mức sống và kỳ vọng của cư dân tăng lên, HDB cũng chú ý điều chỉnh kiến trúc cảnh quan cũng như cải thiện vấn đề an sinh của cư dân. Một số cụm HDB hiện có vườn cộng đồng, hoặc được trang bị hệ thống đỗ xe đạp tự động. Hiện nay có khoảng 80% dân số Singapore sống trong các căn hộ HDB.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là đảm bảo giá nhà ở xã hội vừa túi tiền của người có nhu cầu thực. Ông David Jackson cho rằng phần này có thể học hỏi thêm từ mô hình của nước Anh.
Tại Anh, nơi có một trong những dự án nhà ở xã hội quy mô lớn đầu tiên trên thế giới được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, giá thuê nhà ở xã hội được tính theo thu nhập địa phương và thấp hơn nhiều so với giá thuê nhà ở tư nhân. Chính phủ cũng hạn chế việc tăng giá thuê nhà, duy trì giá thuê ở mức hợp lý nhằm đảm bảo mọi người tiếp cận được nhà ở mà không lo vuột mất cơ hội do giá tăng cao.
Đối với Việt Nam, tín hiệu tích cực là nhiều mô hình đã được đề xuất để phát triển nhà ở xã hội cho các nhóm dân cư có thu nhập thấp, bao gồm công nhân tại các khu công nghiệp. "Với phương châm lấy con người làm trọng tâm, học hỏi kinh nghiệm từ Singapore, Anh, xây được nhiều dự án nhà ở xã hội theo cách thức bền vững thì nhiều người có nhu cầu được tiếp cận nhà ở giá phải chăng và gần nơi làm việc", vị chuyên gia nói.
Người Việt Nam thường quan niệm phải ổn định cuộc sống để phát triển sự nghiệp lâu dài, như cách nói "có an cư thì mới lạc nghiệp". Theo ông David Jackson, để đẩy nhanh quá trình này, có lẽ Việt Nam cần cú bắt tay từ các khu vực nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận.
"Nhìn chung, phải có tư duy dài hạn và cách tiếp cận tổng thể, vấn đề nóng về nhà ở xã hội mới có thể được giải quyết một cách kịp thời hơn. Cuối cùng, sức khỏe kinh tế của cộng đồng là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương và quốc gia", ông nhận định.
Do đó, đem đến cơ hội nhà ở an toàn, giá cả phải chăng với khoảng cách hợp lý đến nơi làm việc là "một trách nhiệm xã hội, giúp những người có thu nhập thấp và lao động nhập cư được hòa nhập với xã hội nói chung cả về mặt thể chất lẫn tinh thần", theo vị chuyên gia.
Vấn đề nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp luôn là chủ đề nóng thời gian qua. Hôm cuối tháng 4, trong hội nghị tiếp xúc của HĐND TP HCM với 400 người lao động, một số công nhân nói thu nhập trung bình 7-8 triệu đồng mỗi tháng, phải trang trải nhiều thứ nên việc tích lũy mua nhà ở thành phố là điều không thể.
Một nữ tài xế kiến nghị thành phố xây các chung cư với căn hộ có diện tích nhỏ, giá phù hợp thu nhập công nhân, bán trả góp hoặc cho thuê giá rẻ.
Câu chuyện hạ giá chung cư một lần nữa được chú ý khi mới đây trong đề xuất cấp sổ hồng căn hộ 50-70 năm, Bộ Xây dựng cho rằng, ngoài việc đáp ứng công tác chỉnh trang đô thị, việc này cũng sẽ có tác động đến giá bán nhà ở (giá bán sẽ giảm hơn so với sở hữu lâu dài). Từ đó, tạo điều kiện để người dân có tài chính trung bình có thể mua nhà; đáp ứng cho những người có nhu cầu sở hữu một thời hạn nhất định...