Willie Quan, một người cha đang sống tại Massachusetts, đã dành hàng giờ đồng hồ lái xe tới hơn chục cửa hàng chỉ trong vòng 1 ngày, cốt để mua được những hộp sữa bột cuối cùng còn sót lại trên kệ.
Saida Cardona, bà mẹ 3 con ở New Jersey, không có xe hơi, nên mỗi tuần phải chi 150 USD tiền taxi tới các siêu thị tạp hóa địa phương để tìm mua Enfamil - loại sữa mà cô con gái 6 tháng tuổi của chị vẫn thường uống.
Trong khi đó, Jennifer Villegas, bà mẹ 19 tuổi tại Texas thì mất hơn 150 USD cho những kẻ lừa đảo bán sữa công thức trực tuyến.
Khủng hoảng sữa công thức trẻ em tại Mỹ đang ngày càng trở nên tồi tệ. Tỷ lệ hết hàng đã tăng vọt lên 74% trên toàn quốc tính đến ngày 28/5, theo dữ liệu từ công ty theo dõi bán lẻ Datasembly. Ở một số tiểu bang, tỷ lệ này có khi lên tới 90% hoặc cao hơn.
Khủng hoảng sữa công thức trẻ em tại Mỹ đang ngày càng trở nên tồi tệ
Hy vọng cuộc khủng hoảng có thể được cải thiện trong những tuần tới, song hiện tại, nó vẫn đang tác động nặng nề lên các hộ gia đình Mỹ. Họ lo con cái ăn không đủ no, trong khi giá sữa thì tăng phi mã.
Theo Bloomberg, những bậc cha mẹ đang phải chi hàng trăm USD để đổ đầy bình xăng, sau đó đi khắp các thành phố để tìm kiếm sữa công thức. Số khác thì mua hàng trực tuyến để giảm chi phí đi lại, song lại đối mặt với rủi ro mua phải hàng kém chất lượng. Một số bà mẹ thậm chí còn phải cân nhắc giữa việc đi làm hay săn lùng sữa công thức cho con.
Chị Maria Vidart-Delgado, người phụ nữ 2 con sống tại Waltham là một ví dụ điển hình. Việc đi tìm sữa công thức đã tiêu tốn khoảng 2 giờ đồng hồ mỗi ngày trong suốt 3 tuần liên tiếp, bao gồm gọi điện tới các cửa hàng, lái xe đến đó hoặc kiểm tra các gian hàng trực tuyến.
Tỷ lệ hết hàng của sữa công thức tại các tiểu bang Mỹ
Chị được làm việc online tại nhà, song vẫn cố gắng không để việc tìm sữa cho con xâm lấn quỹ thời gian dành cho công việc. Sếp của chị “vô cùng hiểu chuyện”, thậm chí cho Vidart thời gian để chăm lo cho bữa ăn quan trọng của con. “Tôi phải làm việc, tôi cần phải làm việc. Nhưng lúc đó tôi lại nghĩ, thế còn con tôi thì sao?”, chị tâm sự với tờ Bloomberg.
Gánh nặng đè lên vai những người mẹ như chị Vidart - đối tượng vốn bị đẩy ra khỏi lực lượng lao động khi dịch COVID-19 bùng phát. Dù nhiều người đã cố gắng quay trở lại làm việc, song tình trạng khan hiếm dịch vụ chăm sóc trẻ tại nhà vẫn đang là một thách thức. Rất nhiều bà mẹ đã kiệt sức, theo Stefania Albanesi, Giáo sư kinh tế tại Đại học Pittsburgh.
Bà cho rằng sự phát triển vượt bậc của sữa công thức chính là yếu tố quan trọng giúp các bà mẹ có thể sớm quay trở lại thị trường lao động nhờ tiết kiệm được phần lớn thời gian cho con bú.
“Những bậc cha mẹ thu nhập thấp sẽ khá khó khăn. Họ không có thời gian để tìm mua sữa công thức. Họ cũng không thể bỏ việc để quay trở về nuôi con bằng sữa mẹ”, bà Stefania Albanesi nói.
Mỹ nỗ lực cải thiện nguồn cung sữa công thức
Theo Bloomberg, áp lực kinh tế từ tình trạng thiếu hụt sữa công thức xảy ra vào đúng thời điểm nước Mỹ đang khủng hoảng lạm phát. Chi phí một loạt các mặt hàng thiết yếu đều tăng phi mã, trong đó giá xăng tại Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, tăng khoảng 50% so với cuối năm 2021.
Xăng tăng cũng đồng nghĩa với việc các bố mẹ sẽ phải tiêu tốn nhiều tiền hơn khi lái xe tìm mua sữa công thức. Áp lực đè nặng lên những hộ gia đình thu nhập thấp như chị Villegas.
“Có lúc chúng tôi không có đủ tiền”, Villegas nói. “Chúng tôi phải cân đo đong đếm giữa việc đổ xăng đi mua sữa hay nhờ người ship chúng về tận nhà”.
Được biết tình trạng thiếu hụt sữa công thức đã bắt đầu nhen nhóm từ khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, sau đó ngày càng trở nên trầm trọng khi tập đoàn sữa Abbott thu hồi một số sản phẩm và đóng cửa nhà máy ở Michigan vào tháng Hai do lo ngại về vấn đề an toàn. Đến 4/6, Abbott tuyên bố sản xuất trở lại và tập trung chủ yếu vào các dòng công thức đặc biệt và chuyển hóa, dự kiến đến tay người dùng vào ngày 20/6 tới đây.
Theo: Bloomberg