Trước đây, các ngân hàng trung ương đánh giá hiện tượng bão giá chỉ là tạm thời nên đã không có nhiều hành động quyết liệt. Tuy nhiên nhiều báo cáo gần đây cho thấy, lạm phát ở các quốc gia hàng đầu châu Âu và châu Mỹ đã lên đến mức kỷ lục trong vòng 5 thập kỷ trở lại đây. Tại Mỹ là 8,3%, Anh là 9%, ở Đức con số này là 7,9%, Tây Ban Nha - 8,5%. Các ngân hàng trung ương đã phải thay đổi quan điểm của mình và có những động thái cứng rắn hơn với việc kiềm chế lạm phát.
Trong nước, theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước.
Trên lý thuyết, trong bối cảnh lạm phát, các ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất để rút bớt tiền trong lưu thông. Các ngân hàng thương mại cũng sẽ bảo vệ người gửi tiền bằng cách tăng lãi suất để đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Điều này cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến các chi phí vốn đầu vào của các doanh nghiệp đi vay.
Vậy khi lạm phát sẽ ảnh hưởng thế nào đến các ngân hàng và doanh nghiệp thời gian tới?
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, lạm phát tăng có thể sẽ kéo theo lãi suất tăng. Biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng cũng vì thế mà có thể không được rộng rãi như trước. Từ đó, tăng trưởng kết quả kinh doanh cũng bị ảnh hưởng. Lạm phát cao không chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng mà còn cả sự phục hồi của các doanh nghiệp sau đại dịch.
Chuyên gia đánh giá, việc sức mua chưa hồi phục cộng thêm chi phí đầu vào tăng cao có thể khiến cho các doanh nghiệp phải cân nhắc rất kỹ về quy mô sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, với tình hình dòng vốn tín dụng không còn quá thoải mái như trước thì chặng đường sắp tới của các ngân hàng và doanh nghiệp cũng có thể sẽ không quá thông thoáng như trước.
Ông Minh cũng nói thêm, lãi suất từ nay đến cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của FED. Nhiều khả năng FED sẽ thắt chặt rất mạnh chính sách tiền tệ của mình trong thời gian tới, dự kiến có thể nâng lãi suất ít nhất là 1,9%.
Thông thường khi lạm phát cao xảy ra, lãi suất các nước mới nổi sẽ tăng rất nóng so với thế giới. Tuy nhiên, hiện tại các quốc gia thuộc khu vực này vẫn đang trong chu kỳ khôi phục và hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch. Nhiều khả năng lãi suất tại đây sẽ không ghi nhận mức tăng quá nóng.
Một điểm tích cực là hiện nay Việt Nam vẫn đủ thặng dư và công cụ để kiểm soát lãi suất không tăng quá nóng, chính sách tiền tệ không bị thắt chặt quá nhanh.
"Dự báo từ nay đến cuối năm lãi suất sẽ tăng thêm 1-1,5% so với mức hiện tại. Vì nó sẽ tăng theo đà tăng của lãi suất thế giới và chúng ta vẫn kiểm soát vĩ mô ổn định" chuyên gia nhận định.