Tranh luận tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng giải thích rõ hơn về việc sử dụng tiền mặt.
Trên thực tế đã có quy định rất rõ về việc sử dụng tiền mặt ngoài thị trường, đặc biệt là các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, từ vụ việc của CTCP công nghệ Việt Á, cơ quan chức năng đã khám xét nhà ở, cơ quan thì có phát hiện cá nhân có 10 tỷ đồng ở trong tủ. Vậy tiền mặt ở đâu mà cá nhân đó có nhiều vậy?
Ngoài ra, có một vấn đề khác khiến hiện nay dư luận quan tâm là một số đại gia sử dụng tiền rất nhiều để mua bán bất động sản, chỉ cần người mua có tiền, người bán đất cần tiền mặt thì trả tiền mặt ngay hoặc thông qua hình thức chuyển khoản.
Vậy có vấn đề gì trong ngành ngân hàng hay không về việc sử dụng tiền mặt nên đề nghị Thống đốc trả lại cụ thể hơn.
Trả lời chất vấn trên, đối với việc sử dụng tiền mặt, Thống đốc NHNN cho rằng, hiện nay trong các quy định hiện hành, những khoản chi tiêu của ngân sách nhà nước cũng đã yêu cầu đối với các khoản trên 20 triệu đồng thì phải thực hiện qua chuyển khoản, không được thanh toán bằng tiền mặt.
Còn đối với các giao dịch khác, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành đang trong quá trình nghiên cứu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quá trình xây dựng quy định mới cũng sẽ xin ý kiến rộng rãi và đánh giá tác động đối với các quy định về vấn đề thanh toán bằng tiền mặt này.
Đối với câu hỏi về phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, chuyển tiền qua biên giới, bà Hồng cho biết, các giao dịch thanh toán qua biên giới phân ra thành rất nhiều loại hình giao dịch.
Những giao dịch vãng lai, như giao dịch về hàng hóa, dịch vụ hay chuyển tiền phục vụ cho mục đích tiêu dùng vãng lai thì các tổ chức, cá nhân được tự do thực hiện. Mỗi ngày, thanh toán loại này nhiều triệu giao dịch.
Đối với các tổ chức tín dụng không thể kiểm soát trước, bởi vì như vậy sẽ ách tắc toàn bộ các giao dịch. Trong các quy định của pháp luật hiện hành yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện kiểm tra những chứng từ. Các tổ chức, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về sự chính xác của chứng từ đó.
Theo lãnh đạo NHNN, hiện đã có quy định về phòng, chống rửa tiền. Tất cả các giao dịch đối với ngoại tệ trên 1.000 USD sẽ được đưa vào hệ thống của giao dịch đáng ngờ. Qua phân tích dữ liệu này nếu như có những trường hợp bất thường, những dấu hiệu nghi ngờ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển cho các cơ quan của pháp luật để điều tra, xác minh.
Còn đối với nhu cầu thanh toán theo lệnh của chủ tài khoản thì các tổ chức tín dụng phải thực hiện thanh toán. Đương nhiên doanh nghiệp và người dân là chủ tài khoản phải nhận thức được những giao dịch nào bị cấm không thực hiện và những giao dịch nào được thực hiện.