Công nghệ

Loạt sai lầm Apple ngầm thừa nhận

Apple đã đưa ra nhiều quyết định thay đổi ngành công nghiệp thiết bị số, như cho ra đời smartphone với màn hình cảm ứng hoàn toàn, loại bỏ cổng tai nghe 3,5 mm... Tuy nhiên, hãng cũng mắc phải một số sai lầm, và thay vì lên tiếng, họ âm thầm khắc phục trong các sản phẩm mới.

iPad có đa nhiệm như PC

iPad chạy iPadOS 16 với khả năng đa nhiệm nhiều cửa sổ. Ảnh: Apple

iPad chạy iPadOS 16 với khả năng đa nhiệm nhiều cửa sổ. Ảnh: Apple

Không ít người dùng bày tỏ sự khó chịu khi iPad chỉ hoạt động như một chiếc điện thoại phóng to, không thể thực hiện đa nhiệm ở mức cơ bản như chạy hai ứng dụng cùng lúc ở hai cửa sổ. Trong khi đó, nhiều máy tính bảng Android hay Windows đã có thể mở song song nhiều cửa sổ.

Trên iPadOS 16 mới ra mắt tại WWDC ngày 6/6, Apple đã thay đổi quan điểm. Hệ điều hành mới đã bổ sung tính năng giúp tablet tiến gần hơn đến chức năng của laptop, khi hỗ trợ hiển thị các ứng dụng ở nhiều cửa sổ khác nhau.

Tuy vậy, đa nhiệm trên iPadOS 16 vẫn bị giới hạn, chỉ áp dụng với một số ứng dụng. Ngoài ra, iPad Pro hay iPad Air chạy chip M mới khai thác được tính năng này.

Hỗ trợ bàn phím, chuột cho iPad

iPad Pro kèm bàn phím. Ảnh: Apple

iPad Pro kèm bàn phím. Ảnh: Apple

Trong suốt gần chục năm từ khi ra mắt, iPad không hỗ trợ chuột và bàn phím. Một số người đã tìm cách mua bàn phím và chuột từ bên thứ ba, nhưng hầu hết không tương thích.

Phải đến 2019 với hệ điều hành iPadOS 13.4, tablet của Apple mới mở rộng khả năng này. Hãng cũng đồng thời kinh doanh bàn phím và chuột. Hiện nay, Apple quảng bá iPad như một thiết bị có thể sử dụng linh hoạt ở hai trạng thái tablet và laptop.

Đưa cổng kết nối cũ trở lại MacBook

Từ MacBook Pro 2016, Apple loại gần hết các cổng kết nối, chỉ giữ lại hai cổng USB Type-C và giắc cắm tai nghe. Hành động này nhanh chóng bị người dùng chỉ trích, bởi họ buộc phải mua thêm phụ kiện nếu muốn dùng các cổng phổ biến khác, như USB-A, HDMI hay khe cắm thẻ nhớ SD.

Các cổng kết nối trên MacBook Pro 2021 M1.

Các cổng kết nối trên MacBook Pro 2021 M1.

Dù bị phản đối, Apple vẫn tiếp tục duy trì thiết kế này. Tuy nhiên, đến thế hệ MacBook Pro 2021 ra mắt cuối năm ngoái, Apple đã ngầm thừa nhận sai lầm và đưa một số cổng trở lại, như cổng sạc MagSafe 3, thêm một cổng USB Type C, bổ sung khe thẻ nhớ SD và HDMI. Thay đổi này khiến MacBook dày hơn một chút, nhưng được xem là sự đánh đổi đáng giá để có được sự tiện dụng.

iPhone màn hình lớn

Năm 2010, khi giới thiệu iPhone 4, nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs nói sẽ chẳng ai muốn mua một chiếc điện thoại cỡ lớn cả. Ông thậm chí gọi Galaxy S của Samsung khi đó là "những chiếc búa" và "tay bạn không thể cầm nó thoải mái". iPhone 4 được trang bị màn hình 3,5 inch, trong khi điện thoại Android 4 inch đã bắt đầu phổ biến.

Các mẫu iPhone đời sau ngày càng có kích thước lớn. Ảnh: Cnet

Các mẫu iPhone đời sau ngày càng có kích thước lớn. Ảnh: Cnet

Sau khi Steve Jobs mất năm 2011, Apple tung ra iPhone 5 dài hơn với màn hình 4 inch. Khi đó, thế giới Android đã có một số model trên 5 inch. Từ đây, cuộc đua kích thước màn hình của iPhone bắt đầu.

Năm 2014, Apple lần đầu giới thiệu iPhone 6 Plus kích cỡ 5,5 inch. Còn hiện nay, iPhone 13 Pro Max đạt kích thước 6,7 inch.

Bút cảm ứng

Năm 2007, khi ra mắt iPhone đầu tiên, Jobs nêu quan điểm của ông về bút cảm ứng: "Ai cần bút stylus chứ? Bạn phải lấy nó ra rồi cất nó vào, có thể làm mất nữa. Không ai muốn bút stylus cả, nên đừng sử dụng thì hơn".

Apple Pencil ngày càng được cải tiến. Ảnh: Apple

Apple Pencil ngày càng được cải tiến. Ảnh: Apple

Một số cựu nhân viên Apple cho biết Jobs rất ghét bút stylus. Thực tế, ngay sau khi trở lại Apple năm 1997, việc đầu tiên ông thực hiện là khai tử PDA Newton - một trong những thiết bị hỗ trợ bút cảm ứng.

Dù vậy, năm 2015, Apple đã ra iPad Pro cùng bút Apple Pencil. Đến nay, chiếc bút này vẫn liên tục được cải tiến và là phụ kiện quan trọng cho nhiều người dùng iPad.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm