Khoa học

Phân loại rác tại nguồn: Luật có hiệu lực nhưng nhiều địa phương chưa làm

Mới thí điểm ở quy mô nhỏ lẻ, chưa nhân rộng

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất ngày 31/12/2024 các địa phương phải thực hiện quy định phân loại chất thải rắn tại nguồn. Để thực hiện quy định này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành một số thông tư và văn bản hướng dẫn kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai ở các địa phương rất chậm trễ.

Tại Hội thảo Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất chiều 3/7 tại Hưng Yên, bà Dương Thị Thanh Xuyến, Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ, trước khi Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực, một số địa phương cũng đã thí điểm phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, do chưa có sự đồng bộ về hạ tầng thu gom, vận chuyển, việc phân loại rác mới thực hiện ở hộ gia đình, dẫn đến các mô hình phân loại rác không bền vững.

Sau khi Luật có hiệu lực với các quy định mang tính bắt buộc, các địa phương đã bắt đầu triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên việc này có rất nhiều khó khăn, thách thức.

Phân loại rác tại nguồn: Luật có hiệu lực nhưng nhiều địa phương chưa làm ảnh 1

Bà Dương Thị Thanh Xuyến, Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ tại Hội thảo chiều 3/7.

Theo thống kê của Cục Môi trường, tính đến trước ngày sáp nhập các tỉnh/thành phố, chỉ có 34/63 địa phương thực hiện phân loại, chủ yếu ở quy mô nhỏ, mang tính thí điểm, chưa được nhân rộng.

Công tác triển khai, phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương cũng chưa đồng bộ, chưa tập trung vào các giải pháp cấp bách để chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Trước thời điểm sáp nhập còn tới 33 địa phương chưa ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đặc biệt, có tới 59 địa phương chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, ngoài Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Lạng Sơn, Long An. Bên cạnh đó, có tới 58 địa phương chưa ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ngoại trừ Đà Nẵng, Gia Lai, Long An, Bình Dương, Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh trong khi đây là những điều kiện rất quan trọng để có thể thực hiện phân loại rác.

Theo bà Xuyến, hiện nay các địa phương còn lúng túng trong áp dụng đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại. Một số định mức, đơn giá áp dụng địa phương chưa phù hợp. Một số địa phương nông thôn, miền núi hoặc hải đảo đòi hỏi phải có định mức, đơn giá đặc thù.

Phân loại rác tại nguồn: Luật có hiệu lực nhưng nhiều địa phương chưa làm ảnh 2

Việc triển khai phân loại rác ở các địa phương còn rất chậm, chủ yếu mang tính thí điểm.

Một số khó khăn, bất cập khác được đại diện Cục Môi trường nêu ra như hạ tầng phục vụ công tác thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đồng bộ với việc phân loại.

Chưa có cơ sở hạ tầng để xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại như cơ sở xử lý tập trung chất thải thực phẩm thành mùn/phân hữu cơ, chưa có hạ tầng để tiếp nhận chất thải có thể tái chế, tái sử dụng, đặc biệt là đối với chất thải thực phẩm. Công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu với 64%.

Muốn phân loại rác phải tính đến đầu ra của rác

Chia sẻ về nguyên nhân của việc các địa phương chưa nhân rộng phân loại rác, bà Dương Thị Thanh Xuyến cho biết, vấn đề cốt lõi là điều kiện hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo đồng bộ từ phân loại, thu gom và xử lý. “Mỗi loại chất thải có một phương pháp xử lý khác nhau theo thứ tự ưu tiên, nếu không có hạ tầng thì không thể phân loại được”, bà Xuyến nói và nhấn mạnh thêm, nếu không đồng bộ hạ tầng, chúng ta chỉ phân loại được rác tái chế.

Một nguyên nhân khác là do các địa phương chưa ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật và đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý. Nguyên nhân của vấn đề này, theo đại diện Cục Môi trường, là do thời gian qua, các địa phương tập trung vào sáp nhập tỉnh, thành phố và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Do vậy, có tâm lý chờ sáp nhập xong mới ban hành vì nếu ban hành trước thì sau sáp nhập cũng sẽ phải điều chỉnh vì không thể để tình trạng một tỉnh có 2-3 đơn giá khác nhau.

Phân loại rác tại nguồn: Luật có hiệu lực nhưng nhiều địa phương chưa làm ảnh 3

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Theo ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, chúng ta đang trong quá trình vận hành bộ máy mới sau sát nhập các tỉnh, thành phố và vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp ở địa phương.

Vì vậy, nhiều nội dung quản lý môi trường cũng sẽ bị tác động và ảnh hưởng, nhưng cần phải sớm có giải pháp giải quyết nhanh chóng.

Một trong những nội dung cần phải quan tâm, thúc đẩy và liên tục thực hiện để không xảy ra tình trạng ùn ứ chất thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo ông Trung, để phân loại rác tại nguồn thành công, biến chất thải thành tài nguyên thì điều kiện tiên quyết phải suy nghĩ đến đầu ra cho chất thải sau khi được phân loại. Chính vì vậy, cần sớm có cơ chế khuyến khích, ưu đãi để hình thành các doanh nghiệp tái chế ngay chính tại địa phương mình, cần sớm hình thành ngành công nghiệp tái chế.

Tại Hội thảo, Cục Môi trường cũng mong muốn chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở từng địa phương để từ đó nhân rộng, áp dụng cho các tỉnh, thành phố có tính chất tương đồng.

Để đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành hàng loạt văn bản pháp luật để hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện công tác phân loại chất thải, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt đáp ứng yêu cầu mới của Luật, ví dụ như: Thông tư số 34/2024/TT-BTNMT ngày 19/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và Thông tư số 36/2024/TT-BTNMT ngày 20/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt); ban hành văn bản Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH (Công văn số 9368/BTNMT-KSON ngày 02/11/2023). Gần đây nhất, ngày 06/5/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Công văn số 1760/BNNMT-MT hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.

Đồng thời nhằm thúc đẩy trách nhiệm tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì của các nhà sản xuất, nhập khẩu, từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế chất thải và hỗ trợ địa phương cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Cục Môi trường cũng đang từng bước triển khai cơ chế EPR, hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế tài chính hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải thực thi chính sách EPR. Dự thảo Nghị định này hiện đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đăng tải công khai để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các bên liên quan

Các tin khác

Vỏ dưa hấu có tác dụng gì?

Dưa hấu là loại quả phổ biến vào mùa hè, không chỉ phần ruột mà phần vỏ của nó cũng có tác dụng nhất định với sức khỏe.

Tăng trưởng 6 tháng cao nhất cùng kỳ 20 năm qua

Ngày 3.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị Chính phủ thường kỳ và hội nghị trực tuyến với lãnh đạo 34 tỉnh, thành và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu sau sáp nhập. Đây là hội nghị đầu tiên sau cuộc 'sắp xếp lại giang sơn' từ 1.7.

AI tiến sâu vào doanh nghiệp: "Nhân viên siêu thị" robot

TP - Đi siêu thị thời nay, khách hàng sẽ được các robot, AI (trí tuệ nhân tạo) phục vụ tận nơi. Từ giới thiệu sản phẩm, phục vụ ăn uống, gợi ý chọn hàng dựa trên sở thích của khách hàng cho đến thanh toán… Những cải tiến này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả vận hành mà còn mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi và hiện đại cho khách hàng.