Theo Báo Chính phủ, chiều 3/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6,Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm gỡ bỏcông cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường.
Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng,báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2025.
Thực tế cho thấy cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng (hạn mức tín dụng) đã được nhà điều hành duy trì suốt trong nhiều năm qua, nhằm kiểm soát chất lượng cho vay cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát.
Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế Khu vực 5”,đại diện NHNN bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết trong năm 2024 NHNN đã có đổi mới trong việc giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Theo đó, nhà điều hành đã gỡ bỏ việc cấp room tín dụng với một số nhóm tổ chức tín dụng và hiện chỉ duy trì room với một số nhóm ngân hàng thương mại trong nước.
Lý giải nguyên nhân vì sao mà chưa bỏ được room tín dụng, đại diện NHNN cho biết do điều kiện thị trường hiện nay chưa cho phép. Cụ thể, thị trường vốn Việt Nam đang trong quá trình phát triển, tín dụng tập trung lên toàn bộ hệ thống ngân hàng trong khi tỷ lệ tín dụng/GDP mức rất cao ( xấp xỉ 130%), các Tổ chức quốc tế cũng có khuyến nghị cần phải giảm.
"Trong điều kiện như vậy, NHNN tiếp tục duy trì việc cấp room tín dụng để đảm bảo thị trường cũng như đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Khi điều kiện cho phép thì chúng tôi sẽ tiến tới xóa bỏ công cụ này, thay thế bằng công cụ khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại họp Chính phủ, ngày 3/7. (Ảnh: VGP)
Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN đảm bảo mức tăng trưởng hợp lý (16%). Ngoài ra, cơ quan này cũng cần chỉ đạo các nhà băng hạ lãi suất cho vay. NHNN được giao nhiệm vụ giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và trình Nghị định 24 sửa đổi về quản lý thị trường vàng trong tháng 7.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng. Mức này tăng 8,3% so với cuối năm ngoái và 18,87% cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất hai năm.
Về mặt điều hành, NHNN cho biết đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất nói chung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng tín dụng.
Về phía các ngân hàng thương mại, đã tích cực thực hiện chỉ đạo của nhà điều hành trong việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo nền tảng tiết kiệm chi phí để có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
"Kết quả là lãi suất cho vay bình quân của các khoản cho vay mới ở mức là 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024", Phó Thống đốc chia sẻ tạihọp Chính phủ.
