Sức khỏe

Não mô cầu gây tử vong trong 24 giờ không chừa ai, ngay cả thanh thiếu niên

Tại sao thanh thiếu niên dễ mắc não mô cầu?

Vi khuẩn não mô cầu dễ lây truyền qua đường hô hấp, bất cứ ai cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ đặc biệt cao ở nhóm thanh thiếu niên. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, thanh thiếu niên là 1 trong 3 nhóm có nguy cơ mắc não mô cầu cao bên cạnh nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 65 tuổi. Một phân tích đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ tổng hợp 184 ca mắc não mô cầu được báo cáo từ năm 2011 - 2023, có 34,2% người từ 13-19 tuổi mắc bệnh. 

Anh 1(11)(1).jpg
 Não mô cầu có biểu hiện ban đầu gồm đau đầu, sốt… nhưng có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ Ảnh: Shutterstock

Tại nước ta, từ đầu năm đến nay, các bệnh viện liên tiếp ghi nhận các ca mắc não mô cầu biến chứng nặng. Như mới đây, Bệnh viện TP. Thủ Đức (TP.HCM) điều trị cho bệnh nhi 13 tuổi bị viêm màng não do não mô cầu. Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị cho 2 bệnh nhân 21 tuổi và 17 tuổi, trong đó bệnh nhân 17 tuổi ở Thái Bình gặp biến chứng viêm cơ tim, nhồi máu não. 74 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được theo dõi. 

Đáng lưu ý, cứ 5 thanh thiếu niên có 1 người mang mầm bệnh mà không hay biết. Theo Hội Y học dự phòng Việt Nam, có đến 10% thanh thiếu niên và người trưởng thành là người lành mang trùng thoáng qua và không có triệu chứng.   

Theo BS. Nguyễn Văn Quảng - Quản lý Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, thanh thiếu niên thường sinh hoạt nơi đông người, thích đi du lịch, di chuyển nhiều nơi khác nhau. Nhóm tuổi này cũng có các hành vi thân mật như ôm, hôn, quan hệ tình dục và sử dụng chung đồ dùng cá nhân… Cộng thêm họ ăn uống thất thường, thức khuya, hút thuốc lá, uống rượu bia… gây suy giảm miễn dịch, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn não mô cầu tấn công.

Anh 2(13)(1).jpg
 Thói quen hút thuốc lá dễ làm suy giảm miễn dịch khiến thanh thiếu niên dễ mắc não mô cầu. Ảnh: Shutterstock

Trong khi đó, nhiều cha mẹ cho rằng, con ở độ tuổi vị thành niên khỏe mạnh sẽ không mắc não mô cầu. Một số phụ huynh nghĩ chỉ tiêm các loại vắc xin có trong tiêm chủng mở rộng là đủ. Vì vậy, họ chỉ quan tâm chủng ngừa cho trẻ có tuổi nhỏ hơn. Điều này đã tạo ra khoảng trống vắc xin cho nhóm tuổi thanh thiếu niên, dễ khiến nhóm tuổi này mắc bệnh. 

Bệnh não mô cầu dễ tử vong trong vòng 24h, chi phí điều trị lớn

Theo BS. Quảng, 9 - 12 giờ sau khi khởi phát, bệnh nhân mắc não mô cầu sẽ xuất hiện các dấu hiệu buồn ngủ, khó thở, tiêu chảy, cứng cổ, phát ban và sợ ánh sáng. Song các triệu chứng sớm như sốt, đau đầu… của bệnh giống cúm, dẫn đến trẻ nhập viện muộn, tăng di chứng và khó điều trị. 

Anh 3(8)(1).jpg

Não mô cầu là bệnh tử, chi phí điều trị lớn. Ảnh: Shutterstock

Thanh thiếu niên mắc bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng thể chất mà còn chất lượng cuộc sống, kết quả học tập, lựa chọn công việc. Một nghiên cứu về bệnh do não mô cầu ở 101 trường hợp thanh thiếu niên tại Anh từ 16-22 tuổi, có 58% gặp các vấn đề như sẹo da, chóng mặt, hạn chế khả năng vận động, rối loạn ngôn ngữ, mất thính lực, cắt cụt chi, co giật. 

Trường hợp không may mắc hai thể phổ biến của bệnh là viêm màng não và nhiễm trùng huyết, người bệnh có thể tử vong chỉ trong 24 giờ. Từ 10-20% trường hợp sống sót gặp di chứng nặng nề như cắt cụt chi, điếc, liệt, chậm phát triển tinh thần…

Anh 4(8)(1).jpg
Não mô cầu để lại nhiều di chứng nếu thanh thiếu niên không may mắc bệnh. Ảnh: Vecteezy

Chi phí điều trị bệnh do não mô cầu cũng tốn kém. Một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, chi phí một ca điều trị do mắc não mô cầu chiếm hơn 80% tổng chi tiêu hàng tháng của mỗi gia đình.

Cách phòng não mô cầu hiệu quả bằng vắc xin

Theo BS. Quảng, cách phòng não mô cầu hiệu quả, tiết kiệm và an toàn nhất được CDC Mỹ, WHO và Bộ Y tế khuyến cáo là tiêm vắc xin. Ngoài tiêm cho trẻ nhỏ, người cao tuổi, trẻ vị thành niên và người trẻ cũng cần chủng ngừa đầy đủ. 

Hiện Việt Nam đã có các loại vắc xin phòng ngừa các nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu phổ biến gồm: vắc xin phòng nhóm A, C, Y, W-135 của Mỹ, nhóm B của Ý và nhóm B, C của Cuba. Các vắc xin tiêm cho trẻ em và người lớn từ 2 tháng tuổi đến 55 tuổi. Mỗi người cần tiêm đầy đủ vắc xin phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu A, B, C, Y, W-135. 

Anh 5(8).jpg
 Tiêm vắc xin phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Mỹ Ngọc

Theo BS. Quảng, từ khi đưa vào sử dụng, vắc xin cộng hợp tứ giá A, C, Y, W-135 phòng viêm màng não do não mô cầu đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở các nhóm huyết thanh chính C, Y và W-135.

Ngoài ra, thanh thiếu niên cũng cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ đúng giờ, thường xuyên vận động, rửa tay, hạn chế thức khuya, tránh sử dụng chất kích thích để phòng mắc não mô cầu. 

Hoàng Chinh

Các tin khác

Tiêu chuẩn AI mới ISO/IEC 42001 lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam

Lần đầu tiên tại Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 42001 dành riêng cho hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có trách nhiệm đã được giới thiệu và phân tích chuyên sâu tại sự kiện “Bức Tường An Ninh Số – Tiêu chuẩn vận hành trung tâm dữ liệu hiện đại” do Go Solutions và LightJSC phối hợp tổ chức ngày 3/7 tại Hà Nội.

Mời chuyên gia Trung Quốc kiểm tra thực địa sầu riêng, gỡ vướng cho xuất khẩu

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, đã mời đoàn chuyên gia của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) sang Việt Nam kiểm tra thực địa chuỗi xuất khẩu sầu riêng vào giữa tháng 7. Đây là bước đi nhằm khôi phục đà tăng cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực này sau giai đoạn chững lại do các rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm.

Phát huy vai trò "kiến trúc sư thể chế"

Chiều 3.7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp giao ban với các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, dự kiến nhiệm vụ trọng tâm tháng 7 và các tháng cuối năm 2025.

Tin xem nhiều