Tài chính

Phó Thống đốc: Tăng trưởng tín dụng đến 26/6 ước đạt 8,3%, mức cao nhất kể từ năm 2023

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà (Ảnh: VGP)

Chiều 3/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết trong nửa đầu năm NHNN đã bám sát các diễn biến thực tế, diễn biến của thị trường, điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Về mặt điều hành, Phó Thống độc cho hay NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất nói chung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng tín dụng.

Về phía các ngân hàng thương mại, đã tích cực thực hiện chỉ đạo của nhà điều hành trong việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo nền tảng tiết kiệm chi phí để có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

"Kết quả là lãi suất cho vay bình quân của các khoản cho vay mới ở mức là 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024", Phó Thống đốc thông tin thêm. 

Về tín dụng, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, NHNN cũng đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vào năm nay là khoảng 16% và có điều chỉnh theo cái diễn biến tình hình kinh tế.

 

Theo đó, cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Một số ngành chính như nông lâm thủy sản chiếm khoảng 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%.

Ngành xây dựng chiếm 7,53%. Trong xây dựng thì có cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng - ngành hàng được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh tín dụng trong thời gian vừa qua. Các ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn là khoảng 23,74%.

Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên thì lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là hai ngành có tỷ trọng lớn. Cụ thể là nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 23,16%. Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 17,51%.

Về tốc độ, hai lĩnh vực ưu tiên là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng cao, gấp đôi so với tốc độ chung. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là 15,69% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%.

Về phía các tổ chức tín dụng đã tích cực giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và của Thủ tướng như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm thủy sản đã tăng quy mô từ 15.000 tỷ lên đến 100.000 tỷ và thực hiện rất tốt và hiệu quả.

"Ngoài ra, các chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên 1 triệu ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được triển khai một cách tích cực", Phó Thống đốc cho biết. 

Theo Phó Thống đốc, một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội hay cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi để mua nhà ở xã hội, hay chương trình gần đây là tín dụng 500.000 tỷ đồng cho một số doanh nghiệp về hạ tầng, công nghệ số, các chương trình tín dụng chính sách được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.

Để thực hiện mục tiêu là vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Đồng thời, nhà điều hành sẽ kịp thời triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.

Các tin khác

Nguyên nhân tiền điện tháng 6 tăng đột biến

Lý giải nguyên nhân tiền điện tăng cao, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, trong tháng 6/2025, sản lượng điện bình quân theo ngày trên toàn địa bàn Hà Nội đạt hơn 90 triệu kWh, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024.

Biển Đông sắp đón áp thấp nhiệt đới

Chiều nay (3/7), một vùng áp thấp vừa hình thành ở khu vực phía đông bắc của đảo Luzon của Philippines, ngay sát Biển Đông. Dự báo trong đêm nay và ngày mai (4/7), vùng áp thấp này có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, hoạt động trên Biển Đông.

TS. Võ Trí Thành: "Xanh hoá là mệnh lệnh sống còn trong cuộc đua phát triển đô thị bền vững"

"Khi áp lực từ thị trường đang tái định hình luật chơi toàn cầu, 'xanh hóa' không còn là khẩu hiệu mà trở thành "chỉ lệnh" sống còn", đây là quan điểm được TS. Võ Trí Thành chia sẻ tại Tọa đàm "Hành trình phát triển đô thị xanh: Giải pháp thiết bị và công nghệ trong xây dựng bền vững ” .