Xã hội

Xét xử vụ án 6 cựu chiến binh kêu oan sau khi ra tù

Niềm tin vào công lý

Theo thông báo ngày 30.6 của TAND TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, phiên tòa xét xử sơ thẩm lại lần 3 đối với 6 cựu chiến binh về tội hủy hoại rừng (khoản 1 điều 189 bộ luật Hình sự 1999, có khung hình phạt lên đến 5 năm tù) sẽ diễn ra vào hôm nay (4.7).

Tuy nhiên, theo quy định mới, bắt đầu từ ngày 1.7, không còn TAND TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông; do đó TAND khu vực 6 - tỉnh Lâm Đồng sẽ là cơ quan xét xử vụ án này.

Theo đó, 6 cựu chiến binh liên tục kêu oan gồm: Đỗ Mạnh Hùng (63 tuổi), Ngân Xuân Dũng (65 tuổi), Vũ Tất Đắc (72 tuổi), Hoàng Văn Sằn (68 tuổi), Nguyễn Nam Thái (58 tuổi) và Cao Minh Điến (57 tuổi, cùng ở H.Đắk Song, Đắk Nông cũ). Ngoài ra, vụ án còn có cựu chiến binh Đoàn Xuân Trường nhưng đã qua đời.

Vụ án gây chú ý vì 6 cựu chiến binh từng bị TAND tỉnh Đắk Nông (nay là TAND tỉnh Lâm Đồng) kết tội hủy hoại rừng với mức án từ 6 - 7 tháng tù. Sau khi ra tù, các cựu chiến binh tiếp tục kêu oan, nên đã được cấp giám đốc thẩm là TAND cấp cao tại TP.HCM lật lại vụ án vào năm 2020.

Xét xử vụ án 6 cựu chiến binh kêu oan sau khi ra tù - Ảnh 1.

Các cựu chiến binh trao đổi với luật sư tại hiện trường vụ án

ẢNH: NGUYỄN ANH

Sau 5 năm được TAND cấp cao tại TP.HCM hủy án vì chưa đủ căn cứ buộc tội, 6 cựu chiến binh lại tiếp tục hầu tòa dù vụ án đã kéo dài suốt 10 năm.

Trước đó, năm 2024, thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ký công văn kiến nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an kịp thời có hướng dẫn để không gây oan sai cho 6 cựu chiến binh.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Hội Cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông, Hội Cựu chiến binh VN đã nhiều lần có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét vụ án. Đồng thời, hội còn cử cán bộ trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho các cựu chiến binh tại phiên tòa.

Ngày 3.7, trước ngày xét xử lại vụ án, 6 cựu chiến binh đã già yếu hơn nhiều so với trước đây. Nếu như trước đó, họ còn đủ sức để lội bộ vào hiện trường thì nay mới đi được một đoạn ngắn là nhiều người trong số họ phải thở dốc, cùng dìu nhau bước đi.

Chờ đợi hồi kết vụ án 6 cựu chiến binh ra tù vẫn kêu oan

Khi được hỏi đã chấp hành án tù xong rồi, tại sao không để vụ án khép lại để ổn định lại cuộc sống, cựu chiến binh Vũ Tất Đắc, 72 tuổi, người hom hem, yếu ớt nói: "Chúng tôi không cho rằng mình có tội. Vì thực tế thời điểm đó không còn rừng, thì không thể nói chúng tôi hủy hoại rừng được. Chúng tôi tin vào công lý".

Còn cựu chiến binh Hoàng Văn Sằn, 68 tuổi, mong mỏi trông chờ vào phiên tòa hôm nay: "Tôi hy vọng chúng tôi sẽ được minh oan, để vụ án sớm khép lại. 10 năm rồi, chúng tôi đã kiệt quệ sức lực. Trường hợp nếu vẫn bị tòa kết tội, chúng tôi sẽ tiếp tục đi kêu oan, không bỏ cuộc".

Bị hủy án vì chưa đủ căn cứ buộc tội

Theo hồ sơ vụ án, tại cuộc họp đầu năm 2015, cho rằng không còn rừng nên ông Đỗ Mạnh Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 6 (xã Trường Xuân, H.Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cũ), đưa ra ý kiến chi hội sẽ phát dọn đất rừng tại lô 3, lô 6, khoảnh 1, tiểu khu 1710 (TP.Gia Nghĩa cũ) để trồng cây keo gây quỹ hoạt động. Tất cả hội viên đồng ý.

Các cựu chiến binh bị cáo buộc trong 2 ngày của tháng 1.2015 và 2 ngày của tháng 4.2015 đã chặt những cây bụi, dây leo, cây gỗ có đường kính từ 10 cm trở xuống và gom lại thành từng đống chờ khô sẽ đốt. Đây là đất rừng do UBND tỉnh Đắk Nông giao Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa (Xí nghiệp lâm nghiệp Nghĩa Tín) quản lý.

Theo kết luận giám định tháng 4.2015 của giám định viên tư pháp Huỳnh Văn Triệu (thuộc Hạt Kiểm lâm TP.Gia Nghĩa cũ), rừng bị hủy hoại 0,98 ha, là rừng sản xuất, thiệt hại hơn 53 triệu đồng.

Cả 2 lần xét xử sơ thẩm, TAND TP.Gia Nghĩa (cũ) tuyên phạt 6 cựu chiến binh với mức án từ 6 - 7 tháng tù. Các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan vì cho rằng thời điểm chặt các cây bụi, dây leo thì trên thực tế đã không còn rừng nên không thể bị buộc tội hủy hoại rừng.

Xét xử phúc thẩm lần 1 (năm 2016), TAND tỉnh Đắk Nông hủy bản án sơ thẩm. Cuối năm 2017, TAND tỉnh Đắk Nông xét xử phúc thẩm lần 2, bác kháng cáo kêu oan của 6 cựu chiến binh, tuyên y án sơ thẩm.

Sau khi ra tù, 6 cựu chiến binh tiếp tục gửi đơn kêu oan khắp nơi.

Vì thế, năm 2020, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm nêu ra 9 vấn đề cho thấy chưa đủ căn cứ buộc tội các bị cáo, nên hủy tất cả các bản án để điều tra lại.

Theo tòa cấp cao, nơi xảy ra vụ án, cơ quan tố tụng xác định là rừng nhưng tại sao xung quanh không phải là rừng? Hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh nơi xảy ra vụ án là rừng, chủng loại rừng theo Nghị định 23, Quyết định 186 năm 2006 của Thủ tướng, và Thông tư 34 năm 2009 của Bộ NN-PTNT. Bởi từ đó mới có cơ sở xác định hành vi của các bị cáo có cấu thành tội phạm hay không.

Ngoài ra, theo điều 189 bộ luật Hình sự 1999, Thông tư liên tịch số 19 và điều 20 Nghị định 157, phải hủy hoại trên 5.000 m2 (đối với rừng sản xuất) mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

6 cựu chiến binh bị cáo buộc chặt, phá rừng trong 4 ngày. Trong đó có 2 ngày của tháng 1.2015 là 4.000 m2. Thế nhưng theo văn bản vào tháng 3.2015 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông (cũ) thì rừng bị thiệt hại 100%. Nghĩa là rừng đã bị hủy hoại 100% trước khi các bị cáo chặt tiếp 2 ngày của tháng 4.2015.

Kết luận giám định không xác định được thiệt hại

Trao đổi về vụ án, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích: "Theo văn bản vào tháng 3.2015 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông thì rừng bị thiệt hại 100%. Như vậy, cơ sở nào để xác định trong 2 ngày của tháng 4.2015, các bị cáo tiếp tục phá rừng? Do đó theo tôi, các cơ quan tố tụng phải làm rõ vấn đề này".

Theo kết luận giám định tháng 4.2015 của giám định viên tư pháp Huỳnh Văn Triệu, rừng bị hủy hoại 0,98 ha, là rừng sản xuất, thiệt hại hơn 53 triệu đồng. Do đó, 6 cựu chiến binh nói trên bị truy tố tội hủy hoại rừng.

Một trong những lý do cấp giám đốc thẩm hủy án vì cho rằng kết luận giám định tháng 4.2015 và tháng 7.2016 đều do ông Huỳnh Văn Triệu ký với tư cách giám định viên tư pháp. Việc giám định lại diện tích rừng bị thiệt hại do cùng một người ký là trái với điều 34 luật Giám định tư pháp 2013.

Luật sư Nghiêm cho rằng, tại điểm b khoản 1 điều 34 luật Giám định tư pháp 2013 quy định các trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp, đó là được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong vụ án vụ việc mà mình đã thực hiện giám định.

Việc giám định thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn cần thiết phải giám định tập thể theo quy định tại khoản 3 điều 28 luật Giám định tư pháp 2013, và việc xác định diện tích rừng bị hủy hoại phải được giám định viên có chuyên môn giám định mới có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, kết luận giám định năm 2022 của Bộ NN-PTNT kết luận: không thể giám định được ranh giới, diện tích rừng, trạng thái rừng bị thiệt hại; không xác định được giá trị rừng bị thiệt hại.

"Kết luận giám định tháng 4.2015 của giám định viên tư pháp Huỳnh Văn Triệu nếu như không đáp ứng được luật Giám định tư pháp 2013 như tôi đã phân tích ở trên, thì theo tôi khó có thể kết tội các bị cáo phạm tội hủy hoại rừng", luật sư Bùi Quang Nghiêm nhấn mạnh.

Các tin khác

AI tiến sâu vào doanh nghiệp: "Nhân viên siêu thị" robot

TP - Đi siêu thị thời nay, khách hàng sẽ được các robot, AI (trí tuệ nhân tạo) phục vụ tận nơi. Từ giới thiệu sản phẩm, phục vụ ăn uống, gợi ý chọn hàng dựa trên sở thích của khách hàng cho đến thanh toán… Những cải tiến này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả vận hành mà còn mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi và hiện đại cho khách hàng.

Cấp xã sau sáp nhập: Quyết định từ ngân sách đến quản lý đất đai

Sau quá trình sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm hàng trăm xã, phường; nhưng quy mô địa bàn, dân số mỗi xã tăng lên đáng kể. Điều này khiến thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã gia tăng hơn, gánh trách nhiệm quản lý hành chính trên phạm vi rộng hơn, dân số đông hơn.

Doanh nghiệp hướng tới các sân chơi mới

TP - Về tác động của thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, việc Hoa Kỳ áp thuế quan không phải là vấn đề mới. Cùng với tự chủ, doanh nghiệp phải sẵn sàng cho các sân chơi mới.

Doanh nghiệp Việt sẵn sàng cho mọi kịch bản

TP - Trước thông tin Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận về thuế đối ứng, dù chưa biết cụ thể về mức thuế suất, song các doanh nghiệp trong nước cho biết đã “thở phào nhẹ nhõm” và sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra.

Cấp xã sau sáp nhập: Quyền nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn

Từ 1.7, luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 có hiệu lực, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), đặt chính quyền cấp xã vào vị trí then chốt, trực tiếp phục vụ, giải quyết các vấn đề thiết yếu của người dân.

4 thực phẩm không nên ăn cùng thịt bò

Thịt bò giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn ngon nhưng nếu kết hợp sai cách với một số thực phẩm có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Vì sao metro TP.HCM thu hút doanh nghiệp tư nhân?

Từng được đánh giá là phân khúc hạ tầng giao thông có nhiều rào cản, kén nguồn vốn xã hội hóa nhất, thế nhưng việc liên tiếp có những doanh nghiệp tư nhân lớn đề xuất làm metro cho thấy các tuyến đường sắt đô thị ở TP.HCM đang trở thành khoản đầu tư hấp dẫn.

Số doanh nghiệp khởi nghiệp cao kỷ lục

Chỉ sau 2 tháng ra đời, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cho thấy sức công phá rất lớn khi tạo ra một số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục.