Hơn 24.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 1 tháng
Trong tháng 6, có hơn 24.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, cao gấp đôi cùng kỳ giai đoạn 2021 - 2024. Đây cũng là con số cao kỷ lục từ trước đến nay.
Đánh giá về con số kỷ lục này, lãnh đạo Bộ Tài chính nhận xét, sau gần 2 tháng triển khai Nghị quyết 68, tình hình đăng ký kinh doanh và hoạt động DN có nhiều dấu hiệu khả quan. Con số này phản ánh làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ. Đáng lưu ý, số DN quay lại hoạt động trong tháng 6 cũng tăng trên 91% so cùng kỳ, đẩy số lũy kế 6 tháng tăng hơn 57%. Lần đầu tiên tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng cao hơn số rút lui. Bên cạnh đó, vốn bổ sung của các DN đang hoạt động tăng hơn 170% so với cùng kỳ năm 2024.
Những con số trên cũng tương thích với sự nhộn nhịp trên thị trường khi hàng loạt dự án tỉ USD đã và đang được khởi công. Đơn cử cuối tháng 6, trước khi về một nhà với đầu tàu kinh tế TP.HCM, tỉnh Bình Dương đã có 2 dự án khu đô thị lớn được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 30.500 tỉ đồng (tương đương hơn 1,2 tỉ USD). Đó là Công ty CP thương mại và du lịch Bình Dương làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị Hồ Gươm Xanh tọa lạc trên trục QL13, tổng mức đầu tư gần 24.000 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD); và dự án Khu đô thị Bcons Bình An Đông Tây do Tập đoàn Bcons làm chủ đầu tư, nằm trên trục đường Thống Nhất, giáp ranh khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM, với vốn đầu tư hơn 6.500 tỉ đồng.

Cần đẩy mạnh chính sách liên kết giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng giá trị gia tăng cao
ẢNH: NGỌC THẮNG
Trong tháng 5, dự án sân golf, biệt thự và khu nghỉ dưỡng mang thương hiệu Trump đầu tiên tại VN được khởi công ở Hưng Yên. Với diện tích khoảng 990 ha, khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu có tổng vốn đầu tư gần 39.800 tỉ đồng, tương ứng hơn 1,5 tỉ USD. Kế đó, dự án Khu đô thị Sun Group tại Vũng Tàu (Blanca City) có tổng vốn đầu tư 37.000 tỉ đồng được khởi công. Giữa tháng 5, dự án Khu đô thị mới phía Tây Bắc TP.Bắc Ninh (khu 1) có tổng đầu tư hơn 41.000 tỉ đồng cũng được phê duyệt, phát triển bởi liên danh Tập đoàn Vingroup và Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển thương mại Thanh Bình, Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Cuộc Sống Mới, Công ty CP Phú Thọ Land.
Trước đó, dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc 30.4, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với tên gọi Vinhomes Green Paradise do Tập đoàn Vingroup đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng (gần 9 tỉ USD) chính thức được khởi công. Vingroup cũng là nhà đầu tư tư nhân lớn, liên tục khởi công các dự án khu đô thị lớn tại Long An (cũ). Sắp tới, dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây (Long An cũ, nay là tỉnh Tây Ninh) do liên danh Vinhomes - VIG làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 90.000 tỉ đồng, sẽ được khởi công xây dựng. Đây là một trong 3 dự án trọng điểm được địa phương chọn khởi công nhân dịp này. Bên cạnh đó là dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Bình Hòa Nam 1 do Công ty TNHH Hoàn Cầu Long An làm chủ đầu tư với tổng vốn 3.900 tỉ đồng.
Đẩy mạnh chính sách tăng "sức đề kháng" cho doanh nghiệp
Báo cáo triển vọng kinh tế VN 2025 được Vietstats công bố hôm nay (4.7) cũng nhấn mạnh, kinh tế tư nhân tiếp tục khẳng định vai trò động lực quan trọng. Đặc biệt, làn sóng khởi nghiệp lan rộng trên toàn quốc, phát đi những tín hiệu phục hồi tích cực. Theo Báo cáo, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường cao hơn số rút lui trong 6 tháng đầu năm cho thấy môi trường kinh doanh đang dần được cải thiện; niềm tin thị trường từng bước được khôi phục. Đặc biệt sau khi các chính sách hỗ trợ, trong đó có Nghị quyết 68 được triển khai quyết liệt và bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý bức tranh DN còn không ít thách thức. Đó là số DN tạm ngừng, chờ giải thể còn khá cao; quy mô DN ngày càng nhỏ phản ánh sự dịch chuyển cơ cấu từ ngành sản xuất truyền thống sang ngành dịch vụ và công nghệ vốn ít thâm dụng lao động và vốn.
So sánh dữ liệu về số DN thành lập mới và rút lui khỏi thị trường trong tháng 5 và 6 cho thấy một bức tranh kinh tế với nhiều gam màu. Nền kinh tế vẫn giữ được sức hút nhất định, đặc biệt ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế, hoạt động chuyên môn, KH-CN. Lực lượng DN tham gia vào lĩnh vực thương mại vẫn rất lớn, tuy nhiên tỷ lệ rút lui ròng ở nhóm này cũng tương đối cao. Thế nên cần đẩy mạnh chính sách nhằm tăng "sức đề kháng" cho DN.
Chuyên gia kinh tế, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, đánh giá các chính sách ở cấp trung ương hiện nay đã thực sự cởi trói và cải cách mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng chưa từng có tiền lệ. Những con số thống kê cập nhật của Bộ Tài chính phần nào phản ánh sự chuyển biến tích cực trong khu vực kinh tế tư nhân. Quá trình cải cách đang đi vào thực chất, trong đó phát triển DN khởi nghiệp sáng tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu theo tinh thần Nghị quyết 68.
Tuy nhiên, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng lưu ý vẫn còn quá sớm để "ngủ quên" trong sự lạc quan. Trong khi trung ương hành động quyết liệt và nhất quán thì ở cấp cơ sở, sự chuyển động lại khá chậm. DN khởi nghiệp hiện vẫn gặp nhiều rào cản về vốn, pháp lý, thuế và khả năng tiếp cận thị trường. Để duy trì đà phát triển, cần khẩn trương triển khai hàng loạt giải pháp thiết thực, như thành lập mới hoặc nâng cấp các quỹ đầu tư công - tư hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt ở cấp quốc gia và địa phương. Các lĩnh vực như thương mại điện tử và công nghệ số cần được ưu tiên.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận định: "Dữ liệu DN cho thấy các ngành truyền thống, vốn là trụ cột của tăng trưởng và tạo việc làm, đang chịu nhiều áp lực. Số DN rời khỏi thị trường vẫn còn ở mức cao. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải cải thiện năng lực điều hành chính sách, nhất là ở cấp chính quyền địa phương, giảm chi phí kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn và đặc biệt là tăng cường niềm tin cho DN trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều bất định".
Cần sớm xây dựng cơ chế để DN lớn đồng hành với địa phương, nhằm thúc đẩy phát triển cụm ngành công nghiệp, đổi mới công nghệ và mở rộng xuất khẩu. Mô hình cụm liên kết ngành, với sự hợp tác giữa DN lớn, DN nhỏ, tổ chức tài chính, cơ sở đào tạo và chính quyền cũng cần được triển khai thí điểm tại các vùng kinh tế trọng điểm. Song song đó, cần đẩy mạnh chính sách liên kết giữa DN lớn và nhỏ, tạo điều kiện để DN nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng giá trị gia tăng cao, đồng thời giúp DN lớn mở rộng hệ sinh thái, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright)