Doanh nghiệp

Thấy gì từ cuộc hồi sinh ngoạn mục của Vietnam Airlines?

Bước ngoặt tái cơ cấu

Trong hành trình đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò then chốt. Tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, không chỉ là yêu cầu chiến lược mà còn là thước đo năng lực quản trị, tính minh bạch và khả năng thích ứng của doanh nghiệp với cơ chế thị trường hiện đại.

Trong số đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines đã có nhiều thành công đáng ghi nhận. Không chỉ bởi sự phục hồi ngoạn mục sau đại dịch Covid-19, mà còn vì đây là một trong số rất ít các doanh nghiệp nhà nước thực hiện thành công quá trình cổ phần hóa và vận hành hiệu quả theo mô hình công ty cổ phần.

Thấy gì từ cuộc hồi sinh ngoạn mục của Vietnam Airlines?- Ảnh 1.

Doanh thu năm 2024 đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam

ẢNH: VNA

Việc chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp nhà nước 100% vốn sang công ty cổ phần đã được Vietnam Airlines thực hiện thành công từ năm 2015, khi chính thức đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Đây là bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của hãng, không chỉ giúp nâng cao tính minh bạch, cải thiện quản trị doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế, mà còn tạo tiền đề huy động vốn xã hội hóa để đầu tư mở rộng, hiện đại hóa đội tàu bay và hạ tầng kỹ thuật. Tính đến năm 2025, sau gần 10 năm hoạt động theo mô hình cổ phần, Vietnam Airlines tiếp tục giữ vững vị thế hãng hàng không quốc gia với quy mô và hiệu quả hàng đầu khu vực, đồng thời vẫn đảm bảo vai trò chủ đạo trong chiến lược kết nối kinh tế - xã hội và giao thương quốc tế của đất nước.

Tuy nhiên, hành trình phát triển của Vietnam Airlines không hoàn toàn bằng phẳng. Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào toàn ngành hàng không toàn cầu, đẩy Vietnam Airlines vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, với lỗ lũy kế kéo dài, âm vốn chủ sở hữu, nợ ngắn hạn và nợ quá hạn lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Trong bối cảnh đó, Vietnam Airlines không những không sụp đổ mà đã vươn lên mạnh mẽ nhờ quyết tâm thực hiện một chiến lược tái cơ cấu toàn diện, từ tài sản, nguồn vốn đến tổ chức bộ máy và phương thức quản trị doanh nghiệp.

Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả vận hành

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt lớn khi Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 112.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 8.000 tỉ đồng. Sản lượng hành khách vận chuyển phục hồi gần như hoàn toàn, đạt 22,75 triệu lượt khách. Những con số này thể hiện kết quả rõ nét của một quá trình tái cấu trúc toàn diện và quyết liệt.

Trọng tâm của quá trình tái cơ cấu chính là việc sắp xếp, tinh gọn và hiện đại hóa tổ chức bộ máy. Vietnam Airlines đã thực hiện việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ tình trạng chồng chéo, sáp nhập các đơn vị trùng lặp nhiệm vụ, cắt giảm các tầng nấc trung gian không cần thiết. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, tổng công ty giảm được 50 đầu mối cấp phòng và 4 đầu mối cấp tập đoàn, trong khi các công ty con cũng cắt giảm hàng chục đầu mối, qua đó giúp tiết kiệm hàng tỉ đồng chi phí.

Thấy gì từ cuộc hồi sinh ngoạn mục của Vietnam Airlines?- Ảnh 2.

Chim lạc - biểu tượng văn hóa trên đôi cánh Vietnam Airlines

Không chỉ dừng lại ở việc sắp xếp lại bộ máy, tổng công ty còn tái định hình bộ máy quản trị theo hướng trao quyền nhiều hơn theo các quy định về phân cấp phân quyền, công việc có người làm và chịu trách nhiệm rõ ràng. Cùng với đó, hãng đã áp dụng mạnh mẽ công nghệ vào điều hành với việc triển khai các hệ thống như quản lý kỹ thuật và phụ tùng vật tư cho đội bay (MRO-IT), hệ thống phục vụ hành khách (PSS), và hàng loạt hệ thống số hóa để tăng hiệu quả công việc.

Công tác nhân sự cũng được tổ chức lại trên cơ sở khoa học và linh hoạt. Vietnam Airlines chủ động điều phối nguồn lực, tái phân bổ phi công, tiếp viên, kỹ sư theo nhu cầu thực tế từng đội tàu bay. Cùng với đó, hãng tiếp tục duy trì hệ thống đào tạo nội bộ đạt chuẩn quốc tế, với 171.000 lượt học viên trong năm 2024, trong đó riêng đào tạo các môn IOSA đã lên tới hơn 114.000 lượt.

Không thể không nhắc đến chiến lược tài chính lành mạnh hóa cấu trúc vốn và quản trị nợ. Hãng đã thực hiện đàm phán cắt giảm và giãn hoãn được 45.000 tỉ đồng, trong đó hơn 1 tỉ USD là giảm tiền thuê máy bay. Năm 2025, Vietnam Airlines đã thông qua và triển khai kế hoạch phát hành tăng vốn thêm 9.000 tỉ đồng sẽ giúp vốn chủ sở hữu của hãng trở về mức dương khoảng 4.400 tỉ đồng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc phục hồi trạng thái tài chính lành mạnh và khả năng niêm yết bền vững trên thị trường chứng khoán.

Không ngừng mở rộng và phát triển bền vững

Vietnam Airlines luôn giữ vững vai trò và sứ mệnh của hãng hàng không quốc gia, đóng góp tích cực cho ngân sách, tạo việc làm ổn định và mang hình ảnh quốc gia vươn tầm ra thế giới. Với hệ thống mạng bay gồm 58 đường bay quốc tế và 38 đường bay nội địa, hãng không chỉ đảm bảo an ninh hàng không, kết nối kinh tế vùng miền, mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng không thế giới.

Trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước đang đối mặt với thách thức chậm cổ phần hóa, trì trệ trong thoái vốn, thiếu linh hoạt trong quản trị và hạn chế đổi mới công nghệ, Vietnam Airlines lại cho thấy khả năng vận hành hiệu quả trong mô hình công ty cổ phần, đồng thời tiên phong ứng dụng công nghệ số, hiện đại hóa bộ máy, quản trị rủi ro và phát triển bền vững.

Từ hành trình của Vietnam Airlines, có thể khẳng định rằng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không chỉ là một quá trình triển khai thực hiện, mà là cơ hội để làm mới toàn bộ phương thức hoạt động, tạo dựng niềm tin thị trường và tăng sức cạnh tranh. Với định hướng phát triển bền vững, tiếp tục tối ưu hóa đội tàu bay, mở rộng mạng bay quốc tế, triển khai các dự án đầu tư trọng điểm tại sân bay Long Thành và tăng cường công tác chuyển đổi số, Vietnam Airlines đang sẵn sàng cho giai đoạn bứt phá mới.

Đây là minh chứng cho thấy nếu được trao quyền tự chủ phù hợp, có thể chế đồng bộ và sự kiên định chiến lược, doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn có thể trở thành lực lượng nòng cốt, dẫn dắt nền kinh tế quốc gia hội nhập và phát triển. 

Vietnam Airlines không chỉ là một hãng hàng không, mà còn là biểu tượng cho khả năng đổi mới, vượt khó và phát triển của doanh nghiệp nhà nước trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Các tin khác

Nhiều bệnh mạn tính được kê đơn thuốc trên 30 ngày

Việc mở rộng thời gian kê đơn thuốc ngoại trú lên tối đa 90 ngày cho một số bệnh, nhóm bệnh nhất định được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho người bệnh và các cơ sở khám chữa bệnh.

Đồng hành cùng con nếu điểm thi không như kỳ vọng

Hà Nội sắp công bố điểm thi lớp 10, mang theo nhiều cảm xúc cho sĩ tử và phụ huynh. Nếu kết quả không như mong đợi, đây là lúc cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý và đồng hành cùng con, giúp con vững vàng vượt qua áp lực và tìm kiếm những hướng đi phù hợp cho tương lai.

Thời điểm nào tập yoga tốt nhất cho cơ thể?

Yoga không chỉ là hình thức tập luyện thể chất mà còn là một phương pháp chăm sóc sức khỏe tâm trí. Một vấn đề đặt ra là để đạt hiệu quả tối ưu thì nên tập yoga vào buổi sáng hay buổi tối.