Xã hội

Cấp xã sau sáp nhập: Quyền nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn

Công chức hướng dẫn tận tình, dân hài lòng

Chiều 3.7, Trung tâm phục vụ hành chính công P.An Đông, TP.HCM đông nghẹt người đến làm các thủ tục về sao y, chứng thực, trích lục hộ tịch, đăng ký kinh doanh…

Vốn là bộ phận một cửa của UBND Q.5 trước đây nên không gian bên trong trung tâm khá rộng rãi, có máy lạnh, nước uống và kẹo cho người dân sử dụng trong lúc ngồi chờ. Vừa mở cửa vào, người dân gặp ngay kiosk bấm số chọn thủ tục cần làm, hoặc hỏi công chức ngồi trực ở bàn hướng dẫn để giải đáp.

Cấp xã sau sáp nhập: Quyền nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn - Ảnh 1.

Cán bộ, công chức Trung tâm phục vụ hành chính công P.An Đông, TP.HCM hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Võ Thành Tới, Phó giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công P.An Đông, cho biết trung tâm bố trí 15 quầy, trong đó các lĩnh vực sao y - chứng thực, tư pháp - hộ tịch và người có công - bảo trợ xã hội có 2 quầy. Bên cạnh đó, nơi đây còn có 2 quầy của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và 1 quầy của Bảo hiểm xã hội nhằm liên thông hồ sơ, giúp người dân không phải đi lại qua nhiều nơi. Ông Tới cho biết 3 ngày đầu vận hành bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, số lượng hồ sơ khá nhiều do phường được nhập lại từ 3 phường cũ, dân số hơn 80.000 người. "Có người dân đến làm trích lục khai sinh cả 20 bản, muốn giấy tờ ký ngày 1.7 vì thấy rằng đây là dấu mốc đặc biệt", ông Tới chia sẻ.

Mô hình 2 cấp với quyền hạn rộng hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn của HĐND, UBND cấp xã, cùng với cơ chế minh bạch ngân sách, chuyển đổi số, tiếp công dân, tiếp nhận chất vấn, tất cả tạo nên một nền hành chính cơ sở gần dân, sát dân, phục vụ dân thực chất.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại nhiều trung tâm phục vụ hành chính công, dù lượng hồ sơ nhiều nhưng công chức hướng dẫn tận tình, tâm trạng chung của người dân khá thoải mái, vui vẻ.

Ông Huỳnh Văn Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nhà Bè, cho biết trung tâm giải quyết 368 thủ tục do UBND TP.HCM ban hành. Trong 3 ngày đầu, trung tâm đón hàng trăm lượt người dân đến làm thủ tục, ngày 1.7 là hơn 500 lượt người. Lý do là xã Nhà Bè tiếp nhận làm thủ tục hành chính cho 4 xã gộp lại, bên cạnh đó một số người dân chờ qua ngày 1.7, khi vận hành bộ máy chính quyền mới, để làm thủ tục hành chính cho dễ dàng, thông suốt. Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nhà Bè bố trí 2 tổ, 1 tổ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp và 1 tổ hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia để giảm tải.

Bên cạnh việc đánh giá hài lòng về phong cách phục vụ tại trung tâm hành chính công, người dân cũng quan tâm về chức năng, thẩm quyền của UBND cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, mô hình lần đầu tiên áp dụng ở VN.

Cấp chính quyền gần dân nhất

Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, từ 1.7 cả nước có 34 tỉnh, TP thuộc Trung ương với 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu.

Cấp xã sau sáp nhập: Quyền nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn - Ảnh 2.

Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nhà Bè, TP.HCM hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính

ẢNH: THÚY LIỄU

Đây là những cấp chính quyền gần gũi nhất với cuộc sống thường ngày của người dân, trực tiếp thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, chứng tử, chứng thực hợp đồng. Đây cũng là nơi tổ chức tiêm chủng, phòng chống dịch, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn hương ước, quy ước thôn xóm; đồng thời cũng là cấp gần nhất khi dân cần cứu trợ, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc trẻ em, người già, người khuyết tật...

Chính quyền địa phương ở cấp xã được tổ chức tinh gọn, chú trọng hiệu năng và hiệu lực. Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã là cơ quan quyền lực nhà nước quyết định những vấn đề quan trọng ở cơ sở. Còn ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã do HĐND cùng cấp bầu, là cơ quan hành chính chịu trách nhiệm tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn mạnh hơn, rõ hơn

HĐND cấp xã không chỉ thực hiện những nhiệm vụ theo luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 mà còn tiếp nhận, phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền từ cấp trên theo các nghị định mới ban hành.

HĐND cấp xã quyết định hầu hết các vấn đề hệ trọng của địa phương, từ xây dựng, phê duyệt quy hoạch phát triển KT-XH, quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách, thông qua chính sách hỗ trợ nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chăm lo giáo dục, y tế, văn hóa, cho tới những quyết sách về an ninh quốc phòng địa bàn.

Ví dụ, trong lĩnh vực tài chính, HĐND cấp xã được quyết định các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; trong quản lý đất đai, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp mình; trong giáo dục, thông qua kế hoạch phát triển giáo dục ở địa phương. Đặc biệt, HĐND cấp xã còn được quyết định các biện pháp phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ.

Cấp xã sau sáp nhập: Quyền nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn - Ảnh 3.

Người dân làm thủ tục xin cấp số nhà tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Hóc Môn, TP.HCM

ẢNH: TRẦN KHA

Điểm mới đặc biệt của luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 nằm ở việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn. Một loạt nghị định hướng dẫn thi hành được ban hành kèm theo đã chuyển giao về cho chính quyền cấp xã nhiều nhiệm vụ trước kia vốn thuộc cấp huyện.

Trong lĩnh vực tài chính, HĐND cấp xã sẽ tự quyết định phân bổ dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quyết định biện pháp huy động nguồn đóng góp từ nhân dân để xây dựng các công trình phúc lợi.

Trong lĩnh vực giáo dục, HĐND xã sẽ thông qua kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, xác định chỉ tiêu đào tạo ở địa bàn mình.

Trong lĩnh vực môi trường, HĐND cấp xã được giao phê duyệt phương án chi trả dịch vụ môi trường rừng, quyết định biện pháp phòng chống ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước.

Trong khi đó, UBND cấp xã, đứng đầu là chủ tịch UBND, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiến pháp, luật pháp, các nghị quyết của HĐND và điều hành toàn bộ hoạt động quản lý hành chính tại xã, phường, đặc khu. UBND cấp xã sẽ chịu trách nhiệm triển khai toàn bộ, báo cáo lại kết quả thực hiện, giải trình trước HĐND và trước dân.

Tổ chức bộ máy tinh gọn, đề cao giám sát, minh bạch

Để bảo đảm tính tinh gọn nhưng vẫn đủ khả năng quyết nghị và giám sát, cơ cấu HĐND cấp xã được quy định rất mạch lạc. Thường trực HĐND cấp xã gồm chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban Kinh tế - ngân sách và trưởng ban Văn hóa - xã hội.

Hai ban chuyên trách sẽ thay mặt HĐND thẩm tra các vấn đề thuộc lĩnh vực mình, làm báo cáo để HĐND xem xét quyết định. Đặc biệt, thành viên thường trực HĐND không được kiêm nhiệm UBND nhằm bảo đảm việc giám sát độc lập.

UBND cấp xã cũng có bộ máy tinh giản hơn, song chủ tịch UBND vẫn phải "ôm trọn" khối lượng công việc rất lớn, trực tiếp điều hành từ việc quản lý đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng, cho tới điều phối hoạt động y tế cơ sở, giáo dục, giữ gìn an ninh trật tự, hòa giải mâu thuẫn tại cộng đồng dân cư. UBND còn có nhiệm vụ tổ chức hội nghị đối thoại với dân, công khai ngân sách, minh bạch các khoản chi tiêu, đấu thầu, mua sắm công.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 tạo hành lang pháp lý rõ ràng để cử tri tham gia giám sát, kiểm tra hoạt động của chính quyền. HĐND phải tổ chức tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo luật định. Đây chính là cơ chế pháp lý cụ thể để bảo đảm việc "chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ dân" đi vào thực tế.

Thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở cấp xã

Theo điều 4 luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, chính quyền cấp xã phải "tổ chức tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động".

Trong đó, UBND cấp xã phải phát triển dịch vụ công trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu đất đai, y tế, an sinh, kết nối với các hệ thống thông tin của tỉnh, của Trung ương để phục vụ người dân minh bạch, giảm thời gian, chi phí, công sức đi lại. HĐND cũng được khuyến khích họp, lấy ý kiến cử tri qua nền tảng số, mở rộng các kênh tiếp nhận phản ánh trực tuyến, tăng tính tương tác.

Đây là bước đi quyết liệt, giúp chính quyền cấp xã không chỉ là "chính quyền giấy" mà sẽ hướng tới "chính quyền số", phục vụ người dân nhanh chóng, minh bạch.

Mô hình 2 cấp với quyền hạn rộng hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn của HĐND, UBND cấp xã, cùng với cơ chế minh bạch ngân sách, chuyển đổi số, tiếp công dân, tiếp nhận chất vấn, tất cả tạo nên một nền hành chính cơ sở gần dân, sát dân, phục vụ dân thực chất.

Các tin khác

Doanh nghiệp hướng tới các sân chơi mới

TP - Về tác động của thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, việc Hoa Kỳ áp thuế quan không phải là vấn đề mới. Cùng với tự chủ, doanh nghiệp phải sẵn sàng cho các sân chơi mới.

Doanh nghiệp Việt sẵn sàng cho mọi kịch bản

TP - Trước thông tin Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận về thuế đối ứng, dù chưa biết cụ thể về mức thuế suất, song các doanh nghiệp trong nước cho biết đã “thở phào nhẹ nhõm” và sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra.

4 thực phẩm không nên ăn cùng thịt bò

Thịt bò giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn ngon nhưng nếu kết hợp sai cách với một số thực phẩm có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Vì sao metro TP.HCM thu hút doanh nghiệp tư nhân?

Từng được đánh giá là phân khúc hạ tầng giao thông có nhiều rào cản, kén nguồn vốn xã hội hóa nhất, thế nhưng việc liên tiếp có những doanh nghiệp tư nhân lớn đề xuất làm metro cho thấy các tuyến đường sắt đô thị ở TP.HCM đang trở thành khoản đầu tư hấp dẫn.

Số doanh nghiệp khởi nghiệp cao kỷ lục

Chỉ sau 2 tháng ra đời, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cho thấy sức công phá rất lớn khi tạo ra một số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục.