Xã hội

Cảnh giác với nạn lợi dụng AI phát tán tin giả

Như Thanh Niên đề cập, tại Tọa đàm "Ứng phó với tin giả trên mạng xã hội như thế nào?" do Báo Thanh Niên tổ chức vừa qua, thượng tá Đỗ Minh Kim, Phó trưởng phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, cho biết từ khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển, các đối tượng lợi dụng để tạo nội dung giả mạo, phát tán tinh vi, có đến 53% tin giả đã có yếu tố AI.

Theo thượng tá Kim, tin giả là một thách thức toàn cầu, tác động trực tiếp và rất lớn đến xã hội. Tin giả làm rối loạn thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận xã hội. Tin giả là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lăng kính bạn đọc: Cảnh giác với nạn lợi dụng AI phát tán tin giả - Ảnh 1.

Cần có những giải pháp công nghệ cụ thể để hỗ trợ người dân nhận diện tin giả

ẢNH: MINH HỌA

Bản chất của tin giả nhiều khi chỉ là một phần sự thật bị lồng ghép ý đồ xấu, gây nhầm lẫn, xoi mói, xúc phạm danh dự cá nhân, ảnh hưởng doanh nghiệp. Nhiều vụ việc đã bị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm.

"Tin giả nào cũng nguy hiểm, nhưng đặc biệt nguy hiểm với nhóm liên quan chính trị, tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp đáng lưu ý nhất vì gây ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo nhận diện, không chia sẻ thông tin vô tội vạ trên mạng", thượng tá Kim cảnh báo.

Làm sao nhận biết?

Đa số bạn đọc (BĐ) tỏ ra băn khoăn vì tình trạng lợi dụng AI để tạo dựng, phát tán tin giả vốn khó nhận biết.

BĐ Minh Nghĩa nêu: "Tác hại của tin giả thì ai cũng hiểu, nhưng tin giả thường được tạo dựng để đánh lừa người khác. Thật khó nhận biết khi hiện nay kẻ xấu còn lợi dụng các phần mềm AI để dựng lên tin giả". BĐ Hoài Trung nhận xét thêm: "Ban đầu là những sản phẩm AI được tạo ra vì tò mò, vì vui, ai cũng biết là do AI tạo ra... Nhưng dần dần, tôi cảm thấy những video AI này ngày càng giống thật, đến mức thông điệp mà chúng truyền tải cũng trở nên khó nhận biết đâu là đùa, đâu là thật hơn. Điều này rất đáng lo".

Nhắc đến tình trạng nhiều đối tượng thuê dịch vụ chuyên nghiệp để phát tán tin giả, nhất là trong ngành nghề có sự cạnh tranh với nhau, để hạ bệ uy tín của doanh nghiệp là đối thủ, BĐ Trịnh Cường cho hay: "Một trong những kỹ năng của các doanh nghiệp hiện nay là nhận biết và chống lại tin giả, nhất là tin giả tạo dựng từ AI". "Không chỉ doanh nghiệp, người dân cũng cần trang bị cho mình kỹ năng phân biệt nội dung AI", BĐ Thủy nhận xét thêm.

Nhờ AI chống AI

Tuy nhiên, việc phân biệt nội dung AI không đơn giản, nhất là với những người dân không thường xuyên tiếp xúc với công nghệ. Nhiều BĐ đề nghị cần phải có những giải pháp công nghệ cụ thể để hỗ trợ người dân nhận diện tin giả.

BĐ Bao Thoa nêu: "Cá nhân tôi không rành về công nghệ AI, đọc các thông tin cảnh báo về nạn lợi dụng AI để phát tán tin giả, tôi cũng lo. Giá như có một phần mềm AI nào đó để giúp tôi phát hiện nội dung AI trên mạng thì hay quá". Tán thành, BĐ Trường Lưu cho rằng tin giả xuất hiện không chỉ vì kẻ gian cố tình tạo dựng, mà còn do người dùng mạng xã hội thiếu kỹ năng phân tích, thiếu đánh giá thông tin; bị tâm lý đám đông dẫn dắt: "Nhiều người chia sẻ tin giả vì tưởng là thật, do thấy nhiều người khác cũng đăng, tạo hiệu ứng ảo".

BĐ The Quang nêu: "Thời buổi công nghệ 4.0, nhiều thông tin sai sự thật bị tạo dựng chỉ vì lợi ích cá nhân, đặc biệt là khi các công cụ AI đang phát triển mạnh. Cơ quan quản lý cần quản lý chặt chẽ và xử lý thật nghiêm những hành vi tung tin sai sự thật, nghiên cứu ứng dụng AI để phát hiện AI, chứ người dân không phải ai cũng phân biệt được".

Nên hợp tác với các tập đoàn công nghệ quốc tế để nhận biết, rà soát nội dung AI. Vì các sản phẩm công nghệ AI phát hành trên những nền tảng xuyên quốc gia.

Trịnh Viết Quân

Đã đến lúc cương quyết hơn nữa, mạnh tay hơn nữa để xử lý kịp thời ,tăng nặng hình phạt, răn đe hiệu quả những hành vi phát tán tin giả.

Ngo Cuong

Có thể xem tin giả như một loại hàng giả, mà tạo dựng bằng AI thì lại đúng là hàng giả.

Thuyet Minh

Các tin khác

Cấp xã sau sáp nhập: Quyết định từ ngân sách đến quản lý đất đai

Sau quá trình sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm hàng trăm xã, phường; nhưng quy mô địa bàn, dân số mỗi xã tăng lên đáng kể. Điều này khiến thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã gia tăng hơn, gánh trách nhiệm quản lý hành chính trên phạm vi rộng hơn, dân số đông hơn.

Doanh nghiệp hướng tới các sân chơi mới

TP - Về tác động của thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, việc Hoa Kỳ áp thuế quan không phải là vấn đề mới. Cùng với tự chủ, doanh nghiệp phải sẵn sàng cho các sân chơi mới.

Doanh nghiệp Việt sẵn sàng cho mọi kịch bản

TP - Trước thông tin Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận về thuế đối ứng, dù chưa biết cụ thể về mức thuế suất, song các doanh nghiệp trong nước cho biết đã “thở phào nhẹ nhõm” và sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra.

Cấp xã sau sáp nhập: Quyền nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn

Từ 1.7, luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 có hiệu lực, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), đặt chính quyền cấp xã vào vị trí then chốt, trực tiếp phục vụ, giải quyết các vấn đề thiết yếu của người dân.

4 thực phẩm không nên ăn cùng thịt bò

Thịt bò giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn ngon nhưng nếu kết hợp sai cách với một số thực phẩm có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Vì sao metro TP.HCM thu hút doanh nghiệp tư nhân?

Từng được đánh giá là phân khúc hạ tầng giao thông có nhiều rào cản, kén nguồn vốn xã hội hóa nhất, thế nhưng việc liên tiếp có những doanh nghiệp tư nhân lớn đề xuất làm metro cho thấy các tuyến đường sắt đô thị ở TP.HCM đang trở thành khoản đầu tư hấp dẫn.

Số doanh nghiệp khởi nghiệp cao kỷ lục

Chỉ sau 2 tháng ra đời, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cho thấy sức công phá rất lớn khi tạo ra một số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục.