Bất động sản

"Thị trường bất động sản có nguy cơ thừa nguồn cung"

Tại diễn đàn về đầu tư bất động sản chiều 3/7, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Cen Group, cho biết thị trường địa ốc đang đối mặt với nguy cơ thừa cung khi chủ đầu tư đổ xô phát triển đại dự án.

Theo ông Vũ, trong thập kỷ trước, thị trường thiếu nguồn cung trầm trọng ở một số phân khúc, nhất là chung cư, khiến giá bị đẩy lên cao. Ông dẫn chứng một dự án tại đường Láng Hạ, quận Đống Đa cũ (nay thuộc phường Đống Đa) từng có giá quanh mức 40 triệu đồng mỗi m2 trong nhiều năm và ít biến động. Vài năm trở lại đây, "rổ hàng" khan hiếm đã đẩy giá bán căn hộ khu vực này vượt 100 triệu đồng một m2, tăng gấp 2,5 lần.

Hiện nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng bùng nổ song giá vẫn leo thang, theo ông Vũ, là nghịch lý trên thị trường. Ông cho biết trước đây, các dự án có quy mô vài trăm đến nghìn ha "được xem là quy mô lớn". Nhưng giờ thị trường xuất hiện rất nhiều siêu đô thị với quy mô vài nghìn ha thậm chí 10.000 ha, "tạo ra cuộc chơi hoàn toàn khác biệt do chủ đầu tư lớn dẫn dắt".

Chủ tịch Cen Group cảnh báo tình trạng cung thừa nhưng giá cao có thể dẫn đến mất thanh khoản vì vượt ngưỡng chi trả của phần đông người dân, khiến người trẻ ngày càng khó có nơi an cư.

"Bài học từ nhiều khu đô thị bỏ hoang tại Trung Quốc và ngay cả trong nước cho thấy dự án xây nhiều nhưng không kéo được dân về ở, tiềm ẩn rủi ro cho thị trường", ông Vũ cho hay.

Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Cen Group, phát biểu tại tọa đàm về đầu tư bất động sản, chiều 3/7. Ảnh: The Leader

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhìn nhận chất lượng thị trường bất động sản hiện nay chưa cao bởi "dễ bị thao túng" dẫn đến tình trạng ảo giá ở nhiều khu vực.

Ông cho hay tại nhiều địa phương, dự án mọc lên rất nhiều nhưng quy hoạch kém chất lượng, dẫn đến xây xong "chỉ cho cỏ mọc, bê tông để mốc", gây lãng phí. Trong khi mặt bằng giá liên tục bị đẩy lên cao, người có nhu cầu ở thực ngày càng khó tiếp cận.

Theo dữ liệu của VARS đến hết quý I, thị trường có khoảng 14.500 sản phẩm chào bán mới, giảm một nửa so với cuối năm ngoái. Trong đó, 58% tỷ trọng thuộc về phân khúc cao cấp, hạng sang, tăng 11% theo năm. Nguồn cung chủ yếu đến từ các đại đô thị ở vùng ven Hà Nội, TP HCM và các tỉnh lân cận.

Tỷ trọng phân khúc bình dân (gồm nhà xã hội) dù được cải thiện, chiếm gần 13% với khoảng 2.000 sản phẩm nhưng vẫn rất ít ỏi so với nhu cầu, ước tính hàng triệu sản phẩm.

Tại Hà Nội, giá bán chung cư sơ cấp đạt trung bình 70,2 triệu đồng mỗi m2, tăng hơn 77% so với quý I/2019. Tương tự, mặt bằng giá căn hộ tại TP HCM khoảng 71,8 triệu đồng mỗi m2, tăng 35% sau 5 năm. VARS đánh giá nguồn cung dự án mới "chủ yếu phục vụ nhóm người có tài chính cao và nhà đầu tư".

Giá nhà tăng mạnh trở thành lực cản với khả năng tiếp cận của phần đông người mua. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc kênh Batdongsan, cho biết mức độ quan tâm bất động sản Hà Nội đã giảm hơn 30% trong tháng 5 và 6 so với mức đỉnh hồi tháng 3. Một số tỉnh từng ghi nhận đợt tăng giá theo thông tin sáp nhập cũng sụt khoảng 36% mức độ quan tâm.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng Trung tâm giao dịch nhà đất do Nhà nước quản lý sẽ là giải pháp quan trọng giúp thị trường bất động sản lành mạnh hơn. Chủ tịch Hội Môi giới cho hay trung tâm này sẽ giúp kiểm soát sự minh bạch khi đưa bất động sản vào kinh doanh, hỗ trợ giải quyết liên thông các thủ tục hành chính trong quá trình giao dịch. Nó cũng được kỳ vọng tạo hiệu ứng tích cực, hạn chế tình trạng lũng đoạn, thao túng, lợi dụng đầu cơ thổi giá.

Trước đó, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết dự kiến trình Chính phủ đề án Trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý. Sau đó, Bộ kỳ vọng Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết thí điểm tại kỳ họp tháng 10, để đề án này có hiệu lực từ 1/1/2026.

 

Các tin khác

Tăng trưởng 6 tháng cao nhất cùng kỳ 20 năm qua

Ngày 3.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị Chính phủ thường kỳ và hội nghị trực tuyến với lãnh đạo 34 tỉnh, thành và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu sau sáp nhập. Đây là hội nghị đầu tiên sau cuộc 'sắp xếp lại giang sơn' từ 1.7.

AI tiến sâu vào doanh nghiệp: "Nhân viên siêu thị" robot

TP - Đi siêu thị thời nay, khách hàng sẽ được các robot, AI (trí tuệ nhân tạo) phục vụ tận nơi. Từ giới thiệu sản phẩm, phục vụ ăn uống, gợi ý chọn hàng dựa trên sở thích của khách hàng cho đến thanh toán… Những cải tiến này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả vận hành mà còn mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi và hiện đại cho khách hàng.

Cấp xã sau sáp nhập: Quyết định từ ngân sách đến quản lý đất đai

Sau quá trình sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm hàng trăm xã, phường; nhưng quy mô địa bàn, dân số mỗi xã tăng lên đáng kể. Điều này khiến thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã gia tăng hơn, gánh trách nhiệm quản lý hành chính trên phạm vi rộng hơn, dân số đông hơn.

Doanh nghiệp hướng tới các sân chơi mới

TP - Về tác động của thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, việc Hoa Kỳ áp thuế quan không phải là vấn đề mới. Cùng với tự chủ, doanh nghiệp phải sẵn sàng cho các sân chơi mới.

Doanh nghiệp Việt sẵn sàng cho mọi kịch bản

TP - Trước thông tin Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận về thuế đối ứng, dù chưa biết cụ thể về mức thuế suất, song các doanh nghiệp trong nước cho biết đã “thở phào nhẹ nhõm” và sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra.

Cấp xã sau sáp nhập: Quyền nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn

Từ 1.7, luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 có hiệu lực, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), đặt chính quyền cấp xã vào vị trí then chốt, trực tiếp phục vụ, giải quyết các vấn đề thiết yếu của người dân.

4 thực phẩm không nên ăn cùng thịt bò

Thịt bò giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn ngon nhưng nếu kết hợp sai cách với một số thực phẩm có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Vì sao metro TP.HCM thu hút doanh nghiệp tư nhân?

Từng được đánh giá là phân khúc hạ tầng giao thông có nhiều rào cản, kén nguồn vốn xã hội hóa nhất, thế nhưng việc liên tiếp có những doanh nghiệp tư nhân lớn đề xuất làm metro cho thấy các tuyến đường sắt đô thị ở TP.HCM đang trở thành khoản đầu tư hấp dẫn.