Vanessa Bohns, giáo sư tại Đại học Cornell (New York) cho rằng đôi khi chúng ta nói đồng ý chỉ vì thấy không thoải mái khi từ chối. Chúng ta luôn muốn được mọi người yêu quý nên thấy tội lỗi nếu làm người khác thất vọng đặc biệt là với gia đình và bạn bè thân thiết.
Chúng ta cũng có thể lo lắng rằng nói không sẽ làm tổn hại một mối quan hệ. Jenny Taitz, một nhà tâm lý học ở Beverly Hills (Mỹ) cho biết nỗi sợ này đặc biệt mạnh do không ai muốn cảm thấy mình bị lạc lõng.
Một số người gặp khó khăn hơn trong việc từ chối, ví dụ người hay lo lắng, người luôn né tránh xung đột. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết mọi người có thể sẽ không khó chịu trước câu trả lời "không" như chúng ta nghĩ. Điều này là do chúng ta có "thiên kiến khắc nghiệt" - niềm tin rằng người khác sẽ đánh giá chúng ta nghiêm khắc hơn thực tế.
Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn nói lời từ chối.
Đừng vội vàng
Chúng ta thường quá lo lắng về tốc độ phản hồi. Chuyên gia khuyên bạn nên tạm dừng trước khi trả lời một lời mời hoặc yêu cầu và tìm ra những gì bạn muốn làm trước. Điều này rất dễ thực hiện nếu đó là email hoặc tin nhắn.
Nếu người đó yêu cầu bạn gặp mặt trực tiếp, hãy dành một chút thời gian trước khi trả lời. Bạn có thể hỏi họ xem bạn có thể liên hệ lại sau không và yêu cầu thêm thông tin để bạn có thể đưa ra quyết định sáng suốt.
Bắt đầu với lời cảm ơn
Tuy nhiên bạn không thể chần chừ mãi được. Khi nhận lại câu trả lời "Không" người khác sẽ thấy dễ chịu hơn nếu bạn thể hiện sự cảm kích đối với yêu cầu hoặc đề nghị của họ, ví dụ "Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã nghĩ đến tôi. Tôi rất muốn, nhưng tiếc là...".
Và bạn sẽ cảm thấy ít tội lỗi hơn khi từ chối nếu bạn tỏ ra tử tế.
Hãy thành thật
Sự thiếu trung thực sẽ khiến một mối quan hệ rạn nứt và khiến bạn cảm thấy lo lắng về việc bị phát hiện.
Taitz nói rằng tốt hơn hết là bạn nên đưa ra một câu trả lời trung thực và lịch sự. Ví dụ "Cảm ơn vì lời mời ăn tối của bạn. Nhưng buổi tối là lúc tôi dành thời gian cho gia đình mình."
Tiến sĩ Taitz nói, ngay cả một yêu cầu khó khăn cũng có thể được trả lời bằng cách tỏ ra trung thực và lịch sự. Giả sử bạn của bạn hỏi rằng liệu cậu ấy có thể mời người em họ đáng ghét của mình đi chơi golf cùng không. Hãy thử trả lời rằng: "Tớ đánh giá cao đề nghị của cậu. Em cậu là một người vui tính, nhưng tớ không chắc em ấy sẽ hòa hợp với mọi người ở đó".
Xoa dịu
Bạn có thể làm điều này bằng cách đề nghị làm việc khác cho người đó. Ví dụ, nếu bạn không thể tham dự đám cưới của một người bạn, bạn có thể đề nghị giúp lập kế hoạch hoặc đơn giản là mời cô ấy đi ăn trưa và tâm sự.
Tiến sĩ Weingart gọi đây là cách "từ chối tích cực" và thường được sử dụng trong các cuộc đàm phán.
Bạn có thể dùng công thức "Có - Không - Có". Nói đồng ý với chính mình trước (bằng cách quyết định ưu tiên thời gian của bạn hơn so với lời yêu cầu). Nói không với yêu cầu. Sau đó tiếp tục bằng một lời đồng ý, chính là lời đề nghị làm việc khác. Nên nhớ đó phải là thứ phù hợp với cả hai bạn.
Giữ vững lập trường
Một số người không chấp nhận câu trả lời "Không". Nếu điều này xảy ra, hãy thử nhắc lại một cách lịch sự những gì bạn đã nói. Bạn cũng có thể cần phải nói: "Tôi cảm thấy bạn đang gây áp lực cho tôi. Xin hãy hiểu lý do tôi thực sự không thể đồng ý".
(Theo WSJ)