Thời sự

Fed có thể dừng tăng lãi suất, Việt Nam được hưởng lợi gì?

Đúng như dự đoán ngày 3/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhất trí nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của Fed kể từ tháng 3/2022 nâng mức lãi suất lên khoảng 5 - 5,25%, cao nhất kể từ tháng 8/2007.

Trong thông cáo sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhận định: “Các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ đè nặng lên hoạt động kinh tế, thuê lao động và lạm phát ”.Các quan chức Fed thì cho biết sẽ đánh giá xem việc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ cứng rắn là cần thiết hay không.

Như vậy, nhiều khả năng Fed có thể sẽ dừng tăng lãi suất. Điều này cũng có tác động tích cực nhất định đến bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam khi không phải "chạy đua" theo Fed.

Việt Nam có thêm dư địa để giảm lãi suất

Các chuyên gia từ bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, việc lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, Fed có thể dừng tăng lãi và tiến tới cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào nửa cuối năm 2023 do gia tăng nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Đây sẽ là yếu tố tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam khi áp lực từ tỷ giá không còn, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Báo cáo từ VNDirect nhận định, đồng USD suy yếu giúp giảm bớt áp lực tỷ giá lên VND. Tính đến ngày 24/04/2023, DXY ở mức 101,5 điểm, giảm 3,6% so với trước sự kiện Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ. DXY giảm kéo theo tỷ giá USD/VND giảm 0,6% so với đầu năm xuống 23.496.

 Dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước tính đạt 92-93 tỷ USD ở thời điểm tháng 4/2023. (Nguồn: VNDirect).

Nhờ áp lực tỷ giá giảm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng dự trữ ngoại hối thêm hơn 6 tỷ USD kể từ đầu năm 2023, nâng tổng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên khoảng 92-93 tỷ USD, gần với mức mục tiêu ba tháng xuất khẩu là khoảng hơn 100 tỷ USD.

VNDirect cho rằng, áp lực tỷ giá giảm trong quý II/23 và dự báo tỷ giá USD/VND dao động trong vùng 23.400-23.700 do Fed có thể dừng tăng lãi suất điều hành. Nhờ việc áp lực tỷ giá không còn lớn và dự trữ ngoại hối đã dồi dào hơn trước, NHNN hoàn toàn có điều kiện để giảm thêm lãi suất.

Các chuyên gia từ VNDirect kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023. "NHNN có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng,…thêm 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2023, xác suất cao là trong quý II/2023", báo cáo từ VNDirect cho biết.

Hiện tại, lãi suất tiền gửi kỳ hạn ba tháng bình quân và kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân giảm lần lượt 51 điểm cơ bản và 19 điểm cơ bản trong kể từ đầu tháng 4/2023. Tính từ đầu năm 2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm gần 50 điểm cơ bản so với mức đỉnh hồi tháng 1/2023.

Lãi suất sẽ giảm từ quý III/2023

 Lãi suất huy động đã giảm mạnh trong tháng 4/2023. (Nguồn: VNDirect).

VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7,0% trong năm 2023 do ba lý do chính: Nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm; Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu FED đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023.

Phát biểu tại talk show Phố Tài chính, ông Trương Quang Bình, Phó Giám Đốc Nghiên Cứu Khối Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, NHNN vẫn còn dư địa để giảm khoảng 1% lãi suất điều hành.

Lạm phát đang hạ nhiệt và tỷ giá cũng đang ổn định hơn, trong khi đó vấn đề lãi suất cao đã khiến cho không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, vì vậy cần giảm thêm lãi suất để tạo sự tích cực cho nền kinh tế.

Mặc dù vậy, các chính sách điều hành bao giờ cũng có độ trễ 3-6 tháng. Do đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chỉ có thể cải thiện từ nửa cuối năm 2023 trở đi”, ông Bình dự báo.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: Hạ An).

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Huân cũng đánh giá, lãi suất sẽ tiếp tục giảm mạnh vào quý III bởi chính sách tiền tệ sẽ luôn có độ trễ khoảng từ một đến hai quý nên phải đến quý III/2023, lãi suất mới có thể giảm mạnh.

Vừa qua NHNN đã giảm 2% lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng đang có động thái để hạ lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất cho vay chưa thể giảm mạnh ngay là bởi trước đó, các ngân hàng thương mại đã huy động lãi suất cao với kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng.

Nguồn vốn giá cao như vậy khiến chi phí vốn của ngân hàng cũng cao, kết hợp với chi phí vốn rẻ ở thời điểm hiện tại (lãi suất 6-7%) khiến chi phí vốn bình quân của ngân hàng vẫn ở mức khá cao.

"Đó là lý do vì sao, lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay được mà phải đến quý III khi lãi suất huy động xuống thấp, lãi suất cho vay có điều kiện hạ thêm mà không gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng", TS. Huân cho biết.

Tuy nhiên, ông Huân không đồng tình quan điểm ồ ạt giảm lãi suất mà cho rằng cần có độ cân nhắc về thời điểm nhất định. "Nếu chính sách tiền tệ quá nới lỏng, lạm phát có thể quay trở lại và gây tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô", ông Huân nói.

Tác động tích cực từ hàng loạt chính sách mới ban hành

Bên cạnh việc hạ lãi suất, các chuyên gia cũng kỳ vọng một loạt chính sách được ban hành sẽ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng. Thông tư 02 và 03 của NHNN được ban hành ngày 23/04/2023 mở ra hành lang pháp lý để ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ và hỗ trợ thanh khoản cho thị trường TPDN.

Đồng thời, Chính phủ cũng mới ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 14/04/2023 cho phép gia hạn thời gian nộp thuế đối với một số loại thuế nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 12/2023/NĐ-CP giúp các doanh nghiệp và hộ kinh doanh giữ lại một phần tiền thuế trong thời gian nhất định để bổ sung nguồn vốn kinh doanh ngắn hạn, qua đó giảm bớt áp lực huy động vốn, tiết giảm chi phí tài chính và lãi vay trong bối cảnh các kênh huy động như tín dụng, TPDN, chứng khoán gặp khó khăn hiện nay.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất GTGT 10% về còn 8% nhằm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng 6 tháng cuối năm 2023 thì số tiền hỗ trợ là khoảng 35.000 tỷ đồng, so với mức 44.000 tỷ đồng trong năm 2022; năm 2022 chính sách giảm thuế VAT được thực hiện kể từ tháng 2/2023.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm