Tài chính

Kết buồn của "phượt thủ" Mark Zuckerberg: Từ "đi nhanh phá vỡ" đến "đi chậm phá hỏng" cả đế chế 600 tỷ USD

Kết buồn của 'phượt thủ' Mark Zuckerberg: Từ 'đi nhanh phá vỡ' đến 'đi chậm phá hỏng' cả đế chế 600 tỷ USD - Ảnh 1.

Trong cuộc họp kéo dài một giờ đồng hồ tại trụ sở Menlo Park, nhân viên Meta đã đặt cho Mark Zuckerberg nhiều câu hỏi. Họ phân vân không biết liệu có nên tin vào khả năng lãnh đạo của vị CEO này.

“Đó là một câu hỏi có lý và công bằng”, Zuckerberg trả lời The Washington Post.

Sự thừa nhận này rất quan trọng đối với Mark Zuckerberg - người chủ đích dùng slogan “đi nhanh và phá vỡ mọi thứ” để mô tả cách mình biến một startup non trẻ trở thành biểu tượng thành công trị giá hơn 600 tỷ USD. Vị CEO này đã dẫn dắt Meta kinh qua nhiều sóng gió dư luận và luôn tin rằng mình đã đúng khi đặt cược vào tương lai.

Tuy nhiên, trước làn sóng sa thải khoảng 21.000 nhân sự cùng khoản đầu tư tốn kém vào thực tế ảo, nhân viên Meta cho rằng Zuckerberg đã đánh mất tầm nhìn và cả niềm tin bất diệt. Hơn nữa, người đàn ông này còn đang đẩy công ty vào một cuộc khủng hoảng tinh thần chưa từng có.

“Meta dường như chuyển từ ‘đi nhanh và phá vỡ mọi thứ’ sang ‘đi chậm và phá hỏng mọi thứ”, một nhân viên cho biết.

Trong khi đó, mảng kinh doanh cốt lõi của Meta, Facebook, đang phải chiến đấu với TikTok để tranh giành người dùng và các nhà tiếp thị. Trí tuệ nhân tạo, thứ đang nhanh chóng cách mạng hóa ngành công nghệ hiện đại, lại không gặt hái được nhiều thành tựu.

Tuần trước, cổ phiếu của Meta bật tăng 13% sau báo cáo doanh thu hàng quý. Dẫu vậy, thông tin nội bộ nói rằng việc sa thải, cùng cam kết cắt giảm chi phí hơn nữa từ Zuckerberg, đã làm lỏng lẻo mọi quyết tâm nội bộ.

Ngay cả cấp lãnh đạo cao nhất cũng đổ lỗi cho Zuckerberg. Trong cuộc họp công ty vào tháng này, Giám đốc Công nghệ Andrew Bosworth chỉ trích Zuckerberg sa đà tuyển dụng bất chấp “sự phản đối” của các lãnh đạo cấp cao. Đáp lại, Mark Zuckerberg cho biết việc cắt giảm tuy đau đớn nhưng vô cùng cần thiết để Meta có một năm hiệu quả.

Kết buồn của 'phượt thủ' Mark Zuckerberg: Từ 'đi nhanh phá vỡ' đến 'đi chậm phá hỏng' cả đế chế 600 tỷ USD - Ảnh 2.

Meta dường như chuyển từ ‘đi nhanh và phá vỡ mọi thứ’ sang ‘đi chậm và phá hỏng mọi thứ.

Theo The Washington Post, Mark Zuckerberg trực tiếp tham gia vào quá trình cắt giảm. Người đàn ông này đã ủy quyền cho một nhóm các giám đốc điều hành hàng đầu, bộ phận nhân sự, pháp lý và tài chính để vẽ lại sơ đồ tổ chức và tìm cách giúp Meta hoạt động hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, Meta đã gặp khó khăn hơn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài sau loạt bê bối, trong đó có việc truyền bá thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử năm 2016. Trong một cuộc khảo sát nhân viên nội bộ vào tháng 10, trước khi bị sa thải, chỉ 31% số người được hỏi tin tưởng rằng lãnh đạo Meta đang đưa công ty đi đúng hướng. Zuckerberg từng hứa công ty sẽ trở lại ổn định sau khi quá trình tái cấu trúc, song không chắc liệu vị CEO này có thể lấy lại niềm tin của nhân viên hay không.

“Điều đặc biệt ở Meta là sự tin tưởng. Chúng tôi thậm chí từng sẵn sàng bảo vệ công ty khi mọi người nói rằng chúng tôi là hiện thân của quỷ”, một nhân viên nói. “Tuy nhiên, điều này đã bị phá vỡ. Nó giống như một sự phản bội vậy”.

Trong nhiều năm, Meta tuyển dụng rất nhiều trong khi các quản lý tham vọng có thể thăng tiến bằng cách đề xuất dự án. Họ tự nhận mình là “người dựng nên đế chế”.

Đúng là Meta đã xây dựng được đế chế cho riêng mình. Trong suốt năm 2020 và 2021, công ty này hưởng lợi từ làn sóng mua sắm trực tuyến. Meta cho biết thương mại điện tử đã trở thành lĩnh vực quảng cáo lớn và mang lại nhiều doanh thu nhất.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào thương mại điện tử vô cùng rủi ro, nhất là khi quảng cáo không còn tạo ra doanh thu bán hàng nữa. Meta theo đó lao vào thực tế ảo sau khi hướng tầm nhìn tới metaverse - thế giới nhập vai mà Mark Zuckerberg cho rằng sẽ trở thành nền tảng điện toán tuyệt vời tiếp theo sau điện thoại di động.

Kết buồn của 'phượt thủ' Mark Zuckerberg: Từ 'đi nhanh phá vỡ' đến 'đi chậm phá hỏng' cả đế chế 600 tỷ USD - Ảnh 3.

Mark Zuckerberg - người chủ đích dùng slogan “đi nhanh và phá vỡ mọi thứ” để mô tả cách mình biến một startup non trẻ trở thành biểu tượng thành công trị giá hơn 600 tỷ USD.

Facebook sau đó được đổi tên thành Meta vào tháng 10/2021. Nhân viên Reality Labs - bộ phận thực tế ảo của Meta vừa vui vừa lo trước sự giám sát ngày càng tăng đối với mảng kinh doanh chưa đạt được thành công về mặt thương mại.

Kể từ khi Meta mua lại công ty thực tế ảo Oculus vào năm 2014, hoạt động đầu tư vào nghiên cứu và phát triển phần cứng bùng nổ. Meta cố gắng xây dựng mọi thứ từ kính thực tế tăng cường VR đến đồng hồ thông minh.

Tuy nhiên, trái ngược với sự kỳ vọng của Mark Zuckerberg, những sản phẩm này không hấp dẫn được người dùng. Người mua cũng không sử dụng chúng thường xuyên.

“Thật đáng buồn, nhóm người tiêu dùng mua nó vào Giáng sinh năm ngoái lại không thực sự ưng ý”, Mark Rabkin nói, đồng thời cho biết khách hàng mong đợi nhiều hơn với Horizon Worlds.

Hơn nữa, vì quá tập trung cải thiện trải nghiệm metaverse cho người dùng, Meta vô hình chung bỏ quên việc phát triển các tựa game cốt lõi, chẳng hạn như Beat Sabre, để phục vụ kính VR. Các hãng như Sony hay Stream tập trung đầu tư song song cả phần mềm và phần cứng, còn Meta thì không.

Kết quả, Reality Labs lỗ hơn 13,7 tỷ USD vào năm ngoái — tăng từ mức lỗ 10,2 tỷ USD vào năm 2021 và 6,6 tỷ USD vào năm 2020. John Carmack, cựu Giám đốc công nghệ Oculus kiêm cố vấn cấp cao cho bộ phận thực tế ảo, đã nghỉ việc vào tháng 12, thất vọng vì không thể khắc phục sự yếu kém trong việc thu hút người dùng.

Kết buồn của 'phượt thủ' Mark Zuckerberg: Từ 'đi nhanh phá vỡ' đến 'đi chậm phá hỏng' cả đế chế 600 tỷ USD - Ảnh 4.

Mark Zuckerberg đưa 1 startup non trẻ trở thành tượng đài thành công 600 tỷ USD nhưng thất bại trong việc giữ tầm nhìn và niềm tin bất diệt

“Chúng tôi có một bộ máy nhân sự cồng kềnh vô lý”, Carmack nói. “Không có cách nào để che đậy điều này”.

Đến đầu năm 2022, sự lạc quan của Meta bắt đầu phai nhạt. Facebook lần đầu tiên mất đi lượng lớn người dùng, trong khi cổ phiếu công ty bốc hơi ¼ giá trị.

Mùa hè năm đó, Zuckerberg và các giám đốc điều hành khác bắt đầu xác định những nhân viên có hiệu suất làm việc thấp nhất, sau đó đóng băng tuyển dụng diện rộng. Thông điệp thẳng thừng từ Zuckerberg đã tạo ra làn sóng lo lắng và phẫn nộ trong bộ máy lao động của Facebook. Các nhân viên lo rằng mình sẽ mất việc, cắt thưởng hàng năm hoặc sống trong một môi trường nội bộ khắt khe hơn.

“Tôi hiểu sai rồi. Đó là một sai lầm lớn,” Zuckerberg nói trong cuộc họp. “Trong tương lai - điều này có nghĩa là gì - chúng ta phải trở thành một công ty tinh gọn hơn và sử dụng vốn hiệu quả hơn”.

Vừa qua, Meta đã thực hiện đợt sa thải thứ 2. Tại trụ sở, Zuckerberg đã đưa ra lời biện hộ mạnh mẽ về lý do người lao động nên ở lại: Không có công ty công nghệ nào có thể mang lại trải nghiệm cho hàng tỷ người giống như cách Meta đang làm. “Tôi hy vọng bạn sẽ tin tưởng những điều chúng tôi đang làm. Đây là một nơi rất đặc biệt”, Zuckerberg nói.

Theo: Washington Post, The Verge

Cùng chuyên mục

Đọc thêm