Kinh doanh

Quán bún, phở ở Hà Nội đồng loạt tăng giá 5.000 đồng/bát

Tóm tắt:
  • Nhiều quán ăn Hà Nội tăng giá 5.000 đồng mỗi bát do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.
  • Thịt lợn tăng 30-40%, thịt bò tăng 10-15%, khiến chi phí vận hành đội lên.
  • Giá thuê mặt bằng đắt đỏ, nhất là khu vực trung tâm, làm chủ quán phải tăng giá bán.
  • Người tiêu dùng hạn chế ăn tiệm, chuyển sang gọi suất nhỏ hoặc ăn ít lại do giá tăng.
  • Quán ăn đẩy mạnh bán online, chia sẻ mặt bằng, thêm món tráng miệng để duy trì hoạt động.

Một quán bún tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa thông báo điều chỉnh tăng giá sau thời gian dài giữ nguyên mức cũ. Theo chủ quán, do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh – đặc biệt là thịt, rau xanh, gas và gia vị – việc tăng giá bán là điều bắt buộc để đảm bảo chất lượng món ăn và duy trì hoạt động.

Quán buộc phải tăng thêm 5.000 đồng mỗi suất. Từ mức phổ biến 30.000 đồng trước đây, hầu hết món trong thực đơn đã được điều chỉnh lên 35.000–40.000 đồng/suất.

Chủ quán bún chia sẻ: “Giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục từ đầu năm. Giá 30.000 đồng/suất hiện không còn phù hợp. Chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá lên để duy trì hoạt động, dù biết sẽ ảnh hưởng đến lượng khách”.

Giá thịt lợn tăng khoảng 30-40% tùy loại so với năm ngoái, thịt bò cũng đắt thêm khoảng 10%. Nhiều mặt hàng khác như dầu ăn, hạt tiêu cũng tăng giá liên tục.

Cách đó không xa, một quán phở cũng treo biển thông báo tăng giá. Theo chủ quán này, trước đây có nhiều loại phở chỉ 35.000 đồng/bát, nhưng nay thấp nhất là 40.000 đồng. 

IMG_7974.jpg
Quán phở tăng giá. Ảnh: D.Anh

Chủ quán cho biết giá thịt bò, xương ninh nước dùng và các loại rau thơm đều tăng mạnh. Riêng giá thịt bò đã tăng từ 10-15% so với cuối năm ngoái. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cùng với chi phí vận chuyển, điện nước khiến các quán ăn buộc phải điều chỉnh thực đơn nếu không muốn chịu lỗ.

Tại một quán phở ở Tây Mỗ (Hoài Đức, Hà Nội), chủ quán thông báo tăng thêm 5.000 đồng cho các món như phở bò tái, tái gầu, tái nạm, nâng giá lên 40.000 đồng/bát. Theo nhân viên cửa hàng, việc tăng giá là cần thiết để duy trì lợi nhuận. Nhờ là quán ăn gia đình, không phải trả chi phí thuê mặt bằng nên trước đây mới giữ được mức giá ổn định trong thời gian dài.

Tình trạng giá cả leo thang không chỉ ảnh hưởng đến người bán mà còn tác động rõ rệt đến thói quen chi tiêu của người tiêu dùng. Nhiều người dân cho biết họ phải cân nhắc kỹ hơn khi ăn uống bên ngoài. “Thấy giá tăng, tôi cũng hạn chế ăn tiệm. Nếu có, tôi sẽ gọi tô nhỏ hoặc ăn ít lại,” anh Hưng, một nhân viên văn phòng chia sẻ.

Bên cạnh nguyên liệu, chi phí mặt bằng cũng là gánh nặng lớn đối với nhiều chủ quán ăn, đặc biệt là ở khu vực trung tâm thành phố. Điều này khiến nhiều quán ăn nhỏ lẻ phải tính đến phương án tăng giá bán hoặc cắt giảm quy mô.

Chủ quán ăn ở Linh Đàm tiết lộ, quán đang phải thuê mặt bằng lên tới 30 triệu đồng/tháng. Chủ nhà liên tục đòi tăng, giá năm sau cao hơn năm trước.

“Khu vực Linh Đàm đông dân, ai cũng tưởng việc buôn bán thuận lợi nên chủ nhà thường xuyên đòi tăng giá thuê. Thực tế thì các quán ăn đang chật vật để tồn tại. Chúng tôi phải xoay sở đủ kiểu để không tăng giá bán mà vẫn phải đảm bảo chất lượng. Doanh thu có xu hướng giảm do lượng khách thắt chặt chi tiêu”, bà nói.

IMG_7852.jpeg
Quán ăn thông báo tăng giá để đảm bảo chất lượng. Ảnh: D.Anh

“Mỗi tháng tôi tốn vài chục triệu đồng chỉ để thuê mặt bằng hơn 30m2, chưa kể điện nước, nhân công. Không tăng giá thì không trụ nổi”, anh Tuấn, một chủ quán ăn ở Thanh Xuân, bộc bạch.

Nhiều chủ quán cho hay nếu giá thuê mặt bằng tiếp tục tăng như hiện nay, họ buộc phải điều chỉnh giá bán để đảm bảo chi phí vận hành. Điều này đồng nghĩa với việc một suất ăn có thể tăng thêm 5.000-10.000 đồng trong thời gian tới.

Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều quán ăn đã tìm cách xoay xở để tồn tại. Một số cửa hàng bắt đầu bán thêm các món tráng miệng như chè, nước giải khát, vừa tăng doanh thu vừa thu hút khách quay lại. Nhiều quán cũng đẩy mạnh bán hàng online qua các ứng dụng giao đồ ăn để tiếp cận thêm nhóm khách văn phòng hoặc người làm việc tại nhà.

Không ít quán ăn còn chọn giải pháp thuê chung mặt bằng để chia sẻ chi phí thuê, hoặc mở thêm địa điểm kinh doanh ở những khu vực có giá thuê rẻ hơn.

Chị Hường (quận Hoàng Mai) tâm sự: “Trước tôi thuê mặt bằng cả ngày để bán bún, giờ hợp tác với người khác để họ bán mì cay buổi tối. Vừa có thêm doanh thu, vừa giảm áp lực thuê mặt bằng”.

Các tin khác

Chủ tịch chi gần 400 tỷ đồng mua cổ phiếu công ty

Ông Phạm Thu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty CP Địa ốc Sài Gòn - chi gần 400 tỷ đồng để mua gần 9,9 triệu cổ phiếu SGR; ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu HQC trị giá gần 83 tỷ đồng.

Dấu hiệu cảnh báo căn bệnh ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn, ai cũng nên biết

Ung thư thực quản là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến và nghiêm trọng. Do ở giai đoạn đầu, các triệu chứng lâm sàng thường không rõ ràng nên đa số thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc giai đoạn tiến xa với tỷ lệ sống trên 5 năm là 20%. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học, đặc biệt là nội soi tiêu hóa, việc sàng lọc phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu đã mang lại nhiều cơ hội chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân.

Người nước ngoài xin lý lịch tư pháp tại Việt Nam thế nào?

Người nước ngoài muốn yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ở Việt Nam phải thuộc 1 trong 2 diện, đó là đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam hoặc đã từng cư trú tại Việt Nam, hiện không còn ở trong nước nhưng có nhu cầu xin cấp phiếu lý lịch tư pháp để sử dụng cho các thủ tục pháp lý ở nước ngoài.

Nhà báo Phạm Hoài Nam ở TP.HCM hơn 20 năm đi ‘viết’ nghĩa tình

Suốt cả một đời làm báo, nhà báo Phạm Hoài Nam (63 tuổi, Báo Sài Gòn Giải Phóng) không chỉ ghi dấu ấn với những tác phẩm báo chí sâu sắc mà còn gieo lại trong lòng bạn đọc hình ảnh một người luôn sống trọn vẹn với hai chữ nghĩa tình.