Phiếu lý lịch tư pháp là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm xác nhận cá nhân nhân đó có hay không có án tích, hoặc có bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án hay không.

Nhiều người nước ngoài đang sinh sống ở TP.HCM cũng đến Công an TP.HCM (địa chỉ 258 Trần Hưng Đạo, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp
ẢNH: TRẦN KHA
Người nước ngoài có thể xin phiếu lý lịch tư pháp số 1 hoặc số 2.
Cụ thể, phiếu lý lịch tư pháp số 1 là loại phiếu cấp cho người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam. Phiếu này ghi các án tích chưa được xóa và không ghi các án tích đã được xóa; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ ghi vào phiếu lý lịch tư pháp số 1 khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là loại phiếu ghi đầy đủ tất cả các thông tin về án tích, kể cả án tích đã được xóa, và việc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.
Phiếu lý lịch tư pháp là văn bản đóng vai trò trung tâm trong việc xác minh tư cách pháp lý và nhân thân của người yêu cầu cấp phiếu này. Phiếu lý lịch tư pháp sử dụng cho nhiều mục đích ví dụ như xin việc, cư trú, kết hôn, đầu tư hay định cư nước ngoài... Loại giấy tờ này vẫn luôn đóng vai trò trung tâm trong việc xác minh tư cách pháp lý và nhân thân của người yêu cầu.
Theo quy định, với người nước ngoài, luật Lý lịch tư pháp năm 2009 và theo hướng dẫn tại Thông tư số 16/2013/TT-BTP, người nước ngoài sẽ được cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Việt Nam nếu thuộc một trong 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất là người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam, tức là những người có thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú do Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an cấp. Đây là các trường hợp phổ biến như lao động nước ngoài có hợp đồng làm việc, nhà đầu tư, người kết hôn với công dân Việt Nam, hoặc đang sinh sống dài hạn tại Việt Nam.
Nhóm thứ hai là người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam, hiện không còn ở trong nước nhưng có nhu cầu xin cấp lý lịch tư pháp để sử dụng cho các thủ tục pháp lý ở nước ngoài ví dụ như xin visa, kết hôn, định cư. Họ có thể cần giấy tờ chứng minh từng cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Đối với nhóm thứ hai này, yêu cầu bắt buộc là phải có giấy tờ chứng minh rõ ràng thời gian và địa điểm từng cư trú hợp pháp tại Việt Nam như xác nhận tạm trú của công an địa phương, hợp đồng thuê nhà, giấy phép lao động cũ hoặc xác nhận từ công ty, tổ chức từng bảo lãnh.
Trước đây, Sở Tư pháp địa phương nơi người nước ngoài đang hoặc đã từng cư trú là cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu nhưng nay việc cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện tại công an tỉnh nơi người nước ngoài đang cư trú hoặc đã từng cư trú.
Xin phiếu lý lịch tư pháp, người nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ gì?
Để thực hiện xin phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm:
- Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp
- Bản sao hộ chiếu hợp lệ (trang có ảnh và thông tin)
- Bản sao giấy tờ chứng minh cư trú tại Việt Nam, nếu đang ở Việt Nam có thể cung cấp thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú còn hiệu lực. Nếu đã từng ở Việt Nam thì cần cung cấp giấy xác nhận của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc hợp đồng thuê nhà, sổ tạm trú…
Ngoài ra, nếu người khác nộp dùm phải có giấy ủy quyền. Người nước ngoài có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên trang dichvucong.gov.vn nếu địa phương có hỗ trợ hình thức này. Chọn cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại nhóm dịch vụ thủ tục hành chính và tiếp tục làm theo hướng dẫn.
Toàn bộ giấy tờ bằng tiếng nước ngoài bắt buộc phải dịch công chứng sang tiếng Việt. Hồ sơ thiếu một trong các tài liệu này sẽ không được tiếp nhận.

Cán bộ Công an TP.HCM đang hướng dẫn người nước ngoài đăng ký trực tuyến cấp phiếu lý lịch tư pháp
ẢNH: TRẦN KHA
Thời gian giải quyết hồ sơ từ 10 đến 15 ngày làm việc (không tính thời gian gửi bưu điện). Trường hợp cần xác minh thông tin liên tỉnh hoặc với các cơ quan tố tụng, thời hạn có thể kéo dài thêm 10 ngày. Mức lệ phí hiện nay khoảng 200.000 đồng/lần cấp.
Lưu ý rằng người nước ngoài chỉ được ủy quyền cho người thân tại Việt Nam làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1. Trường hợp xin cấp lý lịch tư pháp số 2, người nước ngoài phải trực tiếp thực hiện thủ tục tại cơ quan cấp lý lịch tư pháp.
Người nước ngoài xin cấp lại phiếu do mất, hư hỏng hoặc thay đổi mục đích sử dụng phải làm lại hồ sơ nêu rõ lý do trong hồ sơ và nộp lệ phí như bình thường.
Kết quả được cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài cấp dưới dạng phiếu in bằng tiếng Việt.