Ra đời từ đầu 2019 và rộ lên ở Việt Nam cuối 2020, Pi Network trải qua một giai đoạn dài như một ứng dụng điểm danh hàng ngày để nhận tiền ảo miễn phí. Mỗi ngày, người dùng vào ứng dụng Pi Network, xem quảng cáo, bấm nút "tia sét" và đợi số Pi tăng lên. Dù được giới thiệu là tiền điện tử, số Pi này chưa thể sử dụng vào bất cứ việc gì do không thể trao đổi. Mạng chính thức (mainnet) của Pi Network là điều mà nhiều người dùng vẫn đang chờ đợi.
Tròn một năm trước, ngày 29/12/2021, nhóm phát triển Pi Network công bố dự án đi vào giai đoạn mainnet. Động thái này đánh dấu một trong những cột mốc quan trọng với dự án gắn mác blockchain. Tuy nhiên, mọi thứ khi ấy vẫn không có gì thay đổi ngoại trừ việc ví điện tử trong ứng dụng Pi có thêm một mục là Ví Mainnet với số dư bằng 0. Phải đến tháng 7 năm nay, một lượng nhỏ người dùng Pi bắt đầu được trải nghiệm những tính năng đầu tiên của dự án, sau hơn ba năm ra đời.
Giao dịch bằng tiền ảo Pi, mua bán Pi là những những việc đầu tiên có thể làm với đồng Pi sau khi vào mainnet.
Ngày 28/6, Pi Network thông báo dự án thực sự đi vào mainnet, nhưng chia thành hai giai đoạn. Đầu tiên là mainnet kín - tức chỉ có thể chuyển Pi giữa những người dùng ứng dụng với nhau, sau đó đến mainnet mở - có thể trao đổi với các đồng tiền số khác. Đến giữa tháng 7, sau khi ví Pi nhảy lên những số dư đầu tiên, nhiều người đào Pi tại Việt Nam bắt đầu khoe có thể mua đồ bằng tiền ảo này.
Việc mua bán ở "mainnet kín" được thực hiện dựa trên giá đồng thuận, tức bên mua và bên bán tự thỏa thuận về giá trị mỗi Pi và quy đổi hàng hóa. Việc mua bán hàng hóa bằng tiền ảo hiện vi phạm pháp luật tại Việt Nam, nhưng người đào Pi chia sẻ với nhau cách dùng từ "trao đổi" thay vì "thanh toán" để lách luật.
Nguyễn Lương, chủ một cửa hàng máy tính tại Hà Nội, là một trong những người đầu tiên giao dịch bằng Pi. Chiếc máy tính có giá 5 triệu đồng được anh bán với giá 200 Pi. Bên cạnh đó, nhiều người tự định giá Pi có giá hàng nghìn USD.
Cộng đồng cũng xuất hiện hàng loạt dịch vụ như mua bán Pi, trang thương mại điện tử thanh toán bằng Pi, sàn trao đổi Pi. Có giai đoạn, mỗi đồng tiền ảo này được định giá vài USD, nhưng sau đó dần giảm xuống.
Nảy sinh nhiều vấn đề
Ít ngày sau khi cho mua laptop bằng Pi, Nguyễn Lương phải ngừng dịch vụ. Anh từ chối tiết lộ lý do. Tuy nhiên, theo một quản trị viên cộng đồng người dùng Pi, thách thức với những người bán hàng như anh Lương là vấn đề pháp lý. Bên cạnh đó, khi nhận Pi, anh cũng không thể dùng tiền ảo để nhập hàng. "Cách dễ nhất có thể xoay vòng vốn là bán Pi lấy tiền, nhưng điều này có thể vi phạm chính sách của dự án và bị khóa tài khoản", quản trị viên này đánh giá.
Sau những ngày đầu nở rộ, nhiều cửa hàng từ "nhận thanh toán bằng Pi" phải chuyển sang "nhận thanh toán một phần bằng Pi", phần còn lại vẫn trả bằng tiền mặt. Từ đó, tình trạng nâng giá bán sản phẩm lấy Pi, lừa mua Pi giá cao rồi chiếm đoạt xuất hiện nhiều trên các cộng đồng.
Theo quản trị viên nói trên, bài toán chỉ được giải khi cộng đồng Pi đủ lớn, và người dùng sau khi bán hàng lấy tiền ảo có thể mang đồng này đi mua các mặt hàng khác. Tuy nhiên, việc này được đánh giá là "không dễ".
Để có thể thực hiện một giao dịch trên Pi Network, điều kiện cần là các bên phải sở hữu tài khoản hợp lệ, bao gồm được dự án xác nhận danh tính (KYC) và có số dư Pi trên ví. Trong thống kê mới nhất được công bố, Pi Network cho biết họ có khoảng 35 triệu người dùng, năng lực KYC của hệ thống đạt 90.000 người mỗi ngày. Trả lời kênh podcast Crypto 101 tháng trước, nhà sáng lập Nicolas Kokkalis cũng khẳng định hệ thống sử dụng phương thức xác thực kết hợp giữa người và máy, có khả năng KYC cho hàng triệu tài khoản mỗi tháng và tiến tới phục vụ hàng tỷ người. Nhưng thực tế, đến cuối tháng 6, số thành viên được KYC chỉ đạt 1,5 triệu và không có thống kê tới này.
Để xác minh danh tính, người dùng cũng cần gửi ảnh Căn cước công dân, ảnh và video chân dung cho hệ thống, sau đó dữ liệu được chia nhỏ, gửi đến những người đào Pi khác xác thực. Quá trình này tiềm ẩn các nguy cơ về an toàn thông tin.
Pi cũng gặp vấn đề về thu hút người dùng mới. Hồi tháng 3, nhà phát triển thông báo có 33 triệu người dùng, Đến nay, con số chỉ tăng thêm 2 triệu, trong khi nhiều người cũ đã rời bỏ dự án vì không thể chờ đợi. "Nhóm của tôi ban đầu có hơn 50 người, nhưng nay chỉ còn 8 người. Nếu Pi Network không KYC và mở mainnet sớm, những người khác có thể cũng sẽ rời đi", một thành viên bình luận trên trang Twitter của Pi Network.
Theo báo cáo của Similarweb, lượng truy cập website của dự án đang giảm dần đều những tháng gần đây và Việt Nam không còn nằm trong top truy cập. Thống kê của Google Trends cho thấy số người tìm kiếm Pi Network cao nhất vào tháng 7 khi Pi bắt đầu có thể giao dịch. Đến nay, lượng quan tâm đã giảm hơn 80%.
Tương lai của Pi Network
Ngày 26/12, sàn tiền số Huobi thông báo "xem xét niêm yết Pi". Đây là điểm sáng về tiềm năng của Pi khi được một trong những sàn tiền số lớn nhất thế giới quan tâm. Nếu thành công, người sở hữu Pi có thể đưa số dư của mình lên sàn giao dịch để trao đổi với các tiền mã hóa khác. "Với các đề xuất tích cực của cộng đồng Pi Network, Huobi sẽ theo sát các bản cập nhật của Pi Network về việc ra mắt mainnet sắp tới", sàn thông báo.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đây đơn thuần là hoạt động bình thường của các sàn trong quá trình hoạt động. Huobi có thể quan tâm đến cộng đồng người dùng của dự án này hơn là các giá trị về công nghệ, trong bối cảnh mùa đông tiền điện tử như hiện nay.
Trong thông báo tổng kết 2022 và kế hoạch cho 2023 hôm 27/12, nhà phát triển Pi Network khẳng định đã tập trung xây dựng công cụ KYC, triển khai các tiện ích trong hệ sinh thái và thu hút lập trình viên tham gia phát triển ứng dụng cho Pi nhằm chuẩn bị cho tương lai mainnet mở. Tuy vậy, tương tự các thông báo trước đó, dự án không đưa ra một lộ trình rõ ràng hay một mốc thời gian cụ thể.
"Có lẽ tôi sẽ coi Pi như một khoản để dành, chứ không mong có thể sử dụng trong thời gian ngắn sắp tới", Nguyễn Lâm, một người đào Pi ba năm tại TP HCM, chia sẻ.