Bất động sản

Thị trường BĐS “ngóng” kết quả hành động của Tổ công tác Chính Phủ

Việc Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp, đang tạo niềm tin rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư địa ốc.

Chia sẻ trên báo chí mới đây, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, hiện nay, "mạch chung" của nền kinh tế vẫn rất tốt. Sang năm 2023, dự báo Việt Nam vẫn thuộc top triển vọng tích cực ở chỉ số tăng trưởng ổn định và có hạng cao hơn trong khu vực ASEAN. Đồng thời, doanh nghiệp nỗ lực cùng Chính phủ để xây dựng cấu trúc thị trường trái phiếu hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Bên cạnh đó, hành động từ Chính phủ cũng rất quyết liệt. Khi xuất hiện các vấn đề, Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ công tác rà soát khó khăn và hoạt động tích cực. Những động thái từ Chính phủ về mặt thể chế để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cả trong ngắn hạn và cả tầm nhìn dài hạn.

Ông Hiếu cho rằng, kỳ vọng sớm nhất về gói thể chế trong năm 2023 phụ thuộc vào kết quả hành động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội.

Chia sẻ trước đó, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, thị trường BĐS vẫn còn những vấn đề như quỹ đất hạn chế, vấn đề tài chính và pháp lý, dẫn đến giá trị sản phẩm bán ra có xu hướng tăng dần.

Theo TS Khương, trên bình diện của một nền kinh tế, việc Nhà nước thắt chặt tín dụng và lãi suất ngân hàng tăng sẽ ảnh hưởng đến tất cả ngành nghề, bao gồm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng…. Thực tế, thị trường BĐS đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua, do đó vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm.

Để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại, theo TS Khương cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nền kinh tế và tài chính của Việt Nam trong thời gian tới cũng bị tác động rất lớn bởi những ảnh hưởng của biến động trên thế giới như lạm phát, giá hối đoái giữa các đồng tiền ngoại tệ, tình hình khan hiếm của xăng dầu và các bất ổn chính trị-xã hội ở nhiều quốc gia. Ở góc độ tài chính, theo ông những dự án đang dở dang cần phải được giải ngân để tiếp tục quá trình xây dựng, tạo ra nguồn cung mới cho thị trường, không làm khó người mua.

Thị trường BĐS “ngóng” kết quả hành động của Tổ công tác Chính Phủ - Ảnh 1.

Đối với những dự án đã hoàn thành thủ tục pháp lý, đủ điều kiện để đi vay và hoàn thành thì đây cần cân nhắc trong việc cho vay vốn đầu tư. Đối với những dự án chưa đủ điều kiện, các chủ đầu tư cần chờ thêm một thời gian để hoàn tất đầy đủ các thủ tục cần thiết để đảm bảo tính minh bạch của thị trường và quyền lợi của các bên.

“Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản. Tôi hy vọng tổ công tác mới này sẽ đạt được những kỳ vọng của các nhà phát triển bất động sản trong việc tháo gỡ những khó khăn cũng như sự tồn đọng về vấn đề pháp lý của các dự án trong thời gian qua”, TS Khương kỳ vọng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM bày tỏ ông rất vui mừng với những tín hiệu gần đây của Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng… khi có những chuyến công du trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp trình bày khó khăn, vướng mắc và nay thành lập luôn tổ đặc nhiệm trực thuộc Thủ tướng Chính phủ để giải quyết. Cộng đồng doanh nghiệp đều kỳ vọng tổ công tác sẽ được trao “thượng phương bảo kiếm” để có thể xử lý ngay khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nếu phù hợp, đúng pháp luật.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành nhận định tổ công tác lần này gồm lãnh đạo các Bộ và Văn phòng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực BĐS như xây dựng, đất đai, tài chính… nên có đầy đủ hiểu biết, kinh nghiệm cũng như thẩm quyền để giải quyết gần như tất cả khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và địa phương.

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng tổ công tác được giao thẩm quyền giải quyết vướng mắc thay cho Chính phủ, cho các địa phương. Khi nghe địa phương, doanh nghiệp trình bày khó khăn, vướng mắc tổ công tác có thể giải quyết ngay tại chỗ nếu những vướng mắc đó là đúng, là có cơ sở để giải quyết được ngay. Mỗi một tỉnh giải quyết một vài dự án điểm. Sau này không phải thanh tra, kiểm tra đối với các dự án này. Không những vậy, khi các dự án điểm này được giải quyết thì các dự án khác có vướng mắc tương tự cũng sẽ được địa phương giải quyết ngay mà không cần phải lòng vòng hỏi, xin ý kiến Trung ương.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm