Buổi sáng mùa đông cuối năm, ông Nguyễn Đức Minh - nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nutricare bận rộn với các email, cuộc họp. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, công ty sẽ có một lô hàng xuất khẩu. Kế hoạch bước ra thị trường thế giới cần được chính xác và tỉ mỉ trong khi thời điểm cuối năm doanh nghiệp cũng còn nhiều hạng mục phải gấp rút hoàn thành. Cuốn vào vòng xoay công việc nhưng ông Minh luôn giữ cho mình tâm thế của một chuyên gia khoa học - tỉ mỉ, chắc chắn và tin tưởng vào con đường đã chọn.
Thách thức của nhà khoa học làm kinh doanh
Thành lập ngày 18/10/2010, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nutricare hướng đến mục tiêu cải thiện dinh dưỡng toàn diện cho người Việt, không chỉ dừng lại ở những giai đoạn nhất định mà là quá trình chăm sóc dinh dưỡng suốt vòng đời, đặc biệt là dinh dưỡng y học hỗ trợ điều trị. Đây cũng là doanh nghiệp Việt sở hữu danh mục sản phẩm dinh dưỡng đa dạng nhất thị trường.
Là một trong số ít những doanh nhân khởi nghiệp thành công từ vai trò bác sĩ, nhà nghiên cứu, khi theo đuổi con đường sản xuất sản phẩm dinh dưỡng y học, ông Nguyễn Đức Minh thừa nhận khó tìm được tiếng nói chung giữa một người kinh doanh và một người làm khoa học.
Theo CEO Nutricare, nhà khoa học thường bảo thủ với kiến thức mang tính tích lũy và đi sâu trong khi nhà kinh doanh lại thường cởi mở, nặng tính tương tác và lắng nghe nhiều hơn. Tuy nhiên, khi đã có mục tiêu, biết cách thỏa hiệp giữa tư duy kinh doanh và khoa học thì "không gì là không thể".
"Tôi hứng thú và hài lòng với công việc hiện tại, vì vừa thỏa mãn đam mê nghiên cứu vừa đáp ứng được nhu cầu sống của bản thân, tạo được giá trị cho xã hội", ông Minh chia sẻ.
12 năm khởi nghiệp và xây dựng Nutricare, điều khiến ông Nguyễn Đức Minh hài lòng nhất là đem đến cho người dùng những sản phẩm có mức giá sát với giá trị mà chúng có. Sâu xa hơn là đem lại những giá trị tích cực cho cộng đồng. Song, CEO Nutricare vẫn canh cánh trong lòng về thực trạng dinh dưỡng cũng như nhận thức của người Việt về vấn đề này.
Theo ông, Việt Nam đang gặp "gánh nặng kép" về dinh dưỡng. Tức là thiếu dinh dưỡng ở nhóm người bị hạn chế tiếp cận với dinh dưỡng do nhận thức, các điều kiện kinh tế xã hội. Hai là, thừa dinh dưỡng ở nhóm người giàu lên do chuyển đổi lối sống nhanh dẫn đến các bệnh rối loạn chuyển hóa vì cơ thể không thích ứng kịp.
"Nhận thức của người dân về dinh dưỡng cũng chưa thực sự đầy đủ, đôi khi bị ảnh hưởng bởi các thông tin thiếu chính thống, rời rạc, không theo quy chuẩn, thậm chí nhận thức không theo kịp đà phát triển kinh tế xã hội", ông Minh cho biết.
Với sự phát triển và tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, người Việt có nhiều cơ hội tiếp cận lương thực thực phẩm, nhưng lại chưa được chuẩn bị cho sự thay đổi lớn đấy, tức là kiến thức dinh dưỡng "còn cũ", ví dụ chưa nhiều người hiểu về năng lượng cần thiết với thể trạng như thế nào và bao nhiêu là đủ theo lứa tuổi.
Đây là lý do hơn một thập kỷ qua, bác sĩ Nguyễn Đức Minh cùng các cộng sự tại Nutricare không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để phát triển những dòng sản phẩm dinh dưỡng y học đặc trị đa dạng theo độ tuổi và bệnh lý, cùng mức giá phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt.
Đi trước đón đầu với dinh dưỡng y học
Thuật ngữ dinh dưỡng thông thường để chỉ sản phẩm chế biến sẵn, chứa đầy đủ chất bổ, vitamin, khoáng, thành phần chức năng... hỗ trợ cuộc sống nói chung và đối tượng nào cũng có thể sử dụng. Trong khi đó, dinh dưỡng y học phức tạp hơn, mang tính cá thể hóa, được xây dựng cho đối tượng cụ thể và phục vụ người có nhu cầu đặc biệt hoặc cho một bệnh lý cụ thể. Ví dụ sản phẩm dinh dưỡng y học cho trẻ thấp còi, sản phẩm cho người trưởng thành, nhất là nhóm bệnh đang có nguy cơ gia tăng như: ung thư, tiểu đường, loãng xương, gan, thận, tuyến giáp...
"Nghiên cứu sản phẩm dinh dưỡng y học tại Việt Nam không hề dễ dàng khi là lĩnh vực mới mẻ", ông Minh khẳng định.
Lý giải về nhận định này, ông cho biết, việc đào tạo về dinh dưỡng trong các trường đại học Việt Nam chỉ xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, trong khi Mỹ đã thực hiện điều tra quốc gia về lĩnh vực này hơn 100 năm qua. Đây cũng là ngành hẹp, thuộc dinh dưỡng và là ngành khó nhất.
Tại Việt Nam, đào tạo về dinh dưỡng y học còn khá mới nên nhân sự, cũng như chương trình đào tạo chỉ đáp ứng được một phần. Do thiếu nguồn lực nên khi đi vào hoạt động gần như các doanh nghiệp như Nutricare phải đào tạo lại, gửi ra nước ngoài hoặc mời chuyên gia về đào tạo.
Thách thức thứ hai là tỷ lệ người biết về dinh dưỡng y học còn khá thấp, nhận thức của người dùng về vấn đề này cũng không cao. Ông Minh cho rằng, hầu hết người Việt chưa ý thức được vai trò cũng như cách cải thiện sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng. Ngoài ra, ngành công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực này trong sản xuất cũng chưa đầy đủ, không đáp ứng được các trường hợp cần phân tích phức tạp.
Là doanh nghiệp tiên phong trong dinh dưỡng y học tại Việt Nam, Nutricare ngay từ đầu đã xác định đặt chỉ tiêu chuyên môn của sản phẩm theo tiêu chuẩn của các nước phát triển. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy, trang thiết bị cao cấp để tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu khắt khe. Cụ thể, hệ thống máy móc được đặt sản xuất bên Thụy Điển, được tư vấn và lắp đặt bởi các chuyên gia nước ngoài. Hệ thống công nghệ cũng không ngừng được nâng cấp, đổi mới.
"Chúng tôi đầu tư những trang thiết bị tiêu chuẩn cao, thậm chí một cái máy trong chuỗi sản xuất cũng có giá vài triệu đô-la, tương đương đầu tư một nhà máy, phải đặt từ bên nước ngoài về", ông Minh tiết lộ.
Doanh nghiệp này còn tổ chức hợp tác sâu rộng với các cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài, gửi cán bộ đi cập nhật thông tin. Công ty cũng có những nhân viên thường trú ở một số nước trên thế giới để nắm bắt các thông tin một cách nhanh và sớm nhất.
Mục tiêu duy trì đà tăng trưởng hai con số
Là lĩnh vực non trẻ nhưng ông Nguyễn Đức Minh nhận định dinh dưỡng y học tại Việt Nam là nhu cầu tất yếu và sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Sau 12 năm hoạt động, Nutricare liên tục duy trì đà tăng trưởng 40%. Trong giai đoạn dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn đạt tăng trưởng ở mức hai con số. Điều này đã chứng minh được vai trò của doanh nghiệp trong việc tác động đến nhận thức của người dùng về dinh dưỡng y học.
Tính đến hết tháng 11, doanh nghiệp này đã hoàn thành 90% kế hoạch năm, tăng trưởng vượt bậc so với năm 2021. 2022 là năm thứ hai liên tiếp Nutricare có mặt trong bảng xếp hạng Fast 500 với thứ hạng 115/500 doanh nghiệp, đồng thời là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực sản xuất chế biến và kinh doanh sữa, các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam.
Trước đó, Nutricare đã mở được vùng nguyên liệu mới ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc - nơi có thổ nhưỡng tốt, khí hậu mát mẻ quanh năm, bò sữa được nuôi theo hình thức chăn nuôi tự nhiên, được đảm bảo nguồn thức ăn sạch. Hai nhà máy sản xuất ở phía Bắc tiếp tục được đầu tư, là tiền đề để mở rộng ra phía Nam và chuẩn bị cho giai đoạn mở rộng quy mô lớn hơn trong tương lai. Lực lượng nhân sự cũng đảm bảo đáp ứng với quy mô.
Doanh nghiệp này cũng đang đi đến giai đoạn cuối của hoạt động ký kết với đối tác nước ngoài, bước vào sản xuất để kịp những lô hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên trong năm 2023. Song song đó, ông Minh vẫn thúc đẩy các hợp tác về khoa học công nghệ với các quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chia sẻ về chiến lược hoạt động thời gian tới, CEO Nguyễn Đức Minh đặt ra ba kế hoạch mục tiêu. Thứ nhất, tập trung vào các sản phẩm dinh dưỡng y học mang tính đặc trị, đặc hiệu. Thứ hai, chuyên biệt hóa mạnh hơn, xác định phân khúc để tăng trưởng rõ ràng, cố gắng tối ưu chi phí xuống mức tối thiểu mà vẫn đảm bảo chất lượng. Mục tiêu là tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhóm có thu nhập ở mức độ trung bình. Thứ ba, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng hạ tầng hiện có, tăng diện tích sử dụng của khu vực sản xuất; cải tiến công nghệ, lắp đặt trang thiết bị mới để nâng gấp đôi công suất của nhà máy.
Dự báo về năm 2023, CEO Nutricare cho biết, đây tiếp tục là một năm khó khăn với nền kinh tế, nhưng ông và doanh nghiệp đã chuẩn bị cho kịch bản xấu. Vị lãnh đạo này tin tưởng, GPD Việt Nam vẫn sẽ nằm trong top tăng trưởng của thế giới ở mức 5-6%. Khi đó, doanh nghiệp cũng có những điều kiện thuận lợi để đạt kế hoạch mục tiêu.
"Tập trung vào dinh dưỡng y học, phát triển sản phẩm mang tính đặc trị, tái cấu trúc doanh nghiệp, mở rộng cơ sở hạ tầng, liên kết hợp tác quốc tế, chúng tôi sẽ nỗ lực khẳng định vị thế của một doanh nghiệp hàng đầu về dinh dưỡng y học tại Việt Nam", ông Nguyễn Đức Minh chia sẻ thêm.