Chị Trúc Anh (28 tuổi, ở Nam Định) kể, đến bây giờ chị vẫn chưa hết ngượng khi nhớ lại sự cố mà cô con gái bốn tuổi gây ra Tết năm ngoái.
Bố mẹ chồng chị đều là lãnh đạo, ai đến chúc Tết cũng mừng tuổi cho bé Mít, cháu nội duy nhất của ông bà. Khách đến, ban đầu Mít còn rụt rè ngồi ở sofa xem phim hay chơi trong phòng. Thấy mọi người đến, ai cũng tìm mình mừng tuổi, cô bé dạn dĩ hơn và coi đó là thủ tục đương nhiên.
"Buổi chiều, khách đến chơi là con bé chạy ra đứng cạnh họ, mắt hướng lên nhìn như chỉ chờ bao lì xì. Mẹ gọi thế nào cũng không chịu vào", chị Trúc Anh kể. Đỉnh điểm, một vị khách thấy Mít chạy lại nhìn mình nên rút bao lì lì khỏi túi. Cô bé bốn tuổi giật lấy, chạy đi. Xấu hổ, Trúc Anh kéo con lại mắng, yêu cầu xin lỗi khách. Mít giận dỗi, khóc toáng lên, vứt bao lì xì xuống đất. "Tôi như muốn độn thổ. Chẳng biết làm gì ngoài việc xin lỗi người ta. Thực sự tôi cũng bất ngờ", chị nói.
Gia đình anh Hùng Mạnh (32 tuổi, ở Thanh Hóa) cũng "không biết giấu mặt vào đâu", khi con gái gặp ai cũng đòi tiền mừng tuổi. Năm ngoái, một vị khách là người quen của gia đình đến nhà chơi, lì xì một lượt bốn đứa trẻ đang chơi ở sân nhà. Vì bé Min đến sau nên khách không để ý.
Thấy ai cũng có phần mà mình chẳng có, cô bé 6 tuổi chạy đến đòi. Vị khách phì cười, vội rút bao lì xì ra, còn vợ chồng anh Mạnh thì mặt đỏ bừng vì ngại. Nhận xong, Min vẫn chưa hài lòng: "Còn em cháu đang ở trong nhà nữa chú ạ". "Úi trời, con bé này khôn thế", khách thốt lên, đưa thêm cho Min một bao đỏ.
Cô bé chạy về phía mẹ, đưa hai bao lì xì: "Con kiếm được phần cho em luôn. Mẹ cầm lấy này". Anh Mạnh và vợ chỉ còn biết cười gượng gạo. Anh vào trong phòng, nhét thêm hai tờ 200.000 đồng vào bao đỏ, mừng cho hai con của khách để đỡ ngại.
"Bình thường mẹ dặn cháu được mừng tuổi thì để mẹ nhét heo đất cho. Con bé bảo sẽ dành tiền đó mua bộ Elsa nó thích nên hăm hở nhận lì xì", anh Mạnh kể, thừa nhận trước đó không nói với con về ý nghĩa và cách nhận tiền mừng tuổi sao cho lịch sự.
Chung cảnh ngộ với anh Mạnh, chị Trúc Anh là vợ chồng chị Hà An (36 tuổi, ở Hà Nội). Mùng Ba Tết, họ đến nhà sếp của chồng chị chơi. Vì không gửi được bé Tủn, 6 tuổi cho ai, anh chị đành đưa con đi cùng. Họ tới nơi đúng lúc một vị khách đang mừng tuổi cho con sếp. Nhìn thấy Tủn đứng đó, người lạ rút một bao lì xì nhỏ hơn tặng cậu bé. Hai đứa trẻ, vốn đã chơi với nhau từ trước, cùng chạy ra xích đu trước nhà mở bao lì xì.
"Sao của cậu lại nhiều hơn của tớ nhỉ?", Tủn thảng thốt hỏi khiến những người ngồi trong nhà đều nghe thấy. Người khách vừa mừng tuổi đỏ mặt tía tai, vợ chồng chị Hà An phải vờ như không nghe thấy.
Nhưng hai đứa trẻ không kết thúc mọi chuyện như vậy. Tủn mếu máo chạy vào kể với mẹ, còn con trai sếp thì cầm hai bao đỏ đến thắc mắc với khách. "Chắc bác nhầm, để bác đổi lại nhé", người này gượng cười. Bọn trẻ vui vẻ kéo nhau ra sân chơi tiếp.
"Cả sếp, anh khách kia và hai vợ chồng đều khó xử, nhưng không biết nên làm thế nào cho phải. Giá như bỏ được cái tục mừng tuổi đi thì đỡ gặp cảnh oái oăm hơn bao nhiêu'', chị Hà An nói.
Chuyên gia văn hóa Nguyễn Thị Hồng kể từng gặp những đứa trẻ xé bao lì xì trước mặt người mừng tuổi cho chúng rồi chê ít. Buồn vì hành động đó, nhưng bà cho rằng mừng tuổi là một mỹ tục của Việt Nam, với ý nghĩa trao cho nhau những điều tốt đẹp nên cần đưa nó về đúng bản chất, thay vì bỏ.
"Những đứa trẻ hành động như vậy là sản phẩm của giáo dục không đầy đủ. Vẫn còn những cha mẹ dùng tiền làm thước đo cho mọi giá trị, làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của con trẻ", bà nói.
Chị Trúc Anh thừa nhận vợ chồng mình thiếu tinh tế trong cách dạy dỗ con. Năm ngoái, bé Mít mới ba tuổi, chưa biết nhiều về tiền bạc nên ai đến mừng tuổi đều đưa vào tay vợ chồng chị. Cuối ngày, chị Trúc Anh đổ tiền ra đếm, bình luận với chồng năm nay ít, nhiều hơn các năm thế nào. Lúc đó, bé Mít vẫn ngồi cạnh mẹ.
"Con mỗi lúc một lớn, thế mà khi bé nói muốn mua gì, chơi gì, tôi lại bảo 'mẹ không có tiền', hay thỉnh thoảng hai vợ chồng than với nhau chuyện túng tiền. Có lẽ vì thế con thích tiền'', chị kể.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng cha mẹ, trường học, các tổ chức xã hội và văn hóa.... nên giáo dục cho trẻ hiểu ý nghĩa của tục mừng tuổi, cách nhận lì xì ngày Tết như thế nào để lịch sự, đẹp lòng người cho đi.
Đồng quan điểm, tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (Hà Nội) cho rằng tục mừng tuổi có từ xa xưa, mang ý nghĩa cầu mong sức khỏe, may mắn đến với người già, trẻ nhỏ.
''Người Việt xưa quan niệm đặt một đồng xu bằng bạc dưới gối trẻ hoặc người già sẽ giúp họ tránh gió, phòng bệnh tật. Vì vậy mà tục lì xì xuất hiện'', bà Hương nói.
Ngày nay, mừng tuổi trở thành phong tục không thể thiếu mỗi dịp Tết. Vì vậy, để tránh gặp phải cảnh oái oăm cho mình lẫn khách, bà Hương đưa ra 5 điều cha mẹ cần dạy trẻ từ ba tuổi trở lên trước mỗi dịp Tết: nói với trẻ về ý nghĩa của tục mừng tuổi; dạy con cách thưa gửi, chào hỏi khi khách đến nhà hoặc đi chúc Tết; dạy con cách cảm ơn khi nhận phong bao, dạy con không xé phong bao trước mặt khách và cuối cùng là dạy con cách sử dụng những đồng tiền hợp lý sau Tết.
Về cách chào hỏi: khi đến nhà người khác hoặc khách đến nhà năm mới, trẻ cần chào hỏi hoặc chúc Tết khách. Ví dụ: Cháu chúc ông/bà/cô/chú năm mới khỏe mạnh và may mắn ạ. Với những câu chúc này, trẻ sẽ đem niềm vui đến cho mọi nhà.
Về cảm ơn: Cha mẹ cần dặn con nói lời cảm ơn khi nhận mừng tuổi. Những câu cảm ơn lễ phép sẽ khiến mọi người hài lòng.
Dạy con không xé bao lì xì trước mặt khách: Cha mẹ có thể dặn con những đồng tiền được tặng để xua đuổi cái xấu, mang lại may mắn khi con ngủ nên không được xé ra. Con có thể gửi mẹ cầm giúp hoặc cha mẹ chuẩn bị cho con chiếc túi nhỏ để đựng phong bao. Khi về nhà, con cần cho phong bao đó vào một chiếc túi và đặt dưới gối. Tết kết thúc, thường là lúc hạ cây nêu hoặc gia đình làm lễ hóa vàng, cha mẹ giúp con mở bao lì xì và gom tiền.
Dạy con cách sử dụng tiền: Nếu con đã đến tuổi sử dụng tiền (thường từ lớp 3 trở lên), cha mẹ cần dạy con sử dụng hợp lý số tiền lì xì đó. Cách đơn giản là yêu cầu con lên kế hoạch sử dụng, tham khảo trước giá cả, lập bảng chi phí cụ thể.
Sau khi bố mẹ đã kiểm tra tính hữu ích, mức giá tiền hợp lý, cách mua đồ, cách sử dụng... mà thấy hợp lý thì có thể cho con tiêu số tiền đó. Cha mẹ cho con đến cửa hàng, tự chọn đồ và tự trả tiền. Việc này sẽ giúp con hiểu thêm giá trị đồng tiền và cách sử dụng
Khi nhận ra những hành động của con là bản năng, con sai là do mình, vợ chồng chị Trúc Anh, anh Mạnh và chị Hà An, dạy lại con như gợi ý của chuyên gia.
''Tôi thấy con hiểu chuyện và biết cách cư xử hơn. Cứ trước Tết cả chục ngày thì vài ngày tôi lại nhắc với con lại một lần như ghim vào suy nghĩ, để khi gặp tình huống nhận mừng tuổi, con thực hành được ngay'', chị Trúc Anh nói.
Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.