Chứng khoán

Nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng tiền mặt lớn liệu có nên tiếp tục ‘đứng ngoài’ thị trường sau giai đoạn hồi phục

Mặc dù năm 2022 chưa kết thúc nhưng có thể khẳng định, năm vừa qua là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau khi VN-Index tạo đỉnh lịch sử hồi đầu tháng 1, chỉ số gần như đã sụt giảm liên tục trong cả năm với mức giảm cao nhất từ đỉnh xuống đáy tổng cộng khoảng 43% (từ 1,536 điểm về 874 điểm).

Hai năm 2020 & 2021 “đại thành công” càng khiến mức sụt giảm trên khó “nuốt trôi” với những nhà đầu tư (NĐT) còn đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao. Có thể nói, chỉ những NĐT phân bổ tỷ trọng tiền mặt lớn mới có thể tận hưởng cảm giác thoải mái, an nhàn trong giai đoạn vừa rồi, trái ngược hoàn toàn với những NĐT nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn hồi phục với mức tăng lên gần 20% từ đáy chỉ sau hơn 4 tuần. Trước tình hình này, liệu nhóm NĐT phân bổ tỷ trọng tiền mặt lớn có nên tiếp tục đứng ngoài thị trường? Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin hỗ trợ nhà đầu tư trong việc đưa ra quyết định của mình.

Đội ngũ chuyên gia TCBS đã thực hiện đo lường mức độ điều chỉnh và thời gian của 14 đợt giảm giá mạnh nhất của chỉ số VN-Index (giảm từ 15% trở lên) kể từ năm 2010 đến nay để xác định khoảng thời gian bình quân của những đợt thị trường sụt giảm mạnh. Kết quả thu được thể hiện ở bảng 1 dưới đây.

Bảng thống kê mức giá đỉnh, đáy và đỉnh tiếp theo thị trường từ năm 2010 đến nay. 

(*) Thị trường hiện tại (16/12/2022 – thời điểm thực hiện bài nghiên cứu) trải qua 12 tuần giảm từ ngày 26/08/2022 (mức sụt giảm 33%) đã có nhịp phục hồi kéo dài 4 tuần. Nguồn: TCData

Theo bảng trên, khoảng thời gian sụt giảm kéo dài lâu nhất chính là thời điểm năm 2011. Trong năm này, thị trường trải qua 2 đợt giảm rất mạnh từ tháng 1/2011 đến tháng 8/2011, tạm thời phục hồi trong 5 tuần sau đó lại tiếp tục đà giảm đến tận tháng 1/2012. Tổng thời gian giảm giá của 2 đợt giảm này là 44 tuần và mức giảm tổng cộng ~60%. Trong khi đó, khoảng thời gian thị trường giảm giá kết thúc nhanh nhất là khi thị trường điều chỉnh ở mức 17% trong giai đoạn tháng 1/2021 với chỉ vỏn vẹn 2 tuần.

Thống kê tần suất số tuần giảm giá trong các lần thị trường điều chỉnh mạnh từ 2010. Nguồn: TCData.

Còn nếu xét đến khoảng thời gian giảm giá trung bình của những đợt thị trường điều chỉnh giảm mạnh, số tuần giảm giá bình quân ở mức khoảng 14 tuần. Đồ thị tần suất thống kê (Hình 2) cũng cho thấy thời gian thị trường điều chỉnh sâu tập trung trong khoảng 10-18 tuần. Lưu ý rằng thị trường tại thời điểm hiện tại (16/12/2022) cũng đi qua đợt sụt giảm kéo dài 12 tuần từ ngày 26/08/2022, nằm trong khung thời gian thường thấy nhất của các đợt điều chỉnh mạnh.

Sau những đợt thị trường giảm giá mạnh như vậy, VN-Index thường phục hồi rất tốt, thậm chí là mở ra những giai đoạn “uptrend” kéo dài mang lại lợi nhuận lớn cho NĐT. Từ thống kê ở Bảng 1, mức tăng thấp nhất là 13% trong 7 tuần và mức tăng mạnh nhất là 136% kéo dài trong 2.5 năm. Rõ ràng, đây là những cơ hội “bằng vàng” sau những nhịp sụt giảm thê thảm của thị trường, xét đến việc thị trường Việt Nam mới có dấu hiệu hồi phục trở lại trong vòng 2 tuần gần đây.

Như vậy, NĐT không nên quên lý do cơ bản nhất tại sao chúng ta tham gia vào đầu tư cổ phiếu, đó chính là để tham gia vào xu hướng đi lên dài hạn của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.

Nếu tính đến việc thị trường đã có đợt giảm giá mạnh gần nhất từ tháng 8/2022 ở mức 33%, NĐT thành công trong việc bảo toàn tài sản của mình có thể cân nhắc về việc trở lại thị trường, tìm hiểu sẵn những mục tiêu tiềm năng, định giá hấp dẫn (P/B < 1), tránh việc “ngồi im” tận hưởng “chiến thắng đã qua”. Tuy nhiên, NĐT cần có những đánh giá phân tích độc lập và hạn chế rủi ro bằng việc tham gia đầu tư với tỷ trọng vừa phải ở giai đoạn này.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm