Bất động sản

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM kể về 18 cuộc họp chuyên đề của Chính phủ và giấc mơ “Tôi có thể mua nhà bằng lương” của người Việt trẻ

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM kể về 18 cuộc họp chuyên đề của Chính phủ và giấc mơ “Tôi có thể mua nhà bằng lương” của người Việt trẻ - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Thị trường bất động sản thực ra khó khăn từ tháng 7/2015, khó từ pháp lý đến tín dụng

Trước những nhận định cho rằng thị trường bất động sản tăng nóng trong các năm 2020 – 2021, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) bày tỏ: “Thực ra không phải. Thị trường bất động sản khó khăn từ 1/7/2015 đến nay, bởi từ đó đã vướng về pháp lý”.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Dự báo Kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2023” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Châu cho biết rất nhiều dự án mà các doanh nghiệp trong hiệp hội không được công nhận là chủ đầu tư.

“Rất nhiều chủ đầu tư bỏ tiền mua cả trăm héc-ta đất nhưng không được công nhận chủ đầu tư vì không có đất ở 100%. Phải mất 5 năm đấu tranh, tới năm 2020, chúng tôi mới xin sửa lại thành “đất ở và các loại đất khác”, tức “đất khác” dính “đất ở” thì được công nhận chủ đầu tư. Khó khăn lắm!”

“Cho nên, chúng tôi mới khắc họa lại: Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản là khó khăn do vướng mắc các quy định về pháp luật. Tức là vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của thị trường”, ông Châu đúc kết.

Một khó khăn nữa ông Châu cho biết là cũng từ mốc 1/7/2015 đến nay, vẫn chưa bố trí được nguồn tiền hỗ trợ của ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất để mua được nhà ở xã hội với lãi suất mà Thủ tướng đã ký là 4,8% từ năm 2022 trở về trước và 5% bắt đầu từ năm 2023 (tăng một chút do có lạm phát).

“5% là mức lãi suất quý lắm so với lãi suất vay ngoài. Vừa rồi các bạn vay mua nhà ở xã hội mà lãi suất thấp nhất là 9% ở một ngân hàng quốc doanh, các nơi khác không được vậy. Mà lẽ ra, chỉ phải trả 4,8%. Nhưng thiếu nguồn đó…”

“Chúng tôi còn đề nghị một chính sách cho các bạn trẻ mới lập nghiệp, mới kết hôn. Các bạn ấy chỉ cần một phòng riêng có toilet, có cái bếp, vầy là đủ. Phòng đó có thể 20m2 hay 25m2, thậm chí chỉ cần 10m2 cũng được, nhưng cần hỗ trợ về vốn để mua căn nhà đầu tiên. Chúng tôi kiến nghị đến giờ vẫn chưa xong”, ông Châu cho biết.

18 cuộc họp chuyên đề của Chính phủ và giấc mơ “Tôi có thể mua nhà bằng đồng lương”

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM kể về 18 cuộc họp chuyên đề của Chính phủ và giấc mơ “Tôi có thể mua nhà bằng lương” của người Việt trẻ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: CRI.

Chủ tịch HoREA kiến nghị để thị trường bất động sản phát triển bền vững thì thị trường phải hướng về nhu cầu thực. Nhu cầu thực ở đây, ông Châu nhấn mạnh, rằng chỉ nói về nhà vừa túi tiền, bởi người giàu, giới trung lưu cũng có nhu cầu thực.

“Nhưng phải cân đối. Thị trường bất động sản vướng về pháp lý là chính, nhưng cũng gặp vướng mắc về mất cân đối sản phẩm, khi thị trường TPHCM 80% là nhà ở cao cấp, 20% là nhà ở trung cấp, không có nhà ở nào vừa túi tiền”, ông Châu nhấn mạnh.

Mặt khác, để giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, tập trung vào nhu cầu 100 triệu dân trong nước và đặt nền móng phát triển cho tương lai, ông Châu cho biết, Trung ương đã chỉ đạo tập trung tối đa nguồn vốn đầu tư công để phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Chưa bao giờ cao tốc Bắc Nam 11 tuyến đều được đẩy mạnh, các đường Vành đai 3, Vành đai 2 TPHCM, tuyến Metro số 1, Cầu Cát Lái… rất nhiều hệ thống giao thông đang được tập trung.

"Điều này không chỉ phục vụ cho trước mắt mà còn hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài. Thị trường bất động sản sẽ được thụ hưởng những thành quả này thông qua việc phát triển hệ thống hạ tầng", Chủ tịch HoREA nhận định.

Trong thời gian tới, để giải quyết vướng mắc về pháp lý, Ban chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết 18 yêu cầu hết năm 2023 phải sửa đổi xong Luật Đất đai và một số Luật liên quan để đảm bảo đồng bộ, trong đó có Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… Ba Luật này, ông Châu cho biết dự kiến được thông qua trong cuối năm 2023 và có hiệu lực từ tháng 1/2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trương đầu tháng 1/2023 sẽ họp kỳ họp bất thường lần thứ hai để giải quyết các vấn đề nóng và bất động sản cũng đã được đề nghị đưa vào trong nội dung kỳ họp. Chính phủ trong 2 năm vừa qua đã tổ chức 18 cuộc họp chuyên đề về pháp luật để giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có các chỉ đạo trực tiếp để giải quyết những vướng mắc khó khăn của bất động sản.

Chủ tịch HoREA bày tỏ tin tưởng với những hành động quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc pháp lý sẽ tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn bền vững.

“Khi đạt được mục tiêu đó, thị trường bất động sản sẽ phát triển cân đối, hướng về nhu cầu thực. Và các bạn trẻ có thể mơ về việc ‘Tôi có thể mua được nhà với đồng lương của tôi’”, ông Châu bày tỏ kỳ vọng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm