Một năm nhiều tâm tư, "mùa đông" startup
2021 được xem là năm bùng nổ của các thương vụ đầu tư vào startup với việc hàng loạt doanh nghiệp huy động được số vốn hàng triệu USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường toàn cầu, nguồn vốn đầu tư vào các startup có chiều hướng đi xuống trong năm kế tiếp.
Theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số vốn đầu tư vào startup công nghệ tại Việt Nam đã giảm 17,1% so với năm 2021, số lượng thương vụ cũng giảm 13%.
Bên cạnh việc các kênh đầu tư gặp khó khăn do kinh tế suy thoái, các nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm có xu hướng thận trọng hơn do số lượng startup có khả năng thực thi thành công dự án và khả năng mở rộng quy mô nhanh có tỷ lệ rất thấp.
Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về "mùa đông start-up", giai đoạn ảm đạm của thị trường khi các công ty mới khởi nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc gọi vốn và vận hành hoạt động. Sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh Covid-19, startup nay càng khó khăn.
Anh Phan Duy Sơn, Giám đốc Imagtor - một agency chuyên cung cấp dịch vụ chỉnh sửa ảnh với đội ngũ hơn 60% là người khuyết tật, cho biết: "Giai đoạn sau Covid-19 là thời điểm mà thị trường kinh doanh chững lại, chưa thể đạt được những mục tiêu đề ra. Để đảm bảo được lượng công việc ổn định cho những nhân viên hiện tại là một bài toán khó, nhưng để tạo thêm nhiều công việc, nhiều cơ hội việc làm cho những bạn khuyết tật mới tốt nghiệp từ Trung tâm Nghị Lực Sống lại càng khó hơn".
2022 là năm nhiều start-up phải giải bài toán khó về nhân sự, tài chính đòi hỏi các CEO phải luôn nỗ lực hết mình. Ảnh: Agency Imagator/ NVCC
Tình trạng khó khăn trong việc duy trì vận hành doanh nghiệp cũng xảy ra với Ngô Thùy Anh, Founder & CEO HASU. Theo nữ CEO, trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, cả 2 công ty chị điều hành đều gặp nhiều thách thức. Khách hàng công ty truyền thông marketing thì cắt hợp đồng để đầu tư vào tăng doanh số bán hàng nhằm tăng lượng tiền mặt, công ty công nghệ chuyên về các ứng dụng cho người cao tuổi thì bị hạn chế kênh tiếp cận chính là kênh offline.
"Với một khối lượng nhân sự lớn và ít việc để làm, mình cũng đã đứng trước rất nhiều ngã rẽ: cho nhân sự "ra đi" để cắt giảm chi phí hoặc tạm thời đóng cửa để bảo toàn chi phí cho nhà đầu tư. Nhưng hầu hết các anh chị em nhân sự của mình đều là người đến từ tỉnh khác, cuộc sống còn nhiều khó khăn, có người đang phải nuôi con nhỏ. Nếu mình đóng cửa thì nhân viên sẽ duy trì cuộc sống thế nào?", chị Ngô Thuỳ Anh chia sẻ.
Sau cùng, nữ CEO quyết định xoay sở để tạo ra mô hình kinh doanh mới, thậm chí nhiều giai đoạn phải tự bỏ tiền túi ra bù đắp các chi phí để ít nhất tất cả nhân sự đều được đảm bảo các khoản lương cơ bản và được thưởng nếu doanh số tăng. Chị Ngô Thuỳ Anh cũng tìm cách tinh gọn bộ máy, tinh gọn các quy trình tìm kiếm cũng như chăm sóc khách hàng để tối ưu chi phí, tối đa hiệu quả.
Ngoài vấn đề tài chính, nhân sự, doanh nghiệp startup cũng có nỗi lo về trở ngại khi nhân sự phải làm việc từ xa trong một thời gian dài. "Giai đoạn làm tại nhà khiến tinh thần làm việc của nhân viên bị giảm sút. Do đặc thù ngành thiết kế nhà cần tương tác trực tiếp để rà soát, kiểm tra chỉnh sửa bản vẽ thường xuyên hay trải nghiệm đi công trình thực tế. Ngoài ra khó khăn cũng đến từ việc công ty phải đưa ra các phương án về tối thiểu chi tiêu, hoàn thiện quy trình chặt chẽ, tiết kiệm trong mọi trường hợp và tối ưu hoá nguồn nhân lực", CEO Combohome Đoàn Mạnh cho biết.
Cố gắng cho Tết ấm no, cho nhân viên du lịch "xả hơi"
Gác lại những bộn bề của một năm đã sắp qua, lãnh đạo các doanh nghiệp đang gấp rút chuẩn bị một cái Tết thật ấm cúng cho nhân viên của mình.
Giám đốc Imagtor Phan Duy Sơn khẳng định rằng dù doanh thu năm nay không đạt được như kỳ vọng nhưng công ty vẫn sẽ giữ mốc thưởng tết như cũ, cùng với đó là khoản thưởng riêng và mức lương hấp dẫn cho những bạn làm xuyên tết.
Ban lãnh đạo agency này cũng đang có kế hoạch hỗ trợ một phần chi phí về quê cho những người ở xa. Bên cạnh đó, Chủ tịch Imagtor Nguyễn Thị Vân tiết lộ sẽ ở lại ăn Tết với nhân sự vì "thành viên trong công ty đã gắn kết với nhau như một gia đình thực sự".
Không chỉ giữ nguyên kế hoạch thưởng Tết so với thời điểm trước Covid-19 và tổ chức một chuyến du lịch "xả hơi" cho nhân viên, Founder & CEO HASU Ngô Thùy Anh mong muốn hỗ trợ và giúp đỡ nếu gia đình của nhân viên gặp khó khăn. Ngoài ra công ty cũng có các hoạt động thường niên như tiệc tất niên, tiệc năm mới, trao phong bao lì xì.
Bức tranh kinh doanh đầy biến động nhưng vẫn có những điểm sáng khả quan trong giới startup. Theo CEO Trần Kiều Anh, doanh nghiệp Dòng Dòng chuyên cung cấp balo, túi vải bạt của chị đã có một năm khởi sắc. Thậm chí công ty này còn chuẩn bị thưởng Tết cho nhân viên từ… tháng 9. "Do sự phát triển rất nhanh của Dòng Dòng trong năm nay, tôi đã có sự chuẩn bị từ tháng 9, dành một phần lợi nhuận cho thưởng cuối năm cũng như quà Tết và một chuyến đi chơi cho nhân viên", chị Trần Kiều Anh cho biết.
Hướng đến một năm mới đầy hy vọng
Tự hào và hài lòng là cảm xúc chung của nhiều CEO khi nhìn lại một năm sắp qua. Điều khiến nhiều CEO cảm thấy "may mắn" nhất chính là đảm bảo lương và thưởng Tết cho những nhân viên đã luôn tận tụy, cố gắng hết mình vì doanh nghiệp.
"Năm qua là một năm ai cũng phải "gồng" nhiều chút. May mắn là tôi vẫn có thể đảm bảo cho anh em có đủ lương cơ bản, có thưởng với nhân viên làm việc hiệu quả, vẫn có quà tết và ngồi uống chén trà, ăn miếng bánh trò chuyện với anh em", CEO Combohome Đoàn Mạnh chia sẻ.
Với anh Đoàn Mạnh, năm 2022 sắp đi qua là lúc suy nghĩ về một năm đã qua đã làm được gì và còn điều gì chưa làm được, cũng như cần chuẩn bị gì cho một năm tiếp theo. Dù thị trường đôi khi vẫn khắc nghiệt cho tất cả các doanh nghiệp, anh khẳng định sẽ luôn tập trung làm mọi việc tốt nhất có thể.
Nhìn lại một năm sắp qua, Giám đốc Imagtor Phan Duy Sơn cảm thấy hài lòng với những thành quả mà doanh nghiệp đã đạt được. Dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế kéo dài cũng không thể ngăn vị lãnh đạo trẻ nhìn mọi thứ dưới góc độ tích cực: "Imagtor đã tuyển thêm đội ngũ nhân sự và đang trong quá trình training để chuẩn bị cho những kế hoạch mới và mục tiêu mở rộng thị trường trong tương lai. Với mong muốn được chuyển mình thì việc chuẩn bị này là cần thiết để đón đầu các cơ hội."
Còn với chị Vũ Nguyệt Ánh, CEO Rudicaf, năm 2022 vừa qua là một năm đầy nguy cơ, trong nguy luôn bao gồm cơ. Khoảng thời gian khó khăn vì ảnh hưởng từ Covid-19 đã trở thành nhiều cơ hội và ý tưởng để chị phát triển doanh nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, sau đại dịch, doanh nghiệp của chị Nguyệt Ánh cũng thay đổi chính sách nhân sự để bộ máy vận hành hiệu quả hơn. Cụ thể Rudicaf hướng tới việc chi trả lương thưởng nhân viên theo hiệu quả công việc, "để mỗi nhân viên cảm giác mình như 1 ‘đối tác’ của công ty, với mức thu nhập xứng đáng với công sức và đóng góp".
Vượt qua "nguy" để đến với "cơ", kế hoạch lớn nhất trong năm 2022 của Rudicaf là ra mắt đội ngũ mai mối chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Đây là bước đầu hoàn thiện đội ngũ, quy trình, lộ trình phát triển để làm tiền đề cho dự án xây dựng Rudicaf Academy - học viện đào tạo nghề mai mối chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2023.